Phiên đấu giá cuối cùng của chợ cá lớn nhất thế giới ở Tokyo

91

Vốn là một điểm du lịch Nhật Bản nổi tiếng, chợ Tsukiji vừa mở phiên đấu giá cuối cùng trước khi đóng cửa và chuyển đến một nơi hiện đại hơn.

Sáng 6/10, hàng trăm tiểu thương tập trung tại chợ Tsukiji (Tokyo, Nhật) trước khi bình minh ló rạng. Đó là một khoảnh khắc rưng rưng của tất cả tiểu thương có thâm niên buôn bán trong khu chợ này.

“Tôi suýt chút nữa không kìm nổi cảm xúc”, theo Hisao Ishii, một người bán đấu giá hải sản đã về hưu, trở lại Tsukiji vào ngày cuối cùng của khu chợ. Nơi này từng là trái tim của nền ẩm thực Tokyo trong nhiều thế kỷ.

“Hôm nay là một ngày buồn của những lời từ biệt. Tsukiji luôn cố bắt kịp với thời đại, nhưng nó ngày càng cũ kỹ. Tôi đến đây để nói với Tsukiji lời cảm ơn và chào tạm biệt”, người đàn ông 68 tuổi trả lời AFP.

Trong ánh nắng yếu ớt của sáng sớm, những tiểu thương bước vào chợ để dự phiên đấu giá cá ngừ cuối cùng – một nghi thức không thể thiếu trong thế giới ẩm thực Tokyo.

Hàng trăm con cá tươi rói gắn thẻ ghi cân nặng và xuất xứ được đặt thành hàng trong căn phòng đông lạnh, người mua rảo đôi ủng cao su quanh chúng và quan sát trong im lặng.

Họ lướt ngón tay giữa những thớ thịt, rọi đèn pin vào bên trong từng con cá và trao đổi thông tin với những người cạnh tranh với mình trước màn trả giá.

du lịch Nhật Bản
Người mua xem xét từng con cá trước giờ đấu giá. Ảnh: AFP.

Đúng 6h, tiếng chuông vang lên báo hiệu buổi đấu giá bắt đầu, không khí căng như dây đàn khi người gọi giá hét lên với người mua – những người giơ tay để tỏ rõ sự hứng thú.

Những phiên chợ đấu giá thường kết thúc với các con số đáng kinh ngạc, trong đó mức kỷ lục là 155,4 triệu yen (1,8 triệu USD) cho một con cá ngừ vây xanh nặng 222 kg vào năm 2013. Lần này, mức giá cao nhất 4,3 triệu yen (gần 38.000 USD) được trả cho một con cá ngừ nặng 162 kg, theo Kyodo News.

Tre già măng mọc

Takeshi Yoshida, một người bán buôn, cho rằng Tsukiji đã để lại dấu ấn trong lịch sử, nhưng đến lúc tre già măng mọc. Sau phiên đấu giá cuối cùng, khu chợ bên trong Tsukiji sẽ chuyển đến Toyosu, nằm ở phía tây Tokyo. Quá trình này sẽ bắt đầu từ 11/10.

Chính phủ Nhật Bản lên kế hoạch di dời chợ cá trong nhiều năm, hối thúc dự án bắt đầu càng sớm càng tốt do tình trạng xập xệ của khu chợ gần 100 tuổi.

Các tiểu thương bày tỏ mối quan ngại về sức chống đỡ động đất của công trình, hệ thống nhà vệ sinh, phòng cháy chữa cháy không đảm bảo, cũng như kết cấu công trình xuống cấp, tấm lợp xi măng tạm bợ, tường bong tróc…

Dù trong tình trạng như vậy, chợ Tsukiji vẫn là điểm khám phá khiến du khách xếp hàng từ đêm, sẵn sàng đợi nhiều giờ, giành lấy một trong 120 suất dự phiên đấu giá mỗi ngày.

Khu chợ mới sẽ có một nhà đông lạnh thiết kế tiên tiến, dành ra một khu triển lãm riêng để du khách quan sát từ sau tường kính.

du lịch Nhật Bản
Một người đang hét báo giá trong phiên cuối cùng của Tsukiji. Ảnh: AFP.

Tuy nhiên, quyết định di dời cũng dấy lên tranh cãi bởi nhiều người không muốn mất đi thương hiệu được nhận diện toàn cầu của Tsukiji, đồng thời chỉ ra nguy cơ ô nhiễm của khu vực mới – Toyosu.

Yuriko Koike, Thị trưởng thành phố Tokyo buộc phải hoãn dự án sau hàng loạt vấn đề của Toyosu, nơi từng đặt một nhà máy xử lý khí đốt với nguồn đất và nước ngầm ô nhiễm.

Chính quyền địa phương đã chi ra hàng trăm triệu USD để làm sạch môi trường cho cơ sở mới của Tsukiji. Cuối năm 2017, Thị trưởng Koike ấn định ngày chợ sẽ phải chuyển đi, kết thúc thời gian trì hoãn.

du lịch Nhật Bản

Hy vọng và sợ hãi

Dự án di dời không chỉ ảnh hưởng tới những tiểu thương bán hải sản, mà còn tác động đến những quầy hàng trái cây, rau củ, nhà hàng và nhiều cửa hiệu khác của khu chợ.

“Tôi thấy tiếc nuối bởi Tsukiji đã trở thành ngôi nhà của tôi trong 15 năm qua. Chúng tôi buồn vì để mất thương hiệu Tsukiji”, Tsukasa Kujirai, chủ hàng bán buôn rau củ, trả lời AFP.

Anh hiểu mức độ cần thiết của dự án nhưng tiết lộ lòng mình giằng xé giữa một bên hy vọng, một bên sợ hãi với khu chợ mới.

Ngày cuối cùng của Tsukiji vẫn diễn ra như bao ngày khác trong hàng trăm năm qua kể từ khi nơi này mở ra. Hàng dài ôtô và xe nâng của tiểu thương nối đuôi nhau trên các nẻo đường quanh chợ, người mua kẻ bán vẫn tấp nập.

Khu chợ ngoài Tsukiji như cách gọi dân dã của người Tokyo không thuộc diện di dời, nơi này san sát những cửa hàng bán mọi thứ từ rong biển tới cà phê. Tuy nhiên, khu nhà chung của các tiểu thương và cửa hiệu, nhà hàng dự kiến cũng bị san bằng để mở đường cho nhà ga phục vụ Thế vận hội Mùa hè 2020. Hơn thế, thị trưởng Koike đề xuất khu vực này có thể được biến thành một công viên ẩm thực, lưu dấu lịch sử đa sắc màu của chợ cá Tsukiji.