Đi Huế giải nhiệt mùa hè với những món chè “vua chúa”

761

Nếu bạn chọn đi Huế trong chuyến du lịch hè này thì đừng quên giải nhiệt bằng các loại chè mát lạnh. Đừng vội nghĩ rằng đây chỉ là những món “bình thường” vì khi xem công thức và bí quyết thì bạn mới hiểu tại sao chúng lại là món ăn của vua.

Đừng quên đặt phòng qua số hotline 1900 5454 40 để có chuyến du lịch Huế thật tiết kiệm nhé!

Chè là món đặc sản Huế có từ thời xa xưa, là món dâng tấu cho vua chúa trong triều giải mát. Thế nhưng từ bao giờ món chè lại trở nên bình dân với bao người, giữa cái thời tiết oi bức của miền trung. Một ly chè mát lạnh, ngọt thanh, có tính mát lại được ưa thích đến lạ. Chè Huế không chỉ được người Huế ưa thích, mà du khách đã đến đây, đã một lần được thưởng thức sẽ nhớ mãi không quên cái hương vị đặc trưng của các loại chè Huế ngọt, thanh, thơm dịu, béo, bùi hoà quyện trong mỗi miếng ăn.

Chè, món ăn mang đậm màu sắc Huế

đi Huế
Chè Huế – Món ăn nổi tiếng không thể bỏ qua

Huế là vùng đất của Phật giáo, người dân cũng ảnh hưởng lễ cúng Phật tại các chùa vào những dịp rằm to vía lớn trong năm. Bàn thờ Phật thường được trang thiết hết sức thanh nghiêm và do vậy món lễ vật dâng cúng không gì thích hợp hơn là chè, vì đó vừa là món chay tịnh, vừa tinh khiết, đủ để thể hiện tấm lòng thành kính. Chính vì vậy hầu như người phụ nữ Huế nào hầu như cũng biết chế biến vài ba món chè trước lễ cúng Phật, cúng ông bà sau cho con cháu bồi dưỡng (dân gian vẫn thường gọi “cúng cấp” hay “trước cúng sau cấp” là vì vậy).

“36 thứ chè”

Đi Huế để thưởng thức nhiều loại chè khác nhau, loại nào cũng đầy ắp hương vị thơm ngon riêng và rất hấp dẫn. Nhiều đến nỗi người ta ví von nếu Hà Nội có 36 phố phường thì xứ Huế cũng có đến… 36 thứ chè.

Về chè đậu thì có đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ, đậu ván, đậu quyên, đậu ngự… Riêng đậu xanh đã có đến mấy loại như chè đậu xanh hột, chè đậu xanh đánh, chè bông cau… chưa kể còn có các kiểu kết hợp khác.

Với các loại củ có tinh bột thì có chè thì có chè bột lọc bọc dừa, chè bột lọc bọc thịt quay, chè khoai tía với màu tím thơ mộng, chè môn sáp vàng vừa bở vừa thơm…Nếu tính về trạng thái thì chè cũng có 2 loại, chè nước và chè đặc. Chè nước là những loại chè không bỏ thêm bột vào đó, có dạng nước như chè đậu xanh hột, chè hạt sen, chè đậu đỏ…Chè đặc là chè khi nấu người ta thêm một ít bột vào để cho chè có độ dẻo, độ sánh.

Chè bắp, món chè gắn liền với một địa danh ở Huế

Nói đến chè Huế, có một loại chè đặc trưng phải kể đến trước tiên là chè bắp, bởi nó gắn liền với một địa danh của xứ Huế mà ngoài Huế ra không nơi nào có được. Chè bắp nấu từ bắp ngô non ở Cồn Hến (dân Huế gọi là bắp Cồn), lấy bắp từ nơi khác sẽ không tạo được hương vị như bắp Cồn. Người dân Cồn trồng bắp gần như quanh năm (trừ ba tháng lũ lụt). Bắp vùng này thơm ngon, béo ngậy vì hưởng được lớp phù sa dày trên mặt ruộng sau mỗi trận lụt.

Người ta nấu chè bắp bắt đầu từ việc chọn thứ bắp không non mà cũng không quá già. Sau khi lột vỏ bắp, dùng dao hai lưỡi thật sắc thái mỏng bắp và dùng cùi bắp luộc để lấy nước thơm ngọt đó để nấu chè (sau luộc lấy cùi bắp ra bỏ đi). Bắp thái mỏng cho vào nồi đun sôi, khuấy đều liên tục trong một giờ đồng hồ đến khi bắp chín cho đường vào khuấy đều (lượng đường cho vừa, không nhạt và cũng không ngọt quá). Thứ được cho thêm vào món chè bắp là cốt nước dừa trắng như sữa, thơm lừng.

Chè hạt sen, thanh tao và cầu kỳ

Còn có những loại chè thanh tao mà cầu kỳ hơn là chè hạt sen, chè nhãn bọc hạt sen mà ngày xưa chỉ có vua mới được ăn… Hạt sen phải là hạt của giống sen hồ Tịnh Tâm, loại sen mà ngày xưa vua chúa thường dùng ướp trà. Phải là hạt của giống sen hồ Tịnh Tâm thì mới tạo nên hương vị đặc sắc của chè sen Huế. Hạt sen tươi bỏ vỏ, xoi tim, rửa sạch, hấp chín, rim đường. Nhãn lồng bỏ vỏ, xoi hạt, rửa sạch cho hạt sen đã rim đường vào thay thế cho hạt nhãn. Nấu nước đường thật trong để nguội. Nhãn hạt sen cho vào bát, nước đường đổ lên trên. Loại chè này ngọt thanh, vừa thơm vừa bùi, nhất định phải thứ khi đi Huế bạn nhé!

Cách chế biến chè Huế

Để có được những chén chè, ly chè mang đậm chất Huế, người nội trợ phải trải qua rất nhiều công đoạn công phu tỷ mỉ từ chọn nguyên liệu, chuẩn bị gia vị, hương liệu, rồi mới bắt tay chế biến… sao cho nhìn vào chén chè, ly chè trong suốt, dẻo quánh hấp dẫn, hương vị ngọt ngào mời gọi quyến rũ không nếm thử không chịu được.

Với các loại đậu khô (như đậu đỏ, đậu quyên, đậu ván, đậu đen…), dù nấu cả vỏ hay bóc vỏ thì khi chế biến đều phải ngâm qua nước lạnh cho hạt đậu nở đều, hút nước trở về trạng thái ban đầu. Nếu không ngâm nước lạnh vài giờ rồi nấu, khi hạt đậu vừa chín bên ngoài cho đường vào dễ trân lại, do bên trong hạt đậu chưa hút đủ lượng nước khi nấu, nên hạt đậu sẽ uống tiếp tạo nên sự co cứng lại. Để làm cho loại chè hạt đậu khô này mềm mại, hạt nở đều không nát bể trong chén chè nước, người ta cho hạt vào soong (sau khi ngâm nước lạnh rồi) nấu vừa sôi đều đậy vung hạ lửa nhỏ cho hạt chín từ từ. Nếu nấu lửa lớn nước sôi mạnh lực các hạt nước đánh mạnh vào bên ngoài làm cho hạt vỡ nát nhưng bên trong chưa đủ thời gian hút nước chín mềm, khi bỏ đường vào dễ bị cứng lại.

Các địa chỉ tham khảo

Hầu như ở khắp thành phố Huế đâu đâu cũng có những quán chè. Ngoài những quán chè đã có thương hiệu được mọi người tìm đến thì những quán chè còn lại, có thể chỉ ở trong những con hẻm nhỏ, tuy nhỏ, đơn sơ những cũng rất ngon, luôn là món giải khát của những người dân xung quanh vào những trưa hè nóng nực.

Dưới đây là một số chỉ dẫn bỏ túi cho thực khách đi Huế:

– Chè Hẻm (Kiệt 1 số 29 Hùng Vương)

– Chè Cung Đình (31 Nguyễn Huệ)

– Quán chè Tý (đường Trần Phú)

– Quán chè 20 món của Mệ Tôn Đích trước công viên Thương Bạc (đường vào cửa Thượng Tứ)

– Quán Chè Sao (Kiệt 184/13 Điện Biên Phủ)

– Chè Ông Lạc (qua đường Tùng Thiện Vương, rẽ phải có một quán chè không có tên nhưng khá nhiều người biết, nổi tiếng với món chè đậu nành)