Du lịch Trung Quốc – Điểm danh các cổ trấn đẹp nhất ở Trung Hoa

670

Trung Quốc là đất nước có nền văn hóa lâu đời và phức tạp. Trải dài qua hàng nghìn năm lịch sử, tại đây vẫn còn lưu giữ một Trung Hoa xưa nằm ẩn mình trong các cổ trấn. Thật thiếu sót nếu du lịch Trung Quốc mà lại bỏ qua những cổ trấn tuyệt vời này.

1. Phượng Hoàng cổ Trấn, Hồ Nam

du lịch Trung Quốc
Phượng Hoàng cổ Trấn

Phượng Hoàng cổ trấn là một cái tên hết sức quen thuộc với những người yêu thích du lịch Trung Quốc. Điểm đặc sắc ở cổ trấn này chính là khung cảnh đậm nét cổ kính, bí ẩn, hệt như trong những bộ phim cổ trang. Trong không gian con sông dài uốn lượn quanh cổ trấn, hai bên bờ là nơi còn lưu giữ rất nhiều căn nhà cổ, gia trang, thành quách, những dãy phố, đền chùa xưa kia. Hình ảnh một vài chiếc thuyền lặng lẽ trôi trên mặt hồ tạo cảm giác như chúng ta đang trở về với quá khứ, chứ không phải nơi thành phố xô bồ nữa.

Du khách cũng có thể dễ dàng tìm thấy những nét sinh hoạt dân dã hằng ngày của các dân tộc khác nhau, như những món đồ thêu, thủ công bằng bạc của người Miêu, hay những chiếc vòng hoa đeo cổ hoặc đội đầu xinh xinh của người Hán ở cổ trấn. Với tuổi đời hơn 1300 năm, Phượng Hoàng cổ trấn yên ả đẹp tựa tiên cảnh này là nơi lưu giữ lại những giá trị văn hóa – lịch sử của một Trung Quốc vàng son xưa kia.

2. Thành cổ Bình Dao, Sơn Tây

Thành cổ Bình Dao đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1997. Thành có từ thời Minh – Thanh nhưng cho đến nay vẫn còn được quốc gia bảo tồn nguyên vẹn. Các nét kiến trúc được xây dựng từ cách đây hơn 600 năm như cửa hàng, chùa chiền, tường thành… cơ bản vẫn được giữ nguyên, thể hiện tư tưởng văn hóa truyền thống suốt mấy ngàn năm của dân tộc.

Nhà trong thành cổ đều có khuôn viên tứ hợp viện, và vẫn giữ được kiểu nhà hang động của khu vực Tây Bắc, với lối kiến trúc khắc gỗ, khắc gạch lên cửa sổ và cửa ra vào. Trong khuôn viên thành cổ còn có 6 ngôi chùa lâu đời và nhiều di tích, hiện vật cổ như là điện Vạn Phật, chùa Chấn Quốc…

Dãy tường thành ngăn thành cổ Bình Dao ra làm hai thế giới, trong và ngoài thành. Ở trong thành, thời gian như lắng đọng lại tại đây từ 600 năm trước với đường phố, nhà cửa vẫn còn vẹn nguyên. Còn ở ngoài thành, lối kiến trúc mới đã xâm nhập để bắt kịp với thời đại. Có thể nói thành cổ như một bức tranh tái hiện lịch sử Trung Quốc một cách xác thực nhất, trên nhiều lĩnh vực như văn hóa, xã hội, kinh tế và tôn giáo.

3. Ô Trấn, Chiết Giang

Đã du lịch Trung Quốc thì bạn nên biết đến nơi này. Ô Trấn tọa lạc ở trung tâm của 6 thị trấn cổ phía nam sông Dương Tử, thuộc tỉnh Chiết Giang, là Di sản Thế giới đã được UNESCO công nhận. Nét đẹp lưu giữ lại từ 1300 năm lịch sử được thể hiện qua những cây cầu đá cổ, con đường lát đá và các công trình bằng gỗ chạm trổ tinh tế. Với bề dày lịch sử của nó, Ô Trấn vẫn chưa một lần thay đổi tên gọi, kiến trúc hay văn hóa. Trong thành có hơn 40 ha là các tòa nhà được xây dựng từ cuối thế kỷ 19, cùng hơn 100 cây cầu đá từ xưa. Ngày nay, đến với Ô Trấn chúng ta vẫn dễ dàng bắt gặp những tòa nhà truyền thống, cầu vòm, cổng cong… còn được bảo tồn đến tận bây giờ.

4. Châu Trang, Giang Tô

Nơi đây còn được nhiều người gọi bằng cái tên mỹ miều là “Venice của phương Đông”. Ấn tượng đầu tiên đối với khách du lịch Trung Quốc khi đến cổ trấn này chính là nét bình dị trong không gian sống yên bình. Ở Châu Trang chỉ có khoảng 20,000 người sinh sống, đây là nơi nổi tiếng bởi có dòng nước bao quanh những con đường, ngôi nhà cũ, là đặc trưng của văn hóa Giang Nam sông nước.

Du khách khi đến Châu Trang nên dành thời gian để lên thuyền dạo một vòng và thưởng ngoạn cảnh sắc của cổ trấn. Để khi từ chốn này về, ta vẫn như còn đọng nguyên ký ức về những cây cầu đá nhỏ cong cong bắt ngang con kênh, ngôi nhà cổ rêu phong tường trắng hay những con thuyền gỗ chèo trên mặt nước trong khúc ca trong trẻo của người lái.

5. Đại Nghiên cổ trấn, Vân Nam

Đại Nghiên cổ trấn nằm trong khu thành cổ Lệ Giang, thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Nơi đây được mệnh danh là vùng có thắng cảnh nên thơ nhất nhì Trung Quốc. Bởi tính chất địa lý là giáp biên giới với Tây Tạng nên kiến trúc nơi đây có nét giao thoa của nhiều dân tộc: Hán, Bạch, Tạng, Nạp Tây. Không gian phố xá trong cổ trấn không chỉ có nét cổ xưa mà còn gắn liền với thiên nhiên sông núi, hoa cỏ miên man làm sáng bừng cả khung cảnh trước mắt du khách.

Dù đã trải qua bao thăng trầm lịch sử và mài mòn của thời gian nhưng không khí cổ kính vẫn còn đọng lại trên mảnh đất này, toát ra từ từng ngôi nhà, con phố, cho đến sinh hoạt của người dân. Bao quanh cổ trấn là núi non hùng vĩ cùng những hàng cây xanh rũ lá. Hình ảnh cây cầu nương mình chạy theo dòng sông trong nội thành, cạnh bên những ngôi nhà mái đỏ tươi có treo lồng đèn lủng lẳng trước hiên nhà như vẫn lặng yên ở đó, không mảy may đổi thay trước bao biến động ngoài kia.