Giao thừa là thời khắc linh thiêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, là dịp để gia đình sum vầy, dâng lên nhang khói thần linh nhằm tưởng nhớ tổ tiên và cầu mong những điều tốt lành cho năm mới. Vậy mâm cúng giao thừa 29 Tết Ất Tỵ 2025 gồm những gì? Hãy cùng Chuduinfo tìm hiểu nhé!
Tham khảo đặt phòng khách sạn và gọi số 1900 5454 40 – 1900 6365 40 để được tư vấn đặt phòng cho chuyến du lịch Tết.
Mâm cúng giao thừa 29 Tết Ất Tỵ 2025 gồm những gì?
Cúng giao thừa hay còn gọi là lễ trừ tịch được thực hiện vào khoảng từ 11 giờ đêm ngày 29 tháng Chạp. Đây là một phong tục cực kỳ quan trọng vào ngày Tết cổ truyền của người Việt. Nó đánh dấu tiễn đưa một năm cũ và chào đón năm mới thuận lợi, may mắn hơn. Bên cạnh đó cúng giao thừa còn có ý nghĩa tưởng nhớ công đức của cha ông và mời gọi tổ tiên về nhà ăn Tết.
Chính vì mức độ quan trọng và ý nghĩa như vậy mà lễ cúng giao thừa luôn được người đân Việt chuẩn bị rất kỹ lưỡng về nghi thức, lễ vật cùng với những lưu ý nên hay không nên trong ngày này.
1. Ngày giao thừa là gì?
Giao thừa là thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, bước sang ngày đầu tiên của năm mới đánh dấu kết thúc năm cũ theo lịch âm, bắt đầu từ thời khắc 0 giờ : 0 phút : 0 giây.
Đêm giao thừa, từ 11h đêm ngày 29 đến 1h sáng mùng 1 Tết là đêm linh thiêng nhất của mọi gia đình Việt. Vì đó được quan niệm là thời điểm trời đất giao hoà – âm dương hòa hợp và bừng lên sức sống mới đầy hy vọng.
Vào thời khắc này các gia đình cùng làm lễ thắp hương cúng gia tiên, quây quần bên nhau, cùng xem pháo hoa để tiễn năm cũ đón năm mới, cầu sức khỏe, may mắn tài lộc cho tất cả thành viên trong gia đình.
2. Ý nghĩa cúng đêm giao thừa
Đêm giao thừa là thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Người ta quan niệm rằng đây cũng là thời gian để gác lại những chuyện buồn, xui xẻo, điềm xấu của năm vừa qua để hy vọng vào một năm mới có nhiều tiến triển tích cực hơn.
Bên cạnh đó, đêm giao thừa cũng là lúc là các đứa con xa nhà, từ người trẻ đến người lớn tuổi trong gia đình sum họp, đoàn viên, tổng kết lại những gì đã làm được trong một năm vừa qua và đặt ra những mục tiêu và dự định cho năm mới.
3. Phong tục truyền thống đêm giao thừa cần biết để lộc cả năm
Người Việt Nam quan niệm rằng trong giờ phút giao thừa, bạn sẽ gặp nhiều may mắn trong năm kế tiếp nếu thực hiện những điều sau:
Cúng giao thừa
Một trong những phong tục truyền thống không thể thiếu trong đêm giao thừa chính là cúng giao thừa. Ở mỗi vùng miền và địa phương có cách bài trí và lễ cúng khác nhau. Tuy nhiên chung quy lại lễ cúng giao thừa vẫn mang ý nghĩa là một lời tạm biệt cho năm cũ đã qua và cầu mong năm mới sẽ có nhiều niềm hân hoan và may mắn hơn.
Mâm cúng giao thừa ngoài trời 29 Tết
Theo từng vùng miền, mâm cúng giao thừa Tết ngày 29 sẽ khác nhau nhưng có đặc điểm chung đều phải có mâm ngũ quả, trầu cau, rượu, trà, muối, gạo, quần áo và mũ nón mũ thần linh. Đối với mâm lễ mặn thì phải có thịt heo luộc hay gà trống luộc, bánh chưng, xôi, hoa tươi… Nếu là Phật tử có thể cúng mâm lễ chay, hoa quả.
Bày mâm cúng phải trước cửa nhà, tuyệt đối không cúng trong nhà hay ban công. Khi đúng giờ, gia chủ ăn mặc chỉn chu, gọn gàng, thắp đèn, nến, rót rượu, rót trà, rồi khấn vái trước án, thành tâm khấn vái, mời thập phương chư thần, chư thiên chứng giám, bày lễ cầu mong theo nguyện vọng của gia đình cũng như cho phép người thân đã mất có thể bước trở về nhà hưởng hương hỏa mừng năm mới với con cháu.
Mâm cúng giao thừa trong nhà 29 Tết
Bên cạnh bày lễ ngoài trời, gia chủ còn phải chuẩn bị mâm cúng giao thừa trong nhà gồm ngũ quả, nến, hương, hoa, vàng mã, trầu cau, rượu, trà, bánh chưng (bánh tét), bánh kẹo, bày mâm cỗ.
Thực chất mâm cúng giao thừa trong nhà chính là cúng bái tổ tiên, mời tổ tiên về nhà mừng đón một năm mới với con cháu, tổ tôn theo tín ngưỡng dân gian người Việt lẫn người Hoa, đồng thời mâm lễ cũng là tấm lòng cám ơn ông bà tổ tiên đã đồng hành, bảo vệ và độ trì con cháu thoát khỏi tai ách, giúp con cháu làm ăn thuận lợi.
Thông thường, mâm cúng trong nhà sẽ cúng sau mâm lễ trước nhà, tập tục gọi là “ nghênh tân, tiễn cửu”, ý chỉ mời chư thần, hành quan năm mới đến nhà và tiễn tạ quan hành cũ.
Mua muối đêm giao thừa
Các cụ có câu “đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” là tục lệ truyền thống từ xưa đến nay vẫn được duy trì. Muối không chỉ có ý nghĩa xua đuổi tà ma, điềm rủi mà chúng còn mang ý nghĩa thể hiện sự gắn kết tình cảm quan hệ gia đình, con cái khỏe mạnh, thuận hòa.
Do vậy, sau đêm giao thừa người ta thường mua những bịch muối nhỏ được gói trong bao giấy màu vàng, màu đỏ ở các khu phố, khu chợ.
4. Mâm cúng giao thừa 3 miền gồm những gì?
Mâm cúng giao thừa miền Nam
Do thời tiết miền Nam chủ yếu là nắng nóng nên phong tục chuẩn bị mâm cúng ngày cỗ của người miền Nam thường ưu tiên các món nguội như canh khổ qua nhồi thịt, canh măng, thịt kho hột vịt, chả giò, củ kiệu, bánh tét,…
Mâm cúng giao thừa miền Trung
Mâm cúng giao thừa miền Trung cũng sẽ mang đặc trưng riêng thể hiện qua có món truyền thống mang đậm chất vùng miền Trung như đĩa dưa món, đĩa giò lụa, đĩa thịt bông, đĩa gà bóp rau răm, đĩa thịt heo luộc, dưa giá, bát măng khô ninh, bát miến, đĩa cá chiên, đĩa ram,…
Mâm cúng giao thừa miền Bắc
Mâm cúng giao thừa miền Bắc chủ yếu là các món ăn truyền thống, thường bao gồm 4 bát, 4 đĩa. Nếu cỗ lớn hay gia đình có điều kiện thì sẽ bày 6 bát, 6 dĩa hoặc 8 bát, 9 đĩa các món cúng bao gồm có bát móng giò hầm măng, bát bóng nấu thập cẩm, bát canh mọc, bát miến nấu lòng gà, bánh chưng,…
Mâm cỗ giao thừa có cúng chay không?
Mâm cỗ giao thừa không yêu cầu quá cầu kỳ, không bắt buộc cúng mặn, do đó có thể cúng chay. Mâm cỗ giao thừa ngày Tết bằng đồ chay cũng có thể thể hiện sự trong sạch, thành kính, không dính sát tính bên trong, do đó mâm cúng chay đơn sơ nhưng lại là cách rước phúc khí nhanh chóng, được nhiều nhà phong thủy khuyến khích.
Tuy nhiên, việc mâm cúng đồ mặn vẫn được chư thần chấp nhận, bởi khi cúng không phải cúng riêng thần Phật, còn cúng cả thập phương quỷ thần bên trong, do đó cách nào cúng cũng tốt, chủ yếu là tâm tính người bái, cách thức cúng có đúng quy chuẩn, trang trọng hay không.
Đặt mâm cúng giao thừa ở đâu?
Một mâm cúng giao thừa đúng cách gồm bên trong lẫn bên ngoài. Mâm cúng bên ngoài như đã giải thích bên trên là cúng bái chư thiên, thần Phật thập phương, bao gồm trong đó có cả 12 vị quan mà dân gian gọi là Hành Khiển.
Mỗi một năm sẽ có một vị thay phiên cai quản, do đó bày mâm cúng ngoài trời là rước hành quan mới đến nhà và xin tổ tiên được phép vào nhà vào năm mới đón giao thừa với con cháu, tử tôn. Ngoài ra mâm bên trong sẽ cúng tổ tiên, bài tạ hành quan cũ.
Mâm cúng giao thừa có gạo muối không?
Gạo và muối là thứ không thể thiếu bất cứ buổi lễ bái nào trong dân gian, nó bắt nguồn từ Đạo giáo bởi 2 vật mang tính dương, ngũ hành hài hòa, có khả năng trừ tà, đuổi vận xui, nhất giao thừa ngoài thần linh ra còn có đông đảo quỷ thần đứng quanh, vì vậy sau khi cúng bái xong, gia chủ sẽ rải gạo muối cúng giao thừa xung quanh để mời các vị này tránh khỏi nhà cửa mình sau khi dùng lễ.
Đồng thời chúng còn có ý nghĩa là mong muốn gia đình một năm gạo muối đầy đủ, ý chỉ của cải gia tăng, thịnh vượng, tài lộc một năm viên mãn.
5. Văn cúng Tất niên chiều 29 Tết theo Văn cúng cổ truyền Việt Nam
Nam mô A-Di-Đà Phật! (3 lần)
– Con kính lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương.
– Con kính lạy Hoàng thiên, Hậu thổ, chư vị tôn thần.
– Con kính lạy ngài Kim niên Đương cai Thái Tuế chí đức tôn thần.
– Con kính lạy các ngài Bản cảnh Thành hoàng chư vị Đại Vương.
– Con kính lạy ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa tôn thần.
– Con kính lạy các ngài Ngũ Phương, Ngũ Thổ, Long Mạch, Tài Thần, Bản gia Táo Quân, cùng tất cả các vị thần linh cai quản trong xứ này.
– Con kính lạy chư gia Cao tằng Tổ khảo, Cao tằng Tổ tỷ, tiên linh nội ngoại họ: …
Hôm nay là ngày 30, tháng Chạp, năm: …
Tín chủ (chúng) con là: …
Ngụ tại: …
Trước án kính cẩn thưa trình: Đông tàn sắp hết, năm kiệt tháng cùng, xuân tiết gần kề, minh niên sắp tới.
Chúng con cùng toàn thể gia quyến sắm sanh phẩm vật hương hoa, cơm canh thịnh soạn, sửa lễ tất niên, dâng cúng Thiên Địa tôn thần, phụng hiến Tổ tiên, truy niệm chư linh.
Theo như thường lệ tuế trừ cáo tế, cúi xin chư vị tôn thần, liệt vị gia tiên, bản xứ tiền hậu chư vị hương linh giáng lâm án toạ, phủ thuỳ chứng giám, thụ hưởng lễ vật, phù hộ toàn gia lớn bé trẻ già bình an thịnh vượng, bách sự như ý, vạn sự tốt lành, luôn luôn mạnh khoẻ, gia đình hoà thuận.
Thành tâm bái thỉnh, cúi xin chư vị tôn thần và gia tiên nội ngoại chứng giám phù hộ độ trì.
Nam mô A-Di-Đà Phật (3 lần, 3 lạy).
6. Điều kiêng kỵ không nên làm vào đêm giao thừa
Mâm cúng cần chuẩn bị tươm tất: Từ xưa đến nay làm mâm cúng chủ yếu là thành tâm không cần phải đầy đủ như yêu cầu. Nhưng không phải vì thế mà được phép sơ sài.
Tùy phong tục từng vùng miền và địa phương sẽ có mâm cỗ cúng khác nhau nhưng trên cơ bản bạn cần có hương, đèn, trà rượu, muối gạo, hoa quả, xôi, bánh chưng,…
Tránh tạo ra những tiếng động lớn, rơi vỡ.
Vào đêm cúng giao thừa, người trong gia đình cần hòa thuận, tránh tình trạng cãi vã, to tiếng.
Theo quan niệm người Hoa, đêm giao thừa phải có đầy đủ con cháu để rước ông bà về với gia đình ăn Tết. Nếu nhà không đầy đủ thể hiện một năm hạnh phúc không trọn vẹn
Không soi gương vào đêm giao thừa vì quan niệm người xưa cho rằng như vậy có thể nhìn thấy ma quỷ vào đêm đó khiến cả năm gặp điều không may.
Bên trên là những cách bày mâm cúng giao thừa của từng vùng miền đất nước, cách thức bày mâm và ý nghĩa của việc cúng giao thừa trong tâm linh người Việt. Mong qua bài viết Mâm cúng giao thừa 29 Tết Ất Tỵ 2025 gồm những gì? có thể cung cấp các bạn thêm nhiều thông tin bổ ích và thú vị.