Hai vị tướng với công trạng khai khẩn đất Quảng Bình

543

Nếu Thượng thư Đại hành khiển Trần Bang Cẩn là người có công mở mang miền đất sông Gianh thì vị tướng Hồ Cưỡng, ngoài việc đánh giặc giữ yên biên cõi, ông còn khai canh vùng đất ven biển du lịch Quảng Binh. Cả hai vị danh tướng thời nhà Trần được người dân trong vùng tôn là Thành hoàng và thờ phụng rất tôn kính.

Không để lại hậu duệ nhưng cả vùng thờ phụng

Ở làng Vĩnh Lộc, xã Quảng Lộc, huyện Quảng Trạch (nay là thị xã Ba Đồn) ngày nay có một ngôi điện thờ Thượng thư Đại hành khiển Trần Bang Cẩn (danh tướng dưới thời vua Trần Minh Tông (1314 -1357), người có công trấn giữ mảnh đất phía Nam của Đại Việt, chiêu dân lập ấp, xây dựng mở mang vùng đất mới.

du lịch Quảng Binh
Điện thờ Thượng thư Đại hành khiển, Thành hoàng Trần Bang Cẩn ở làng Vĩnh Lộc, xã Quảng Lộc, thị xã Ba Đồn.

Theo lịch sử, triều nhà Trần thời vua Trần Minh Tông, việc cai quản các lộ Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh… được giao cho con em vua Trần. Vâng lệnh triều đình, Trần Bang Cẩn đã thống lĩnh một đạo quân vào phía Nam của quốc gia Đại Việt.

Tại đây, vùng đất hai bờ hạ lưu sông Gianh, sau khi đánh thắng nhiều trận và dẹp yên quân Chiêm Thành, ông đã tụ tập dân binh, chiêu dân, hướng dẫn khai phá đất đai, lập ra hai xứ Đông, Đoài của xã Quảng Lộc và một phần xã Quảng Hòa bây giờ.

Thượng thư Đại hành khiển Trần Bang Cẩn không những là vị tướng có công đối với đất nước trong việc đánh giặc mở mang bờ cõi, mà đối với người dân và vùng đất đôi bờ hạ lưu sông Gianh, ông là vị Thành hoàng được nhiều dòng họ tôn thờ.

Ông Nguyễn Duy Kháng, Trưởng làng Vĩnh Lộc (xã Quảng Lộc) cho biết, có một điều rất đặc biệt là mặc dù Thành hoàng Trần Bang Cẩn không để lại hậu duệ và gia tộc, nhưng cả làng, cả vùng luôn tỏ tấm lòng tôn kính với ngài. Hàng năm cứ vào ngày 1-12 (âm lịch), 23 dòng họ trong làng đều tập trung tại điện Thành hoàng để làm lễ tảo mộ cho ngài trước khi về tảo mộ riêng tại các dòng họ.

“Đặc biệt, vào ngày giỗ vị Thành hoàng, bên cạnh việc cúng tế, rước sắc, có làm lễ diễn lại sự tích lịch sử của vị Thành hoàng, theo đó có nhiều trò vui chơi giải trí và hát xướng. Việc thờ cúng này hàng trăm năm qua vẫn được người dân trong vùng bảo lưu cho đến ngày nay, là một dạng tín ngưỡng khá đặc biệt, mang nhiều yếu tố dân dã, là môi trường tốt góp phần làm cho xu hướng nghệ thuật dân gian nảy nở và phát triển, làm đậm đà bản sắc văn hóa của làng Vĩnh Lộc.”, ông Kháng chia sẻ.

Thần tổ họ Hồ khai canh vùng đất ven biển

Nếu như Thượng thư Đại hành khiển Trần Bang Cẩnlà người có công mở mang miền đất sông Gianh thì Hồ Cưỡng, vị tướng có công bảo vệ vùng biên ải của Đại Việt và là người khai hoang lập ấp vùng đất biên ven biển Quảng Bình.

Theo Wikipedia, Hồ Cưỡng tên chữ là Hồ Phúc Thiện, tên thường gọi là Hồ Hồng, tên húy là Hồ Cưỡng. Ông sinh vào khoảng niên hiệu Đại Trị (1358 – 1369), đời vua Trần Dụ Tông. Ông từng làm Giám quân Tả Thánh Dực và làm Đại trị châu lộ Diễn Châu (thuộc Châu Hoan – Nghệ Tĩnh), nơi từng là hậu cứ quan trọng của nhà nước Đại Việt trong mọi cuộc kháng chiến chống xâm lăng. Hồ Cưỡng xuất thân trong một dòng họ có danh tiếng.

Gia phả họ Hồ làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An ghi: “Họ Hồ làng Quỳnh Đôi là di duệ của cụ Hồ Hưng Dật, một trại chủ ở hương Bào Đột, xuất hiện từ thế kỷ X… Hồ Cưỡng là con vị tướng Hồ Kha, cháu 13 đời của vị tướng Hồ Hưng Dật. Hai cha con Hồ Kha, Hồ Cưỡng dời xuống Hoàn Hậu khai khẩn lập nên trang Thổ Đôi, sau này gọi là xã Quỳnh Đôi.”

Trong những năm cuối thời Trần, mảnh đất phên dậu phía Nam của Đại Việt không yên ổn, chiến tranh giữa Đại Việt và Chiêm Thành thường xuyên xảy ra. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Quý Dậu năm thứ 6 (1393), mùa xuân tháng giêng lấy Hồ Cưỡng làm Giám quân tả thánh dực (Cưỡng người ở Diễn Châu, Lê Quý Ly (tức Hồ Quý Ly) ngầm tìm được dòng dõi họ Hồ định đổi theo họ cũ mới đem Cưỡng làm người tâm phúc)”.

Cửa sông Nhật Lệ, nơi diễn ra nhiều trận chiến thắng huyền thoại của danh tướng Hồ Cưỡng.

Cuối thế kỷ XIV, Hồ Cưỡng được Lê Quý Ly, lúc bấy giờ với tước Đại vương của triều đình phong làm Chánh đội trưởng chỉ huy một đạo quân trên hai ngàn người vào đánh Chiêm Thành, trấn giữ miền Thuận Hóa. Ngoài việc đánh giặc giữ yên biên cõi, ông còn chiêu dân lập ấp, khẩn hoang, mở mang sản xuất, ông trở thành thần tổ của họ Hồ khai canh vùng đất ven biển Quảng Bình như Hải Trạch, Lý Trạch, Nam Trạch, đặc biệt là Nhân Trạch (huyện Bố Trạch).

Để ghi nhớ công lao của vị thần tổ họ Hồ đối với các thế hệ con cháu ở Quảng Bình, trong miếu thờ khuôn viên lăng mộ họ Hồ ở vùng Lý-Nhân-Nam có câu “Thần hiển khai khẩn Lý- Nhân -Nam”. Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử dân tộc mà đặc biệt là vùng đất phên dậu Quảng Bình, biên giới của hai quốc gia một thời đã chứng kiến sự đấu tranh sinh tồn của con cháu họ Hồ và các dòng họ khác tại vùng đất mới với quân Chiêm Thành để mở mang, phát triển. Họ đã đóng góp công sức trong cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước thời bấy giờ.

Hồ Cưỡng là một vị tướng tài, chỉ huy đánh thắng nhiều trận. Các thế hệ con cháu họ Hồ vùng Lý–Nhân – Nam của huyện Bố Trạch vẫn truyền tụng những trận chiến thắng huyền thoại trên vùng cửa sông Nhật Lệ với các trận đánh như hồ Bàu Tró, Phú Hội…