Du lịch Tết | Về Hà Giang du xuân đầu năm

507

Mảnh đất nơi địa đầu Tổ quốc bước vào mùa xuân như thay một màu áo mới, đẹp hơn, tươi trẻ hơn. Khắp các bản làng xa xôi, sắc hoa đào hồng thắm nở bung đón nắng mới. Du lịch Tết Hà Giang là một lựa chọn tuyệt vời của du khách từ mọi miền đất nước.

1. LỄ HỘI THÚ VỊ, ĐẬM ĐÀ BẢN SẮC

du lịch tết

Có thể các lễ hội của đồng bào vùng cao tỉnh Hà Giang không có quy mô rộng lớn như những lễ hội vùng xuôi nhưng với những giá trị nguyên bản, nó đã tạo nên nét đặc sắc riêng, độc đáo.

Khi tết đến xuân về, hòa mình vào những lễ hội này giúp bạn có thể khám phá thêm những nét văn hóa của dân tộc thiểu số khu vực phía Bắc Việt Nam.

LỄ HỘI GẦU TÀO CỦA NGƯỜI MÔNG

Với dân số tương đối đông, phân bố rộng khắp trong cả tỉnh, đồng bào Tày, Nùng được biết đến với lễ hội Lồng Tồng, tức là lễ hội xuống đồng. Hàng năm vào mùa xuân, người ta tổ chức cúng trên một đám ruộng nhất định trước bản.

Mỗi gia đình sẽ đem đến một mâm lễ bao gồm: Thịt, rượu, các loại bánh, xôi ngũ sắc để dâng trời đất. Thầy cúng sẽ cầu khấn trời đất cho mưa thuận gió hoà để cho dân làm ăn thuận lợi, mùa màng bội thu tốt tươi. Sau phần lễ, người ta tổ chức nhiều trò chơi cho mọi người dân cùng tham gia như: Tung còn, đánh yến, đánh quay, kéo co, hát đối đáp…

Lễ hội thường được tổ chức sau ngày mùng 2 tết, kéo dài 1 đến 3 ngày trên những khu đồi tương đối bằng, thuận đường đi lại.

LỄ HỘI NHẢY LỬA CỦA NGƯỜI PÀ THẺN

Nói đến những lễ hội đặc sắc của vùng đất này không thể không nhắc đến lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn. Người Pà Thẻn có khá nhiều lễ tết trong một năm nhưng đáng chú ý nhất là lễ nhảy lửa. Sau khi ăn tết xong người Pà Thẻn thường tổ chức lễ nhảy lửa để mọi người cùng vui chơi.

Lễ hội này với nhiều nghi thức mang màu sắc thần bí như sau khi thầy cúng làm lễ xong, ý như là gọi các ma về nhập vào các cậu thanh niên – thường khoảng 12 thanh niên khoẻ mạnh – khi đó họ có thể nhảy trên than nóng, thậm chí có người còn bốc cả than nóng cho vào mồm …

Với người Pà Thẻn thì nhảy lửa là một tục lệ mang tính chất cộng đồng, là dịp để mọi người cùng nhau vui vẻ, thư giãn.

2. PHỐ CỔ ĐỒNG VĂN

Du xuân Hà Giang không thể bỏ qua phố cổ Đồng Văn – Nơi đây hội tụ của những ngôi nhà cổ theo kiến trúc người Hoa có mái lợp ngói âm dương, sự hiện diện của khu phố này giống như chốn kinh kỳ giữa miền cao nguyên với khoảng 40 nóc nhà quần tụ.

Một ngày ở phố cổ Đồng Văn trải qua thật nhiều cung bậc cảm xúc với sự thay đổi màu sắc đầy bất ngờ, phảng phất váy áo rực rỡ của đồng bào Tày, Mông, Hoa, Nùng, Ráy… hòa quyện cùng ánh nắng vàng rực và những gam màu xám của các ngôi nhà tạo nên bức tranh trọn vẹn của phố núi vùng cao.

3. DINH THỰ VUA MÈO Ở HÀ GIANG

Hàng sa mộc đứng uy nghiêm, thân rắn chắc, cao vút suốt dọc hai bên bậc tam cấp lên khu dinh như hai hàng lính canh sừng sững. Dinh thự không lớn với tường đá bao quanh, dày 80 cm và cao 3 m. Toàn bộ ngôi nhà được dựng bằng đá xanh, gỗ thông, gỗ pơmu và “ngòi” đất nung được chạm trổ tinh xảo và mái ngói âm dương. Tất cả đã phủ màu rêu xanh của thời gian.

Dinh thự có 3 gian: gian ngoài, gian giữa và gian trong được bố trí hài hòa với khoảnh sân lát đá làm nhiệm vụ đón ánh sáng. Trong gian chính vẫn còn hình chụp của đại gia đình Vương Chính Đức. Mỗi căn phòng đều có ghi rõ gian nhà, phòng của bà cả, bà hai, bà ba, phòng của gia nhân, kho thuốc phiện… Dù giữa trưa nắng, những gian nhà vẫn mang cảm giác âm u và lạnh lẽo.

4. THĂM ĐỀN MẪU CẤM SƠN LINH THIÊNG

Đền Mẫu được coi là ngôi đền lớn nhất và có lịch sử lâu đời, tôn thờ vị Đức Thánh Mẫu Thượng Ngàn Công Chúa Liễu Hạnh và Đức Thánh Trần Hưng Đạo Đại Vương. Vì lẽ đó mà từ lâu Lễ hội Đền đã trở thành hoạt động không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người dân Hà Giang.

5. SẮC XUÂN TRÊN MẢNH ĐẤT ĐỊA ĐẦU TỔ QUỐC

Tiết xuân là thời điểm tuyệt đẹp của du lịch Hà Giang khi khắp nơi thắm sắc hồng phớt của đào rừng, sắc trắng tinh khôi của hoa mơ, hoa mận nở rực rỡ trên những ngọn núi hùng vĩ tạo nên một khung cảnh đẹp đến nao lòng người. Bạn sẽ có những bức ảnh tuyệt đẹp nếu đến với nơi đây.