Đi Cần Thơ ngoài những địa danh làm nên tên tuổi của xứ Tây Đô thì ẩm thực cũng là một trong những yếu tố quan trọng không thể thiếu để níu giữ chân du khách phương xa. Cần Thơ vùng đất gắn liền với nhiều món ăn đặc sản đậm chất hương vị của miền sông nước, được chế biến theo nhiều cách khác nhau đem lại sự mới lạ cho người thưởng thức nó.
Hủ tiếu khô Sa Đéc
Là món ăn không còn xa lạ với những ai đã từng đặt chân đến vùng đất này vì nó mang cho mình một màu sắc riêng. Phần hủ tiếu được dọn ra gồm một đĩa hủ tiếu trộn với nước sốt màu vàng sền sệt, rau sống, giá trụng, cần tây, hẹ, thịt nạc, gan heo xắt lát để lên trên. Bên cạnh đó là một chén súp là nước lèo hầm từ sườn heo với củ cải trắng và hành lá xắt nhuyễn. Nhìn bát hủ tiếu hấp dẫn với từng sợi hủ tiếu mềm dai dai, quyện với nước sốt đậm đà, beo béo ngầy ngậy với mùi hành phi, thịt ngọt và rau xanh phù hợp giúp tạo cho cảm giác thú vị.
Bánh đúc mặn Cần Thơ
Bánh đúc thường được biết đến như một món ăn đặc trưng của miền Bắc. Theo thời gian, bánh đúc xuất hiện ở miền Trung và vào đến miền Nam, bánh đúc đã thay đổi để trở thành một món ăn đặc sản của đồng bằng, mang đậm hương vị thôn quê. Gánh bánh đúc chẳng có gì nhiều, ngoài mấy hũ mắm, nước cốt dừa, mỡ hành, nhân tôm thịt bằm, dưa leo rau thơm và một khay bánh đúc bột trắng tinh tươm. Bột bánh thơm cộng với cái béo ngậy từ nước cốt dừa và vị mặn của tôm thịt khiến cho món ăn tưởng hơi dị này lại hấp dẫn, ngon lành đến kỳ lạ, làm phải lòng biết bao người du khách.
Lẩu mắm Cần Thơ
Đây là loại lẩu đặc sắc của miền Tây bởi tổng hợp nhiều yếu tố ẩm thực mang tính đặc trưng của miền sông nước. Nguyên liệu cơ bản phải có là mắm (làm nước cốt), cá tươi (mồi), rau các loại (bổi, nhúng). Về mắm, có nhiều loại mắm để làm nước cốt như mắm cá linh, cá sặt, cá trèn, cá lóc, cá rô. Trong đó, đặc sắc nhất và thường được các thợ nấu sử dụng nhiều nhất là mắm cá linh. Mắm ngon được cho vào nồi nước đun sôi liu riu cho ra chất ngọt, sau đó lọc bỏ xương, cặn và tiếp tục nấu sôi. Cuối cùng là sả bằm, sả cắt khúc, đường, bột ngọt… cho vào nồi. Đây là công đoạn quan trọng nhất của món lẩu mắm.
Lẩu mắm gần như dung nạp hầu hết các loại mồi đồng “bén” như các loại cá ngát, lóc, ba sa, trê, rô, sặt, kèo, mè, lòng tong, trắng, chạch, lươn, ốc, ếch, tép… Ngoài ra còn có sự góp mặt của các loài hải sản góp phần phong phú cho lẩu mắm như tôm sú, mực lá, bạch tuộc, cá cơm… Đôi khi đầu bếp cũng “thả” vào nồi lẩu thịt bò tươi, nọng, ba rọi heo, thịt gà, thịt vịt…
Nem nướng Cái Răng
Nem nướng Cái Răng dù đơn giản nhưng lại là đặc sản Cần Thơ có sức hấp dẫn mãnh liệt đến mọi thực khách, bởi có hương vị đặc trưng thơm ngon ít nơi nào sánh được. Nem nướng Cái Răng ngon nhất vẫn là làm từ thịt lợn tươi, quết dẻo rồi vo tròn nướng trên than hồng. Từng viên nem tròn trĩnh, xâu bởi thanh tre chuốt nhỏ, mướt rượt mỡ, vàng rượm do được nướng khéo.
Món nem nướng Cái Răng được ăn cùng rau thơm, chuối chát, dưa leo, dứa, khế… mà phải là loại khế chua thì mới thấm vị. Cầm một nửa chiếc bánh tráng nem mỏng tang, gắp ít rau đặt thêm khoanh chuối chát, dứa, khế rồi để viên nem lên, cuốn lại, chấm vào chén tương xay đặc sệt. Tương xay vừa mịn, vừa ngọt thơm, rắc thêm nhúm đậu phộng và chút ớt đỏ mới nhìn đã thích mắt. Ngoài món nước chấm bằng tương xay, thực khách có thể chấm cùng nước mắm chanh tỏi ớt pha thật khéo thì ai một lần thưởng thức sẽ không thể nào quên.
Bánh cống Cần Thơ
Nguyên liệu chính để làm bánh là bột, đậu xanh và tôm. Cách làm bánh cũng khá công phu cần đòi hỏi sự cẩn thận ở người làm bánh, dầu cho vào chảo phải đủ ngập một cái cống chờ cho dầu sôi sẽ cho ít bột vào cống, sau đó cho vào một muỗng đậu xanh và thịt làm nhân bánh. Đổ thêm trên nhân bánh một lớp bột, sau cùng để lên đó một vài con tôm. Nhúng cống ngập trong dầu đang sôi riu riu trong chảo. Lửa nhỏ bánh mới giòn đều từ ngoài vào trong chờ bánh chín vàng rồi mới nhấc cống ra, khéo léo đổ bánh ra đĩa. Bánh cống ăn với nước mắm chua ngọt và các loại rau diếp cá, đọt xoài, cải đắng, xà lách, húng quế.