Du lịch Quảng Binh – Chúng tôi thật ngỡ ngàng khi trong động Phong Nha lại phát hiện một hồ “treo” trên sông ngầm trong hang động này. Cứ tưởng, động Phong Nha dường như đã được khám phá hết, nhưng kỳ thực, nó hoàn toàn chưa được hiểu hết. Hành trình vào với hồ “treo” đã tận thấy rất nhiều kiệt tác của địa mạo địa chất được nước khuất phục một cách ngoạn mục.
Chúng tôi theo chân đội thám hiểm địa phương từ Trung tâm du lịch văn hóa sinh thái Phong Nha-Kẻ Bàng, ông Lê Thanh Lợi và Lê Chiêu Nguyên là những chuyên gia về hang động Phong Nha, bởi có thâm niên gắn bó từ lâu và họ đã tháp tùng nhiều chuyến khảo sát của đoàn thám hiểm hang động Hoàng gia Anh và được huấn luyện cho các am hiểu này. Ông Lợi cho rằng, động Phong Nha, ở sâu phía trong đó thật sự bí ẩn, và chúng tôi mỗi lần đi vào đây đều có một số thông tin mới bổ sung cho sơ đồ hang động Phong Nha thuộc hồ sơ di sản thế giới của UNESCO.
Sông Son có hai nguồn nước, một lấy từ lưu vực Chày ở hang Tối và suối nước Mọoc, nguồn khác chảy ra từ động Phong Nha. Từ cửa hang Phong Nha, đi sâu 1500m là nơi được đặt tên “Chiều sâu bí ẩn”. Ở phía đó, không có đèn, tất thảy đều bị ánh sáng tối ngự trị. Phía cuối của “Chiều sâu bí ẩn” là động Huyền Không, chúng tôi theo thuyền độc mộc đi vào, đúng ngay mét đá đầu tiên của Huyền Không là dòng sông “biến mất”, nó lặn xuống dưới một phiến đá khổng lồ cả mấy ngàn mét vuông, đi hết phiến đá, con sông ngầm lộ mình một đoạn vài mét, và lặn sâu mất dạng.
Đi tiếp, lại gặp một hồ nhỏ chừng 70m2, nó cách sông ngầm chừng 20m, hồ nhỏ này được đặt tên là “Xuyên Sơn Hồ”, nhưng quả thật, nó là chiếc hồ nhỏ bé so với hồ “treo” mới phát hiện phía trên nó. Nếu tính về độ cao, hồ “treo” mới này cách sông ngầm chừng 30m, theo tính toán địa chất, và cao hơn “Xuyên Sơn Hồ” 10m.
Thật ngoạn mục, bởi ở vị trí hồ “treo” này lòng hang rất rộng, hồ có diện tích gần 500m2, nhưng kỳ lạ là xung quanh có rất nhiều thạch nhũ, có nơi như cột trụ kiểu gotic, có nơi như rèm buông phủ, có nơi thạch lún phún bên bờ nước rất mảnh mai. Thạch nhũ quanh hồ ngoạn mục, là những kiệt tác đầy chất “thủy mặc” trong ánh sương giăng trên hồ quyện với ánh sáng của những chiếc đèn led chiếu vào.
Nguồn gốc hồ “treo” là sức mạnh của lũ
Các chuyên gia hang động từng thú thật là không biết nguồn nước của hang Phong Nha bắt nguồn từ đâu, nhưng những năm gần đây, đặc biệt là bắt đầu từ trận siêu lũ lịch sử năm 2010, họ dần vén được bức màn bí ẩn, nguồn nước của nó là sông Trà Ang lấy nguồn gốc từ Lào chảy về. Nhưng câu hỏi của chúng tôi đặt ra là vì sao trong động Phong Nha lại có hồ “treo” trên sông ngầm là một điều bí ẩn. Nhưng những bằng chứng của nước và hiểu biết của đoàn khảo sát địa phương đã giải thích rằng, nguồn gốc của hồ “treo” cũng chính là nước, đúng hơn là từ hàng tỷ tỷ trận lũ của hàng trăm triệu năm trước đã tạo ra chiếc hồ kỳ lạ này.
Chính các nhà khoa học của Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh giải thích, những hang động khổng lồ ở Phong Nha-Kẻ Bàng chính là những nơi thoát nước tự nhiên của vô số cơn lũ khổng lồ. Dòng chảy của lũ giúp bào mòn đá, và nhiều hang động, sau các trận lũ, nước rút đi sẽ để lại những chiếc hồ trong lòng hang động. Nhưng với Phong Nha, hồ “treo” là một kiểu cách khác của dòng lũ tạo ra.
Ông Lê Chiêu Nguyên cho rằng, vào mùa lũ, nước to, phía sau của động Phong Nha được tiếp nước thêm một tầng lũ, nước chảy vào đầy ắp hang động này, khi lũ rút, các bào mòn đá vôi từ hàng triệu năm tạo ra một hồ nhỏ bằng nắm tay, dần dần từ các trận siêu lũ, các ma sát tạo ra hồ nước lớn và đến nay hồ đã có dung nham gần 500m2 sau hàng tỷ tỷ trận lũ tràn về. Khi đi đến phía cuối cùng của hồ “treo”, những dấu vết của các mớn nước cho thấy, vào mùa lũ, nước chiếm lên gần sát trần động bởi các vết phù sa do lũ đưa vào cho thấy điều đó.
Cạnh hồ “treo” này có nhiều bằng chứng cho biết lũ tạo ra các hồ nước kỳ lạ như thế, bởi quanh đó chúng tôi phát hiện hàng loạt chiếc hồ nhỏ tí như những chiếc tô lớn mà phía trong đó là trầm tích của cuội, sỏi, cát đã khoét sâu những hố đá qua dòng chảy của nước, chúng miệt mài bào mòn khi lũ kéo về, tạo ra những đường chảy xoắn ốc, và các hốc đá mở dần miệng mỗi năm vài milimet, có khi gặp đá dễ bào mòn có thể mở rộng vài centimet mỗi năm. Nhưng một góc nhỏ khác của hồ lại cho thấy một dòng chảy đưa nước về, chúng chảy không lớn, nhưng cũng đủ để tiếp nước cho hồ “treo” không cạn, nguồn nước này ở đâu là một câu hỏi rất bí ẩn.
Kỳ lạ những loài cá
Chúng tôi khởi hành với các máy móc phát điện từ 6 giờ sáng đến hai giờ chiều mới chạm chân tới hồ “treo” trên sông ngầm do cấu trúc gồ ghề của đá, vượt qua nhiều vực sâu trong hang động, cũng như mãi ngắm những đường nét thạch nhũ kỳ vĩ dọc lối đi.
Chuyến khảo sát địa phương trước đây chừng mười ngày, những thợ lặn kể, nơi sâu nhất lên 50m khi họ buộc đá vào một dây thừng và thả xuống xác định độ sâu. Họ cũng lặn xuống hồ và thấy cả một cá thể cá chình mà với họ, trong hang động vùng Phong Nha-Kẻ Bàng đều thấy quen, bởi cá chình trong khu vực nhiều vô kể. Khi chúng tôi đặt chân đến, một số thợ lặn được đi theo cũng phát hiện một loài cá trắng muốt toàn thân, đèn pha dọi vào nó bị lóa mắt và nổ hai hốc mắt.
Ông Lê Thanh Lợi cho rằng, “cần nghiên cứu kỹ, bởi chúng tôi không chuyên về ngư loại học, sắp tới cần có những nhà nghiên cứu về cá đến khảo sát, xác định mới hiểu thêm về loài cá nổ mắt này”. Những ngư dân địa phương được mời đi theo cho rằng, trong hồ này có một ít cá sinh sống nhưng số lượng không thể nhiều như dưới sông ngầm. Chúng sống trong cả các ngách hang dưới đáy hồ mà các ngách đó vẫn không hiểu nó dẫn đi đâu.
Về sự xuất hiện của cá, ông Lợi cho rằng, có thể chúng di cư từ các mùa lũ và khi lũ rút, chúng không thoát ra ngoài được nên kẹt lại và trở thành cư dân của hồ. Có người đi trong đoàn chúng tôi nói vui; có khi hồ có ngách thông với sông ngầm nên cá tìm đến.
Mặc dù đó không phải là giả thiết chắc chắn, nhưng nó cũng là điều đáng suy nghĩ, nhưng việc hồ thông với sông ngầm chưa thể chứng minh bằng thực tế, hơn nữa, hồ lại “treo” nên rất khó để thông xuống phía dưới. Xung quanh hồ, chính mắt tôi đã tìm thấy một số sinh vật giáp xác đến tìm nước, thân dài, chân dài, râu dài quá cỡ bình thường, đôi mắt của chúng nhỏ đến mức khó nhìn thấy, nhưng trong ánh sáng tối của hang động, chúng không trọng dụng đôi mắt mà lợi ích nắm hết ở bộ cảm biến của hai chiếc râu và những chiếc chân dài loằng ngoằng.
Cho dù là hồ nước như thế nào, thì nó nằm ở vị thế “treo” so với sông ngầm cho thấy các kiến tạo địa chất là đa dạng và dồi dào. Bàn tay của tạo hóa luôn uyển chuyển hơn sức tưởng tượng của con người. Và đó chính là kiệt tác mới của hang động Phong Nha từng được mô tả mấy chục mét đầu tiên từ hàng trăm năm trước qua sách vở địa chí, bây giờ đây là phần mới nhất vừa được khám phá vào đầu thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21, một khám phá thú vị.