Du lịch Tết 2020 ngắn ngày ngay sát thủ đô Hà Nội, tại sao không? “Khai chân” năm mới bằng một kèo “đi đu đưa” ở Tây Yên Tử (Bắc Giang) – nơi được ví như Vạn Lý Trường Thành phiên bản thu nhỏ ngay tại Việt Nam thì còn gì tuyệt hơn chứ!
Di chuyển đến Tây Yên Tử
Khu du lịch Tây Yên Tử thuộc tỉnh Bắc Giang, chỉ cách Hà Nội khoảng hơn 100 km và đây cũng là nơi có hệ thống đa dạng các di tích lịch sử – văn hóa – danh lam thắng cảnh với sức hút kì lạ.
Để đến được Tây Yên Tử, bạn có thể di chuyển bằng nhiều phương tiện. Nếu di chuyển bằng xe máy hoặc ôtô riêng, bạn xuất phát từ trung tâm Hà Nội, chạy qua Cầu Nhật Tân – Quốc lộ 18 (Bắc Ninh). Sau đó rẽ vào cao tốc Hà Nội – Bắc Giang. Hoặc từ Hà Nội, bạn đi qua cầu Thanh Trì, Vĩnh Tuy, nối vào cao tốc Hà Nội – Bắc Giang và đi thẳng tới Big C Bắc Giang thì đến tỉnh lộ 293. Từ trung tâm thành phố Bắc Giang, bạn cứ việc đi thẳng là đến Khu du lịch Tây Yên Tử (thôn Đồng Thông, xã Tuấn Mậu).
Từ cổng vào của Tây Yên Tử, bạn có thể tham quan quảng trường và một số điểm bên trên trước. Sau đó, bạn đi cáp treo khoảng 10 – 15 phút để đến chùa Thượng và đi bộ thêm 30 phút nữa là đến chùa Đồng để tham quan toàn bộ Tây Yên Tử.
Hành trình oanh tạc Tây Yên Tử
1. Cổng trời
Không phải chỉ có Đà Lạt mới có cổng trời đâu nhé, Bắc Giang cũng có cổng trời ảo diệu đây này. Chiếc cổng vào ngay khu vực chùa Hạ là điểm đến đầu tiên trong hành trình khám phá Tây Yên Tử đó. Chỉ cần bạn diện một set đồ thật xinh, mang theo một chiếc nón lá làm phụ kiện và check-in tại cổng trời, đảm bảo sẽ cho ra ngay những bức ảnh du lịch Tết “sương khói mờ nhân ảnh” không kém gì siêu phẩm Lạc Trôi của Sơn Tùng MTP luôn ấy chứ!
2. Săn mây ở chùa Thượng
Khu vực chùa Thượng được bao quanh bởi rất nhiều mây trắng, đến nỗi cả con đường dẫn đến chùa Thượng cũng phải xếp vào hàng ảo diệu bởi hai bên là hai hàng cây xanh mướt luôn ngập trong mây. Những ai mà thích săn mây thì đến đây kiểu gì cũng phải mê tít, có khi dựng lều để ở lại không chịu về cũng nên.
Nhưng bạn nhớ lưu ý rằng nếu lựa chọn leo bộ lên đây, bạn cần chuẩn bị đầy đủ đồ đạc để leo núi như khăn giấy, đồ ăn dự trữ, nước uống,… vì đường leo núi trong thời gian này khá ẩm và dễ trơn trượt lắm đó!
3. “Vạn lý trường thành” phiên bản Việt
Đã lê la đến khu vực này mà không chạy đến check-in được với bức tường thành siêu đẹp của thời nhà Trần thì quả là nuối tiếc to lớn luôn.
Đầu năm háo hức muốn có một chuyến du lịch nước ngoài nhưng quá bận bịu công việc. Vậy thì không phải lo, cứ xách máy ảnh lên và pose dáng “so deep” vài tấm là lập tức có ngay bức ảnh xịn sò thôi. Đã vậy chỉ cần đăng lên mạng xã hội bảo rằng đang ở Trung Quốc thì kiểu gì chúng bạn cũng tin sái cổ cho mà xem.
4. Chùa Đồng
Nếu đặc sản của Phượng Hoàng Cổ Trấn là những ngôi nhà mái vòm điêu khắc tỉ mỉ hay những ngôi miếu treo đầy đèn lồng thì Chùa Đồng cũng không chịu thua kém tí nào đâu nhé.
Từ chùa Đồng, phóng tầm mắt xuống dưới chân núi bạn sẽ nhìn được trọn khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ với những khóm cây, ngọn núi ẩn hiện trong lớp mây bồng bềnh, mang lại cảm giác phiêu du cực kì ấn tượng. Chính vì vậy, du lịch Tết mà kéo nhau lên đây thư giãn, hít thở chút không khí trong trẻo của núi rừng thì không còn gì tuyệt hơn đâu.