Du lịch Phan Thiết vui chơi cả ngày thì về đêm nên làm gì? Trời vừa dịu nắng, lang thang trên những con đường hay bãi biển Phan Thiết tận hưởng không khí trong lành và thử các món đặc sản là tuyệt nhất. Và đây cũng là thời điểm tuyệt nhất trong ngày để du khách thưởng thức trọn vẹn cái ngon của ẩm thực Phan Thiết.
Hải Sản
Đi biển thì hải sản vẫn là số một, người ta thường khuyên muốn có đồ ngon, phải chịu khó ra bờ biển sáng sớm đón ghe để mua. Nhưng thật tình mà nói đến Phan Thiết rồi thì không cần phải vất vả đến vậy. Chiều hay tối, cứ ghé vào nhà hàng dọc đường ra Đồi Dương hay hầu như bất kỳ quán hải sản nào là bạn có thể thưởng thức đủ món ngon tươi roi rói.
Răng Mực
Đây là đặc sản được “đóng mác” Phan Thiết từ nhiều năm nay. Dù ở Sài Gòn hay các tỉnh khác có chế biến răng mực nướng, xào lăn, chiên nước mắm hay bơ tỏi cũng không thể ngon bằng khi bạn thưởng thực chính tại Phan Thiết.
Đến Phan Thiết, bạn nên ghé quán răng mực bất kể ở đường Nguyễn Tất Thành, bờ kè, khu ăn đêm… rồi thử món ăn lạ lẫm này.
Bánh Tráng Mắm Ruốc
Bánh tráng chấm mắm ruốc hay bánh tráng mắm ruốc nướng đều đậm đà đáng nhớ. Thường món này sẽ ngon hơn khi trời lạnh hay mưa lâm thâm. Nhưng nếu là một tối nhiều gió Phan Thiết thì sẽ chẳng mấy ảnh hưởng đến chất lượng món ăn ngon này.
Mắm ruốc là bí quyết quan trọng quyết định vị đặc biệt và chất riêng của món ăn. Mắm vắt thêm chanh, ớt xay rồi đánh đều. Bánh tráng cuốn chung với rau răm, dưa leo, xoài chua, trứng cút dầm nát, bánh tráng nướng bẻ vụn và cuốn tròn lại. Cứ thế chấm bánh tráng vào mắm ruốc, cảm nhận vị đặc trưng của ruốc, giòn giòn bùi bùi của bánh tráng nướng với cái dai dai của bánh tráng cuốn, hòa chung vị mát lành của rau và chua nhẹ của xoài.
Cũng cùng thứ mắm ruốc thơm ấy, người ta quét lên bánh tráng đang nướng trên lò than, thêm trứng gà, cút luộc, nem chua, chả lụa, mỡ hành, tương ớt… rồi dùng đũa khéo léo cuộn lại và thưởng thức khi còn hôi hổi hơi than. Bánh tráng mắm ruốc nướng giòn, ấm, béo và thơm lừng, ngon đến tận miếng cuối cùng.
Cả hai món nói trên đều rất rẻ và sẵn có khắp các cổng trường, các quán dọc bờ biển Đồi Dương, đường Thủ Khoa Huân, đường Võ Hữu… mỗi khi chiều về.
Bánh Căn
Bánh căn Phan Thiết có cách chế biến không khác ở nhiều nơi. Cũng bột đơn giản cho vào từng khuôn nhỏ nướng, rồi thưởng thức ngay khi vừa chín. Tuy nhiên, nước chấm nơi đây mới thật là độc đáo.
Nước chấm gồm nước mắm Phan Thiết hòa quyện với nước cá kho, tóp mỡ, xíu mại viên, trứng luộc, da heo, xoài băm, nước mắm, khế băm rất khó diễn tả bởi là tập hợp của nhiều hương vị ngon không sao kể xiết. Bánh căn phổ biến khắp nơi trong thành phố, nhất là từ chiều tà. Ngon nhất là ở đường Thủ Khoa Huân hay Hải Thượng Lãn Ông…
Bánh Canh
Nói đến bánh canh Phan Thiết là người ta nghĩ ngay đến cách ăn khác biệt nơi đây. Người dân Phan Thiết ăn bánh canh kèm với… bánh mì. Đủ các loại bánh canh chả cá, bánh canh chả hấp… ngon lành đáng thử bởi vị lạ và làm từ nguyên liệu tươi.
Nước dùng nấu bánh canh chế biến từ xương cá ngọt thanh, chả cá chiên và chả cá hấp dai, dẻo, thơm ngon không kém Khánh Hòa. Nhưng có thể dễ nhận ra vị ngọt ở đây được ưu tiên hơn nên khi ăn sẽ có cảm nhận khác hẳn bánh canh chả cá Nha Trang. Để chiều lòng du khách, quán bán bánh canh còn có thêm món bánh mì xíu mại hay bánh mì chả trứng dành cho những người không thích chấm bánh mì vào tô bánh canh.
Dông
Dông là đặc sản của Phan Thiết. Từ loài vật xấu xí này, người ta chế biến thành nhiều món nhậu khác nhau như chả, gỏi dông hay món cháo thịt dông. Nhưng món ngon nhất khiến du khách một lần nềm thử sẽ nhớ mãi là dông nướng muối ớt.
Dông sơ chế xong được tẩm ướp với các gia vị trong đó có nước mắm chính hiệu của Phan Thiết rồi cho lên bếp nướng. Lửa than làm thịt dông se lại, vàng ruộm và tỏa mùi hương hấp dẫn. Dông nướng vừa giữ được vị ngon tự nhiên, vừa thêm đậm đà nhờ phụ liệu sẽ ăn kèm với bánh tráng nướng hoặc với rau sống, bún và bánh tráng cuốn, mắm me.