Du lịch Sài Gòn bạn đã thưởng thức qua món phá lấu Sài Gòn chưa? Tuy chỉ được chế biến bằng những nguyên liệu hết sức bình dân, nhưng từ lâu phá lấu luôn là một trong những món đặc sản Sài Gòn độc đáo mà đầy hấp dẫn khiến cho bất kỳ ai dù chỉ mới được thưởng thức lần đầu đều mê mẩn.
- Xem thêm: Khách sạn Sài Gòn
Phá lấu Sài Gòn, món ăn đường phố “ăn là ghiền”
Nếu đã nhắc đến các món ăn vặt ở Sài Gòn mà bạn bỏ qua cái tên phá lấu thì sẽ là sự thiếu sót vô cùng lớn. Đây là món ăn đã gắn liền với biết bao nhiêu thế hệ học sinh, sinh viên và ngay cả giới trẻ đã đi làm cũng đều rất ưa chuộng.
Dù chẳng mấy ai xa lạ với món phá lấu Sài Gòn này thế nhưng có lẽ ít ai biết rằng, món ăn ấy thực chất có nguồn gốc từ người Tiều ở Trung Quốc. Theo nhiều nguồn kể lại rằng người Tiều vì sợ không dùng hết các con vật làm thực phẩm thế nên họ xẻ tất cả các phần của con vật thành những miếng vừa ăn, ướp với ngũ vị hương và một số nguyên liệu khác rồi nấu lên ăn dần. Những phần thịt đã được sơ chế và ướp gia vị cẩn thận cũng không sợ hỏng trong một thời gian dài.
Và có lẽ cũng chính nhờ ý nghĩa tiết kiệm ấy mà phá lấu nhanh chóng du nhập đến Việt Nam và cực kỳ được các tín đồ ẩm thực cực kỳ ưa chuộng, đặc biệt là ở Sài Gòn. Rồi từ một món ăn dân dã được tạo ra với mục đích “tiết kiệm”, biết bao nhiêu xe đẩy, gánh hàng và hàng loạt biến tấu của món phá lấu Sài Gòn đã ra đời.
Những gánh hàng rong rải rác bên cổng trường, khói tỏa nghi ngút, mùi thơm nồng ngào ngạt của nước cốt dừa trong phá lấu Sài Gòn dường như mời gọi tất cả những ai qua đường. Đặc biệt nhất là lũ nhóc học trò hay đám sinh viên đói bụng sau những giờ học, cứ thế từng cụm, từng nhóm ngồi vây quanh gánh hàng rong, thưởng thức món ngon.
Tưởng chừng như phá lấu Sài Gòn là một món ăn giản đơn, thế nhưng muốn ngon thì phải trải qua những khâu chế biến phức tạp và sự tỉ mỉ cũng như tay nghề của người đầu bếp. Mỗi người nấu sẽ có có sự gia giảm gia vị khác nhau với nồi nước dùng, song gia vị cơ bản nhất của phá lấu phải kể đến mấy vị thuốc bắc như quế chi, bát giác, đại hồi cùng tiểu hồi để khiến vị món ăn thêm đậm đà, và mang lại lợi ích trực tiếp cho cơ thể.
Một chén phá lấu ăn vặt đúng điệu không được quá to, chỉ bé hơn chén ăn cơm để ăn xong còn thòm thèm, không bị ngán. Nước dùng phải có màu màu nâu cánh gián sóng sánh, thoang thoảng vị nước dừa và đậm đà hương vị để khi chén phá lấu nóng hổi được bưng ra bàn, bạn sẽ cảm nhận được ngay cái mùi thơm đặc trưng ấy.
Còn phần lòng bò hoặc lòng heo không được quá cứng, hay có mùi hôi. Xiên từng miếng lòng đang ngập trong nước phá lấu bốc khói, chấm vào chén nước mắm me chua chua, ngọt ngọt, cay cay hòa quyện vào nhau thật đậm đà. Miếng lòng giòn sừn sựt, chấm thêm miếng bánh mì, vị béo đậm của nước phá lấu thấm bánh mì khiến món ăn này tròn vị hơn.
Tuy nhiên, trong phần lớn những xe đẩy và hàng quán phá lấu Sài Gòn, khó mà tìm ra được một nồi phá lấu “chính tông” của người Tiều, với đầy đủ nguyên liệu thuốc bắc. Hầu hết những hàng quán phá lấu bây giờ, người ta thường dùng bột ngũ vị hương thay vì tìm tòi khám phá, kết hợp nhiều loại gia vị tươi cho vào nồi phá lấu như đúng phiên bản gốc.
Thêm nữa, với nhu cầu ngày càng cao của các tín đồ ẩm thực Sài Gòn, món phá lấu cũng ngày một đổi khác, người ta đã nghĩ ra nhiều cách chế biến cũng như tạo ra nhiều phiên bản khác để tạo nên sự đa dạng cho món ăn và phù hợp với khẩu vị của nhiều thực khách hơn.
Phá lấu Sài Gòn phổ biến nhất có phá lấu không, phá lấu mì và phá lấu ăn với bánh mì. Thường thì nếu muốn ăn chơi chơi, ăn cho vui miệng thì người ta nói nên ăn phá lấu không. Bên cạnh bát phá lấu nhỏ, chủ quán sẽ đưa thêm bát đồ chấm nho nhỏ được pha chế rất vừa vặn, còn nếu cảm thấy chưa no thì bạn hãy ăn với bánh mì hoặc mì. Ngoài ra, còn khá nhiều phiên bản khác như phá lấu chiên, phá lấu xào me, phá lấu bò,…
Nhưng dẫu có thay đổi bao phiên bản đi chăng nữa thì tinh thần của món ăn đặc sản Sài Gòn này vẫn không hề thay đổi. Bạn có thể thưởng thức món ăn này vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày với giá cả rất phải chăng.
Đôi khi, chỉ cần kéo một chiếc ghế nhựa ngồi xuống ở một quán vỉa hè, thưởng thức một chén phá lấu nho nhỏ rồi tám chuyện cùng bạn bè trong những ngày gió lạnh cũng đủ cảm thấy thỏa mãn rồi.
Một số địa chỉ thưởng thức phá lâu Sài Gòn được ưa chuộng nhất
Không khó để có thể tìm được một hàng quán bán phá lấu ở trên đường phố Sài Gòn tuy nhiên, không phải quán nào cũng đem lại món ăn thơm ngon, đậm đà mà đảm bảo chất lượng. Thế nên bạn có thể tham khảo một số địa chỉ bán phá lấu được các tín đồ ẩm thực TP HCM cực kỳ ưa chuộng này.
Phá Lấu Lì
Địa chỉ: 1A Sương Nguyệt Ánh, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Giờ mở cửa: 15:00 – 21:00
Giá bán: 20.000đ – 50.000đ
Phá Lấu cô Thảo
Địa chỉ: 243/29G Tôn Đản, phường 15, quận 4, TP. Hồ Chí Minh
Giờ mở cửa: từ 14:00 – 22:00
Giá bán: 10.000đ – 30.000đ
Phá Lấu Dì Nủi
Địa chỉ: 243/30 Tôn Đản, Quận 4, TP. HCM
Giờ mở cửa: 13:30 – 22:30
Giá: 10.000đ – 33.000đ
Phá lấu bà Hạt
Địa chỉ: 533 Bà Hạt, Phường 8, Quận 10, TPHCM
Giờ mở cửa: 16:00 – 22:00
Giá tham khảo: 20.000đ – 40.000đ
Phá lấu không những là món ăn gắn liền với bao thế hệ học sinh, sinh viên mà còn là nét đặc trưng của văn hoá ẩm thực Sài Gòn. Nếu có dịp du lịch Sài Gòn, bạn nhất định không được bỏ qua phá lấu Sài Gòn món ăn vặt đường phố độc đáo này!
Xem thêm: