Đi Cần Thơ đến Cồn Sơn bạn sẽ cảm nhận được rất rõ sự chân tình, nồng hậu của con người nơi đây, hòa nhập vào đời sống, gần gũi với thiên nhiên và cùng thưởng thức những món bánh miền Tây dân dã nhưng vô cùng đặc sắc. Và đừng quên đặt phòng khách sạn/ resort Cần Thơ tại Chudu24 nhé luôn có giá tốt đấy!
Bánh tét lá cẩm
Bánh chưng là loại bánh truyền thống có vị trí đặc biệt trong tâm thức người dân phía Bắc, ngược lại bánh tét lại vô cùng thiêng liêng đối với người miền Nam. Gói và nấu bánh tét, ngồi quây quần bên nồi bánh đã trở thành một tập quán, văn hóa sống trong các gia đình người miền Nam. Từ đó, nhiều thương hiệu bánh tét ở miền Tây ra đời. Trong đó, bánh tét lá cẩm gia truyền ở Cồn Sơn nổi tiếng ngon, vị lạ không nhầm lẫn với vùng quê khác.
Để có một mẻ bánh tét lá cẩm ngon, quá trình chế biến rất công phu. Trước tiên phải lựa nếp thật tốt, không lẫn gạo tẻ mới làm cho đòn bánh dẻo, ngâm qua 6 tiếng sau đó để ráo, trộn với nước lá cẩm để lên màu tím đẹp mắt. Lá cẩm phải còn tươi. Sau khi ngâm nếp tương đối mềm thì đem đi xào chung với nước cốt dừa, nêm muối, đường trong thời gian khoảng một tiếng để màu lá cẩm và vị của nước cốt dừa ngấm vào từng hạt nếp.
Nhân bánh tét lá cẩm khá đa dạng, có thể bên trong là trứng muối, đậu xanh, thịt, có thể thêm tôm khô hoặc chỉ đơn giản là nhân chuối. Bánh được gói trong lá chuối tươi, không quá non cũng không quá già, được lau sạch và thoa một lớp dầu trên bề mặt để tránh nếp dính vào lá khi nấu.
Màu tím hồng tự nhiên của lá cẩm khiến chiếc bánh thêm sinh động, đẹp mắt. Cắn một miếng bánh tét màu tím, nếp dẻo và cái vị ngọt của thịt, của hương thơm trứng muối như đọng trong đầu lưỡi, bạn sẽ thấy sự khác biệt rất rõ khi ăn loại bánh tét đặc biệt này so với loại bánh tét truyền thống khác. Dù bất kỳ ai có khó tính đến mấy cũng phải gật đầu khen ngon mỗi khi được thưởng thức bánh tét lá cẩm dẻo, thơm xuất xứ từ vùng đất Cồn Sơn.
Bánh lá mít
Một loại bánh dân dã của người xưa nay trở thành đặc sản Cồn Sơn. Xuất xứ từ ông bà xưa ở làng quê trong những thời kỳ đất nước còn chiến tranh và thiếu thốn. Để có được những chiếc bánh thơm ngon, người dân phải nhào bột gạo thật mịn sau đó phết bột cho bám dính vào mặt sau của lá mít, dàn mỏng phủ kín bao lấy chiếc lá, tận dụng phần gân lá tạo điểm nhấn trang điểm cho bánh.
Họ bôi một ít dầu vào lá trước khi phết bột để dễ bóc hơn, rồi xâu cuống lá vào đầu lá để cuộn cong bánh lại, đem hấp chín. Nước dùng là nước cốt dừa nấu với đường, thêm bột năng để tạo độ sánh mịn, rồi cho dừa nạo vào, nhiều người cầu kì thì thêm chút vừng hoặc lạc lên cho thêm vị ngon.
Chiếc bánh lá mít đơn giản nằm gọn trong nước dùng béo ngậy thơm mát. Ăn bánh lá mít, bột ngon kèm vị lá mít, thơm thơm, bùi bùi, dẻo mềm với vị ngọt mát của nước cốt dừa, vị giòn ngọt của dừa sợi thêm sắc thái, vuốt ve vị giác của người dùng.
Được tận mắt nhìn bà con Cồn Sơn làm bánh, tận tay bóc chiếc lá rồi thưởng thức, cùng say đắm trong những câu chuyện gần xa của bạn bè người thân, mới thấm hết được tình cảm mến thương của người dân nơi đây, mới cảm nhận được sự ngon lành của ẩm thực của người miền Tây.
Bánh khoai mì
Bạn có thể bắt gặp loại bánh này ở tất cả hang cùng ngõ hẻ ở Cồn Sơn. Trước cổng trường học, ở chợ, hay các con hẻo nhỏ, bạn luôn ngửi thấy mùi bánh thơm ngào ngạt cùng mùi dừa cháy không thể nhầm lẫn. Đây là loại bánh đặc sản của người dân Cồn Sơn. Tuy nhiên, sau này, loại bánh này đã được lan rộng ra các vùng lân cận, khó có ai mà chưa từng thưởng thức loại bánh này.
Cách làm bánh khoai mỳ rất đơn giản: Khoai mì luộc chín, cho vào cối quết thật dẻo với dừa tươi cắt sợi. Khi hỗn hợp đã mịn, mang dàn ra mâm, sau đó cắt thành những miếng nhỏ. Các miếng nhỏ sẽ được nướng trên bếp than hồng cho đến khi màu trở nên vàng ươm cả hai mặt và mùi thơm quyến rũ của dừa cháy tỏa ra. Cái béo của dừa hòa với vị ngọt, bùi của sắn vừa dân dã vùa đậm đà khó quên.
Bánh ống lá dứa
Món bánh ống này bắt nguồn từ người Khmer và dần dần nổi tiếng khắp các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, trở thành món ngon được biết bao thế hệ học sinh yêu thích.
Những chiếc bánh ống hình trụ tròn đơn giản, vị ngọt thanh hòa cùng chút béo ngậycủa nước cốt dừa đã trở thành món ăn vặt đầy ắp kỷ niệm với nhiều người.
Ai đã từng một lần thưởng thức bánh ống lá dứa đều phải công nhận rằng món bánh này đậm hương vị đặc trưng của ẩm thực miền Tây. Bởi sự kết hợp hài hòa giữa vị béo của nước cốt dừa, vị xốp của bột gạo hòa quyện cùng vị ngọt thanh của đường, tạo nên nét riêng mà ít món ăn nào có được.
Muốn bánh có độ xốp và hương thơm đặc trưng, thì gạo được dùng phải là loại gạo thơm dẻo, thượng hạng nhất của người Nam Bộ. Các nguyên liệu khác đi kèm là lá dứa, bột nếp, cốt dừa, bột khoai, đường cát trắng, đậu phộng, mè rang và dừa khô..
Với dừa khô, những người thợ kinh nghiệm nhất sẽ chọn loại dừa không quá già mà cũng không úa non để giữ được vị béo ngọt đặc trưng khi ăn bánh. Khi nguyên liệu được chuẩn bị đầy đủ, người thợ sẽ trộn đều bột gạo xay mịn, bột khoai, bột nếp với nước cốt dừa, đường theo một tỉ lệ phù hợp nhất.
Sau khi những chiếc bánh ra lò thường được gói trong tàu lá chuối xanh, một phần là để tạo độ thơm ngon tự nhiên, một phần thể hiện được sự mộc mạc, dân dã của đặc sản miền Tây. Người bán sẽ rạch nhẹ một đường dài trên chiếc bánh để cho thêm đậu phộng, dừa nạo hoặc muối vừng vào rồi dùng lá chuối gói lại, giúp nhân bánh được cố định bên trong không rơi ra ngoài.
Nếu bạn là người Việt Nam thì hãy thử những món bánh miền Tây dân dã này để cảm nhận nét đẹp của ẩm thực Việt. Nếu bạn là thực khách nước ngoài, bạn không thể bỏ qua những món bánh truyền thống Việt Nam để cảm nhận nét mới lạ, đặc sắc ấy.