Để giải khuây, tránh áp lực từ câu hỏi bao giờ lấy chồng, hội bạn gái F.A nghĩ ra đủ trò, từ chúi đầu vào làm việc đến du lịch Tết, mua sắm, xem phim, spa, lễ chùa, dành thời gian học nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa… Họ làm mọi thứ cốt để cho mình bận vội và quên đi câu hỏi vốn chẳng biết trả lời thế nào.
Tết đáng lẽ phải là dịp vui nhưng với cánh phụ nữ độc thân, nó lại trở thành áp lực khi lúc này, gặp lại người quen, bạn bè… ai nấy đều có chung một câu hỏi: bao giờ lấy chồng, chưa chịu lấy chồng à, sao mà kén thế?, sao mãi chưa mời mọi người ăn cỗ, người yêu đâu không thấy dẫn về nhà chơi?
Dù không cố tình nhưng nhiều người luôn mở đầu chuyện hỏi thăm bằng mấy câu hỏi đến là khó xử. Đi chúc Tết họ hàng thì người thân hỏi, gặp bạn bè tiệc tùng tất niên thì bị bạn bè dò la, đi chơi một mình cũng không thoát khi thấy xung quanh, ai ai cũng nhìn mình như một… sinh vật lạ. Hội F.A dù không muốn bận tâm cũng chẳng thể ngó lơ. Vì vậy, mỗi dịp Tết đến, các cô gái “lớn tuổi” đua nhau bày đủ cách để tìm kiếm niềm vui, trốn tránh việc bị tra tấn bởi hàng tá câu hỏi liên quan chuyện chồng con.
Trốn câu hỏi khó bằng chuyến du lịch Tết
Thu Thủy (nhân viên làm việc tại một tờ tạp chí ở Hà Nội) tâm sự: “Mình sinh năm 1989, tính ra mới 27 mà ở quê ai cũng bảo 28 rồi sao vẫn chưa lấy chồng? Tết dương lịch về quê, đi đâu mọi người cũng hỏi han, quan tâm…”bao giờ cho ăn cỗ, khi nào cưới, dạo này có gì mới không? Có người không hỏi thì cũng nhìn bằng ánh mắt tội nghiệp. Giống như chuyện chưa lấy được chồng phải là điều gì đó buồn thảm lắm trong khi rõ ràng mình đang rất enjoy mọi thứ”.
Chán ngán cảnh bị hỏi thăm, dịp Tết âm lịch, Thủy quyết định không về quê mà rủ bạn bè cùng du lịch Tết sang Singapore giải khuây. “Mình chưa đi tới đó bao giờ nên cũng thấy háo hức. Nghĩ đi nghĩ lại, thà đi du lịch còn hơn chứ về nhà, tình cảnh bị hỏi han chuyện bao giờ lấy chồng chắc chắn còn lặp lại kinh khủng hơn hồi Tết dương nhiều”.
Ngoài đi du lịch Tết trong nước thì tìm đến các quốc gia khác cùng chung văn hóa đón Tết âm cũng là lựa chọn được nhiều bạn trẻ ưu tiên.
Cô quan niệm, Tết Nguyên đán hay dương lịch thì bản chất cũng chỉ là kì nghỉ để cả gia đình sum họp. “Vậy nên sum họp lúc nào chẳng như nhau. Mình không nặng nề chuyện đó nên cảm thấy du lịch Tết cũng chỉ bình thường như đi vào các kì nghỉ lễ khác”.
Trong khi đó, Lệ Thu (quê Thanh Hóa) tâm sự: “Tết năm nay mình trốn một mình du lịch Tết vào Đà Lạt chơi. Thà đi xa, chẳng ai biết mình là ai chứ về quê, năm nay 30 âm rồi nên cứ xác định là bị tra tấn trọn vẹn 5 ngày luôn”.
Trốn để làm việc “xuyên không” hết kì nghỉ
Không chịu nổi cảnh về quê ăn Tết là bị cả gia đình, họ hàng tấn công dồn dập hỏi han chuyện lấy chồng, Trâm Anh (nhân viên viết sản phẩm cho vay tại một ngân hàng ở Hà Nội) quyết định “trốn” ở Hà Nội làm việc, qua Tết sẽ xin sếp nghỉ bù.
“Công việc của mình không lên cơ quan vẫn có thể làm ở nhà được. Tết đến mình ở lại đây lo làm nốt một số sản phẩm. Qua Tết sẽ xin nghỉ để đi du lịch hoặc về quê chơi 1-2 ngày”. Trâm Anh chia sẻ, cô cũng rất muốn về quê, gặp gỡ người thân, bạn bè nhưng nghĩ đến cảnh đi tới đâu cũng bị hỏi câu: sao chưa lấy chồng lại cảm thấy mệt mỏi, chẳng muốn về.
“Ở lại trên này, ngoài thời gian làm việc mình tranh thủ đi ăn, chơi, shopping, xem phim cùng hội bạn F.A. Nói chung Tết đến nhưng không có nhiều thay đổi so với ngày thường”.
“Năm nay mình 30 âm, chịu đựng tình cảnh này đã mấy năm. Mọi người cứ hỏi riết đến điên đầu. Năm nay bị dồn quá, mình đáp luôn “lấy chồng để làm gì”? Thế là các bác, các chú giảng cho cả bài dài về “công dụng” của việc lấy chồng, bắt mình ngồi nghe đến muốn xỉu luôn tại chỗ”, Khánh Linh (nhân viên một chi nhánh của VNPT) tâm sự.
Linh kể, trước đây khi còn đang là sinh viên hoặc vừa mới ra trường, nghỉ Tết là niềm vui lớn đối với cô. Vì còn ít tuổi nên chẳng ai buồn hỏi chuyện chồng còn. “Sang năm nay thì ôi thôi, cả dòng họ mở chiến dịch tổng tấn công. Bị hỏi nhiều quá, mình không buồn vì bị cộp mác gái ế thì cũng phát điên lên vì bực bội”, Linh nói thêm.
Quá mệt mỏi với câu hỏi mà ai cũng hỏi nhưng Linh lại chẳng biết kể khổ với ai vì bạn bè cùng lớp ĐH, người thân… ai ai cũng đều đã có gia đình. “May mắn ở công ty có 2-3 chị cũng sinh năm 1980, 1981 mà chưa lấy chồng nên thông cảm được cho nhau. Lễ, Tết mấy năm gần đây, lúc nào mấy chị em cũng dính chặt lấy nhau, hết đi xe phim, thì đi mua sắm, cafe giết thời gian rồi đi chùa, ăn chay để thấy tâm thanh thản nữa”.
Ngoài lúc đi chơi với hội F.A, thời gian rảnh rỗi lúc nghỉ Tết, Linh thường đi spa để chăm sóc sắc đẹp, tập thể dục giữ dáng và lên mạng, học cách nấu món ngon cho người thân cùng thưởng thức. “Mình lên lịch chi tiết để lúc nào cũng ở trong trạng thái bận vội và dành nhiều thời gian ra ngoài, vừa vui vẻ mà cũng bớt bị hỏi chuyện chồng con”.
Sưu tầm đủ 1001 lời đáp cho câu hỏi “bao giờ lấy chồng”
Cùng chung cảnh chìm ngập trong mớ câu hỏi bao giờ lấy chồng nhưng Hải Yến (quê Quảng Ninh) vẫn ung dung về quê đón Tết sau khi đã họp bàn cùng hội chị em F.A, nghĩ ra đủ cách đối phó với các câu hỏi khó xử.
“Tụi mình phải lên mạng tìm hiểu rồi trò chuyện với nhau để nghĩ ra cách ứng xử thông minh, hài hước. Mình nghĩ mọi người hỏi bao giờ lấy chồng cũng vì họ quan tâm tới mình thôi, không nên đau đầu quá vì chuyện đó. Nghĩ ra cách chèo lái phù hợp là ổn rồi”.
Yến kể lại một kỉ niệm vui là khi cô bị bác gái hỏi bao giờ mời bác ăn kẹo? Thế là Yến liền đáp “ơ cháu vừa mới mời lúc bác bước vào nhà rồi còn gì”. “Bác gái nói xa không được liền nói thẳng: nhưng bác chỉ thích ăn kẹo cưới thôi. Mình liền bảo: “Bác thích kẹo cưới ạ, ơ giờ cháu mới biết có loại kẹo tên như vậy đó. Bình thường bác hay mua ở đâu để hôm nào cháu đi mua cho bác ạ”. Thế là bác ấy chỉ cười, chẳng hỏi thêm gì nữa”.
Cùng chung quan điểm này, Hồng Loan (bạn cùng quê với Yến) cũng tâm sự: “Năm nay mình 31 âm rồi, độc thân lâu nên cũng tự biết cách cân bằng cuộc sống. Tết hay nghỉ lễ, mình thường dành thời gian cho bản thân. Ví dụ ăn uống, mua sắm, spa cùng bạn bè. Mình nghĩ mọi người chỉ hỏi thăm như câu cửa miệng thôi nên cũng không cần cảm thấy nặng nề lắm”.
Yến chia sẻ, những năm trước cô cũng đi du lịch Tết, trốn ở Hà Nội không về quê nhưng khi càng nhiều tuổi hơn, càng muốn dành thời gian cho gia đình. “Nghĩ đi nghĩ lại mình thấy không cần vì ngại mấy câu hỏi đó mà trốn biệt dịp Tết. 2 năm gần đây, Tết mình chỉ thích ở nhà, nấu nướng cho bố mẹ ăn, dọn dẹp nhà cửa và dành thời gian cho bản thân nghỉ ngơi, thư giãn”.