Chợ nổi Phong Điền – Điểm đến thú vị tại Cần Thơ

228

Cùng với chợ nổi Cái Răng, chợ nổi Phong Điền là điểm du lịch Cần Thơ thu hút đông đảo khách tham quan. Chợ nổi Phong Điền là nét văn hóa mua bán đặc trưng độc đáo của miệt vườn sông nước, đã gắn liền với nhiều thế hệ và là niềm tự hào của nhân dân địa phương huyện Phong Điền nói riêng và người dân miền Tây nói chung.

Nằm cách trung tâm Cần Thơ khoảng 17km, Chợ nổi Phong Điền trước đây nằm ngay ngã ba sông, đoạn sông Cần Thơ phân lưu khỏi sông Hậu nay phải đi thêm khoảng 800m kể từ địa điểm cũ, xuôi theo hướng kênh KH9, thuộc địa phận xã Nhơn Ái là đến.

Chợ nổi Phong Điền 1
@aen.fm

Chợ nổi Phong Điền cũng họp từ khá sớm, lúc tờ mờ sáng, cũng như chợ nổi Cái Răng náo nhiệt nhất vào tầm 7-8h sáng và qua 9h thì bắt đầu vãn. Tuy vậy, khác với chợ nổi Cái Răng, chợ nổi Phong Điền qua giờ tấp nập vẫn còn người buôn bán đến chiều.

Với thế mạnh miệt vườn sông nước cây lành trái ngọt, các loại trái cây đặc sản được buôn bán tại chợ nổi Phong Điền rất phong phú. Từ các loại sản vật miệt vườn như cam, quýt, xoài, vú sữa, mận, sầu riêng, măng cụt… cho đến những vật dụng sinh hoạt, công cụ lao động sản xuất, các sản phẩm của nghề đan và các loại hàng bách hóa tổng hợp trong và ngoài nước.

Không chỉ có nông sản, công cụ lao động, chợ nổi Phong Điền còn có trạm xăng dầu, các ghe thuyền bách hóa tổng hợp, những nhà may di động, những tiệm sửa chữa máy móc mở cửa suốt ngày như các chợ trên đất liền… khiến cho chợ nổi Phong Điền trở nên đặc biệt và luôn mang lại nhiều cảm xúc đặc biệt cho khách du lịch Cần Thơ ghé thăm bất kỳ vào thời điểm nào trong ngày như câu ca đã được truyền miệng:

“Phong điền chợ nổi trên sông

Bồng bềnh mặt nước chợ đông sớm chiều.”

Ngoài ra, chợ còn có cả một gian ẩm thực vô cùng phong phú như hột vịt lộn, bún thịt nướng, gỏi vịt, hủ tiếu… Buổi sáng ngồi trên ghe hít thở không khí trong lành của buổi sáng mai thưởng thức tô hủ tiếu, bánh canh… trên chợ nổi sẽ là một trải nghiệm thú vị cho du khách.

@schaemenguyen

Nét độc đáo, riêng biệt và nổi bật của chợ nổi là hình thức “bẹo hàng”. Trước mỗi mũi ghe thường cắm hoặc gác ngang một cây sào dài, bên trên treo lủng lẳng những hàng hóa mà chủ nhân muốn bán. Hình thức “bẹo hàng” này là một nét văn hóa giao thương độc đáo chỉ có ở chợ nổi, không ồn ào, vồn vã, không níu kéo khách nhưng lại có sức thu hút kỳ lạ. Khách mua phải nhìn cây “bẹo” mà tìm hàng. Hiện nay, ở chợ nổi có những hình thức “bẹo hàng” hiện đại hơn như những bảng hiệu, hộp đèn, áp phích, băng rôn của các ghe hàng, các cửa hàng nổi…

Đặc biệt nhất là hình thức “bẹo lá bán ghe”. Nếu gặp chiếc ghe “bẹo” một tấm lá lợp nhà nghĩa là người chủ muốn bán chiếc ghe ấy. Các ghe bán hàng dạo thì thay hình thức “bẹo” hàng bằng âm thanh của những chiếc kèn. Có người bấm kèn bằng tay (loại kèn nhỏ, bằng nhựa), có người vừa chèo vừa dùng chân đạp lên kèn (loại kèn lớn, còn gọi là kèn cóc).

@phongdienfloatingmarket

Ngày nay, dẫu đường bộ đã phát triển đến tận những vùng nông thôn hẻo lánh của thành phố Cần Thơ nói riêng, Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, nhưng các chợ trên sông vẫn tiếp tục tồn tại, tiếp tục họp tan theo con nước lớn ròng – một nét văn hóa đặc sắc của người dân miền sông nước đồng bằng.