Du lịch Cần Thơ Ngắm nhìn nét kiến trúc độc đáo của công trình tâm linh nổi tiếng ở Cần Thơ 829 Chia sẻ Facebook Tweet Chùa Ông là một công trình kiến trúc có giá trị về lịch sử văn hóa, gắn liền với quá trình phát triển của du lịch Cần Thơ. Tham khảo danh sách khách sạn Cần Thơ Tham khảo danh sách resort Cần Thơ Nằm ngay trung tâm thành phố Cần Thơ, nhìn ra Bến Ninh Kiều lộng gió, chùa Ông – còn có tên Quảng Triệu Hội Quán – là ngôi chùa cổ hiếm hoi của thành phố Cần Thơ giữ được nguyên hiện trạng từ lúc xây chùa đến nay. Chùa Ông nổi bật với kiến trúc, màu sắc rực rỡ đặc trưng của người Hoa. Chùa được trang trí bằng những hình nhân bằng sành sứ tái hiện những điển tích, truyền thuyết Trung Hoa như Bát Tiên quá hải, chuyện Tam Quốc Chí… Công trình 114 tuổi mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc Hoa này đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1993. Bên trong các gian của chùa Ông được bố trí theo thứ tự lớp lang rõ ràng: Tiền điện – Sân thiên tỉnh (còn gọi là giếng trời) – Chánh điện và các dãy nhà phụ bao quanh chánh điện theo hình chữ Quốc vuông góc, khép kín với nhau. Thiên tỉnh (giếng trời) còn là nơi thoát khói cho hàng trăm khoanh nhang tỏa ra suốt ngày đêm Chùa được tôn dáng vẻ uy nghiêm nhờ 6 hàng cột gỗ nâng đỡ vòm mái. Bên trên, hệ thống kèo phức tạp được chạm trổ công phu. Khắp nơi trong chùa trang trí nhiều bức phù điêu hoành tráng. Đến chùa Ông, đi qua hai hàng binh khí của Bát Tiên, khách thập phương sẽ được chiêm ngưỡng tượng Quan Thánh Đế Quân được thờ ngay chánh điện. Quan Thánh Đế Quân còn được gọi là Quan Công, là một danh tướng thời Tam Quốc, tượng trưng cho nhân – nghĩa – lễ – trí – tín. Chùa còn thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu, vị thần bảo hộ của những ngư dân trên biển và Phật bà Quan Âm tượng trưng cho sự nhân hậu, yêu thương con người. Chùa Ông có ba lễ vía chính trong năm là ngày vía Quan Thánh Đế Quân được tổ chức vào ngày 26 tháng 6 âm lịch, vía Thiên Hậu Thánh Mẫu ngày 23 tháng 3 âm lịch và trả lễ cuối năm. Trong các ngày vía đó, đông đảo bà con người Hoa, du khách và người dân địa phương đem heo quay đến cúng, thành kính dâng hương, thể hiện ước vọng an lành, bình an trong cuộc sống. Tập tục này đã tồn tại hàng trăm năm, như một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân Cần Thơ. Ngoài ra, Lễ hội tiêu biểu nhất của chùa Ông là Lễ đấu đèn được tổ chức 10 năm một lần, nhằm tạo thêm một sinh hoạt văn hóa đặc sắc tại địa phương để quyên góp tiền giúp các cơ sở từ thiện, xây nghĩa trang, trường học, giúp đỡ trẻ mồ côi trong thành phố. Chùa Ông là một công trình kiến trúc có giá trị về lịch sử văn hóa được bảo tồn khá tốt, được đông đảo người dân yêu quí trân trọng giữ gìn, đây cũng là nơi thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến thăm