Bạn có chuyến đi Quy Nhơn – Bình Định và đã “càn quét” không ít món ngon nơi đây, nhưng bạn đã chừa bụng để thử qua món ăn dân dã bánh dây Bồng Sơn chưa? Món ăn ngon nhưng lại mộc mạc từ cái tên gọi mà đến cả cách ăn cũng đơn giản đến lạ. Đừng quên dùng thử khi đến du lịch Quy Nhơn bạn nhé!
- Tham khảo thêm:
- Danh sách khách sạn Quy Nhơn
- Danh sách resort Quy Nhơn
Bánh dây – món ăn đặc sản của vùng quê Bồng Sơn (Bình Định) – cũng chỉ được làm từ gạo như bao loại bánh khác nhưng lại mang hương vị thơm ngon khác hẳn. Để làm ra loại bánh dây này lại không hề đơn giản tý nào mà phải trải qua rất nhiều công đoạn. Vậy bánh dây có gì đặc biệt hơn so với những món ăn khác, hãy cùng tìm hiểu xem nhé!
Chẳng ai biết bánh dây ra đời từ lúc nào, nhưng hễ đi Quy Nhơn, về thị trấn Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) thì chắc rằng bạn sẽ được người dân địa phương đưa đến thưởng thức món bánh dây bờ đê ít nhất một lần.
Được làm từ bột gạo ngâm với nước tro nhưng muốn có bánh dây ngon thì phải dùng đến gạo lúa cũ, tức là gạo xay từ lúa được thu hoạch từ nhiều tháng trước. Với loại gạo này, sợi bánh sẽ có vị dai đặc trưng. Gạo được vo qua vài nước rồi đem ngâm với nước tro.
Loại tro ngâm gạo phải là tro củi thì bánh mới được ngon. Tro củi được sàn cho mịn, rồi cho vào thau nước, khuấy lên vài lần để tro lắng xuống và gạn bỏ tạp chất. Chắt lấy phần nước trong rồi đem ngâm gạo trong khoảng 6 tiếng đồng hồ. Gạo sau khi ngâm với nước tro sẽ được đem xay thành bột và hấp chín. Trong quá trình hấp, người làm phải liên tục khuấy để bột chín đều, không bị cháy khét. Khi bột đặc lại và ráo nước thì được ngắt thành từng miếng nhỏ, cho vào khuôn ép thành những vỉ bánh gồm nhiều sợi bún nhỏ. Những vỉ bánh này lại được đem đi hấp cách thủy cho chín đều.
Bánh dây có sợi màu vàng nhạt, sợi như bún nhưng chỉ khác các sợi dính vào nhau nên được gọi là bánh. Trước khi ăn, bánh dây sẽ được xé rời và ngắt thành từng đoạn ngắn, thoa đều dầu hẹ, rắc ít đậu phộng rang nhỏ, thêm một muỗng nước mắm ớt tỏi, ăn cùng với rau sống.
Món bánh dây ngon một phần là nhờ nước mắm được pha đúng cách. Với món ăn này, nước mắm đặc trưng phải được pha loãng chứ không để vị mặn nguyên chất của mắm và có vị chua chua ngọt ngọt cùng vị thơm của tỏi, vị cay của ớt.
Chỉ đơn giản vậy thôi nhưng khi ăn sẽ cảm nhận được vị dai của sợi bánh hòa lẫn cùng vị mặn ngọt của nước mắm, quyện với mùi thơm của các loại rau sống, cùng với vị béo ngậy, giòn giòn của đậu phộng. Một món ăn mộc mạc nhưng hương vị lại đậm đà khiến người ăn cứ nhớ mãi.
Đi Quy Nhơn, để được thưởng thức món ăn dân dã này bạn phải tới khu chợ Đầm hoặc có một quán nhỏ ở góc đường Mai Xuân Thưởng. Món bánh dây này vừa dễ ăn lại rất ngon nên mỗi lần đi ăn đều phải ăn đến 2-3 dĩa mới đã cơn ghiền. Còn với những người ở xa quê, mỗi lần về lại mua vài ký bánh dây đem vô làm quà và đãi mọi người ăn cho đỡ nhớ. Một món ăn giản dị mà đượm tình quê hương.