Xu hướng du lịch hè “cực hot” đang thu hút giới trẻ trong nước hiện nay chính là Phượng Hoàng Cổ Trấn – một trấn nhỏ nằm ở phía Tây tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc đã nổi tiếng từ lâu vì vẻ đẹp cổ xưa và phong cảnh sơn thủy hữu tình.
Những năm trở lại đây, du lịch Trung Quốc đang dần trở thành điểm du lịch luôn nằm trong “danh sách nơi nhất định phải đi du lịch hè” của đủ mọi đối tượng từ gia đình, hội bạn thân cho đến những bạn trẻ ưa thích xê dịch.
Có rất nhiều cách để tới Phượng Hoàng Cổ Trấn nhưng thông thường nhất là mọi người thường lập thành nhóm rồi cùng nhau chu du khám phá chứ không đi theo tour. Bởi chỉ có đi như vậy thì mới có đủ thời gian để tìm hiểu hết mọi thứ, lật tung mọi ngóc ngách của vùng đất thú vị này.
Và Lý Bích Phương, cô gái Hà Nội xinh đẹp cũng vừa mới có chuyến hành trình du lịch hè tới vùng đất cổ này cùng với một người bạn nữa. Sau chuyến đi của mình, Phương đã rút ra nhiều kinh nghiệm và muốn truyền lại cho những ai đang có ý định thực hiện hành trình.
8 câu hỏi cần được thông suốt trước khi lên đường.
1. Không biết tiếng Trung thì có tự đi được không?
Đi được nhưng sẽ hơi vất vả trong giao tiếp vì đến 90% người dân ở đây không nói tiếng Anh.
2. Vậy làm thế nào để giao tiếp?
Dùng body language (ngôn ngữ cơ thể), phần mềm dịch thuật hoặc may mắn tìm được người nói tiếng Anh.
3. Người dân Trung Quốc như thế nào?
Tất nhiên ở đâu cũng có người này người kia nhưng nhìn chung họ rất tử tế và nhiệt tình.
4. Đi Phượng Hoàng Cổ Trấn bằng tàu có mệt không?
Tất nhiên di chuyển nhiều thì mệt nhưng dọc 2 bên đường phong cảnh rất đẹp nên cũng vơi đi phần nào.
5. Xin visa Trung Quốc có khó không?
Mọi thủ tục thì hãy ra đại sứ quán làm theo từng bước rất đơn giản và dễ chịu.
6. Đồ ăn ở đây có khó ăn không?
Đồ ăn Trung Quốc nhìn chung cay và nhiều dầu mỡ nhưng đó là nét đặc trưng, rất đáng để khám phá.
7. Tự đi vất vả thế sao không đi tour?
Đi tour sẽ không đi theo ý mình được và không thể thoải mái ngắm cảnh, khám phá mọi nơi được.
8. Thế chốt lại là có nên đi không?
Rất nên đi.
Ẩm thực hơi đây cũng không phải dạng vừa đâu, bao nhiêu món ngon để mọi người lựa chọn. Nhưng với người lớn tuổi thì bạn nên chọn lựa những món ít dầu mỡ và cay.
Xin visa Trung Quốc như thế nào?
Để xin visa Trung Quốc bạn cần chuẩn bị những giấy tờ sau:
– Vé máy bay đi Trung Quốc khứ hồi (nếu bạn đi tàu có thể đặt tạm vé máy bay trên mạng nhưng không thanh toán để lấy mã vé thôi nhé).
– Lịch trình.
– Đặt phòng khách sạn.
– Tờ khai xin visa (cái này lấy tại Đại Sứ Quán có bản tiếng Việt luôn).
– 2 ảnh 4×6.
– Hộ chiếu còn hạn sử dụng 6 tháng.
– CMND photo.
– Hộ khẩu photo.
Nộp hồ sơ tại Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội (số 46 Hoàng Diệu, Điện Biên, Ba Đình, Hà Nội) hoặc Lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM (75 Hai Bà Trưng, Quận 3, TP.HCM).
Thời gian tiếp nhận hồ sơ: 9h00 – 11h & 14h00 – 16h00.
Phí nộp visa là 60$ nộp tại Đại sứ quán. (Nhớ chuẩn bị tiền $ trước khi làm visa nhé). Thời hạn làm visa là 4 ngày không kể thứ 7, chủ nhật.
Đối với những bạn chưa đi du lịch hè nước ngoài bao giờ thì nên chuẩn bị thêm hợp đồng lao động, xác nhận nghỉ phép của công ty, chứng minh tài chính… cho yên tâm. Còn về cơ bản mình thấy xin visa Trung Quốc rất dễ, giấy tờ đơn giản và nhân viên cũng rất nhiệt tình giúp đỡ, không hề gây khó dễ gì cả.
Cách di chuyển tới Phượng Hoàng Cổ Trấn từ Hà Nội.
– Cách 1: Bay từ Hà Nội đi Trường Sa, Hồ Nam (bằng các hãng bay như China Southern Airlines, China Eastern Airlines…). Từ đây tiếp tục đi xe khách đến Phượng Hoàng Cổ Trấn (thời gian đi 5 đến 6 tiếng).
– Cách 2: Bay 2 chặng, chặng 1 từ Hà Nội đi Quảng Châu (bằng các hãng máy bay như Jetstar, Vietnam Airlines, China Southern Airlines,…), chặng 2 từ Quảng Châu đến Trương Gia Giới (bằng các hãng máy bay như China Southern Airlines, China Eastern Airlines, Air China, Shanghai Airlines,…), chơi ở Trương Gia Giới rồi đi xe khách đến Phượng Hoàng Cổ Trấn (thời gian đi từ 3 đến 4 tiếng).
– Cách 3: Đi tàu từ ga Gia Lâm, Hà Nội đi Nam Ninh: thời gian đi khoảng 12 tiếng từ 21:20 đến 10:30 (GMT+8) hôm sau. Từ Nam Ninh mua vé tàu đi Hoài Hóa hoặc Trương Gia Giới (tùy lịch trình, thời gian đi 12 – 14 tiếng). Từ Trương Gia Giới đi xe buýt đến Phượng Hoàng Cổ Trấn (thời gian 4 tiếng). Nếu đi từ ga Hoài Hóa thì đi xe buýt đến Phượng Hoàng Cổ Trấn (thời gian đi 1 tiếng).
Phòng khách sạn và dịch vụ internet
Chỗ ở tại Phượng Hoàng Cổ Trấn cực nhiều lựa chọn nhưng nên kiểm tra đánh giá xem nhân viên ở khách sạn có nói được tiếng Anh không để tiện giao tiếp khi cần hỏi đường đến khách sạn hay khi cần hỗ trợ mua vé xe, hỏi đường…
Về phần internet thì có thể mua sim 4G tại Việt Nam qua các tiệm bán sim du lịch quốc tế hay thuê wifi du lịch, hoặc bạn có thể mua sim tại Trung Quốc nhưng nghe nói dung lượng 3G rất nhanh hết.
Bạn cần cài VPN (down app Betternet) để vào được Facebook, Google, Youtube, Instagram…
Chơi gì ở Trương Gia Giới và Phượng Hoàng Cổ Trấn.
- Núi Thiên Môn Sơn.
Nằm thuộc vườn quốc gia Trương Gia Giới, để lên Thiên Môn Sơn thì nhất định ai cũng phải đi qua một đoạn đường dài 11 cây số với 99 khúc cua ngoạn mục. Cung đường này được gọi là đường lên chốn bồng lai bởi khi đi qua sẽ cho con người rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau từ hồi hộp, háo hức tới mãn nhãn vì cảnh đẹp 2 bên đường, nhưng cũng không khỏi “thót tim” khi qua những khúc cua hiểm trở.
Khi lên tới đỉnh thì trước mắt hiện ra sẽ là cảnh sắc đẹp đến mê hồn, với khí hậu nhiệt đới ẩm bao quanh ngọn núi là những màn sương mù, đan xen là màu xanh của cây cỏ sẽ đem đến cảm giác vô cùng thư thái và thanh tĩnh.
Đặc biệt vào những ngày thu, đứng từ trên đỉnh núi Thiên Môn Sơn du khách sẽ có dịp thưởng ngoạn bức tranh Thiên Môn ngày thu với gam màu rực rỡ của sắc thu màu đỏ vàng của cỏ cây, sắc thu rực rỡ đan xen những ngọn núi hùng vĩ ẩn hiện trong màn sương mỏng tạo nên một khung cảnh lãng mạn và nên thơ đến nhường nào.
2. Vũ Lăng Nguyên.
Nơi này còn được ví là “cảnh tiên giới thu nhỏ” có khoảng 3.000 cột đá thạch anh và sa thạch tạo thành cùng vẻ đẹp tự nhiên của thung lũng, rừng, hang động, hồ nước và thác nước,… Đặc biệt đây cũng chính là nơi quay phim Avatar. Ngoài ra còn có cây cầu kính dài nhất thế giới, hồ Bảo Phong nơi quay phim Tây Du Ký…
3. Phượng Hoàng Cổ Trấn.
Là nơi yên tĩnh, thích hợp cho những người ưa hoài cổ. Khi đến đây, chỉ cần đi loanh quanh khám phá các ngóc ngách là đã quá đủ cho chuyến hành trình. Ngoài ra, Phượng Hoàng Cổ Trấn còn là nơi cư trú của bộ phận dân tộc thiểu số người Miêu, Hàn, Thổ Gia… nên khám phá cuộc sống của họ cũng là điều rất thú vị. Và nếu có nhiều thời gian thì nên đi thưởng ngoạn những dãy nhà cổ, thành quách hay đền chùa với lối kiến trúc Trung Quốc đặc trưng cũng là điểm cực kỳ thu hút.
Chi phí cả chuyến đi của Phương rơi vào tầm 13 triệu/người cho 9 ngày (bao gồm tất cả tiền di chuyển, ăn, ở, làm visa, vé vào các khu du lịch… không bao gồm mua sắm). Giá tiền này là Phương cũng không tiết kiệm, đi tàu thì chọn loại vé đắt nhất tốt nhất, ở homestay cũng chọn cái đẹp đẹp, ăn uống thì tùy hứng nên nếu tiết kiệm thì chắc chỉ tốn 11-12 triệu cho chuyến đi này thôi.
Vậy thì còn chờ gì nữa, hè này nếu chưa biết đi đâu thì sao không thử du lịch hè tới Phượng Hoàng Cổ Trấn một chuyến xem sao nhé!