Chỉ bán duy nhất 2 loại bánh nhưng muốn mua bánh ở tiệm Ozasa này, có khi bạn phải xếp hàng từ 4, 5 giờ sáng mà chưa chắc đã đến lượt, nhưng vẫn thu hút đông khách du lịch Nhật Bản ghé qua.
Ở Kichijoji, Tokyo, Nhật Bản có một cửa hàng bánh vô cùng đặc biệt mang tên Ozasa. Điểm đặc biệt ở đây là chỉ bán duy nhất 2 loại bánh với số lượng vô cùng hạn chế và ngày nào, từ 4, 5 giờ sáng cũng đã rất đông người xếp hàng đợi mua. Điều này đã kéo dài suốt 65 năm qua và không hề có dấu hiệu sẽ dừng lại.
2 loại bánh được bán ở cửa hàng gồm bánh monaka sốt đậu đỏ hoặc đậu trắng và bánh thạch nhân đậu yokan. Tuy nhiên loại bánh làm nên sự nổi tiếng vượt trội của cửa hàng chính là bánh thạch nhân đậu yokan. Mỗi ngày ở đây chỉ bán ra đúng 150 chiếc yokan và giới hạn, mỗi người chỉ được mua tối đa 5 chiếc, thậm chí mới đây còn giảm xuống chỉ được mua 3 chiếc.
Vậy 2 món bánh Yokan và Monaka là gì?
Đầu tiên, hãy tìm hiểu về monaka. Món bánh này gồm một lớp nhân (chẳng hạn như đậu đỏ, mứt đậu azuki, mè, hạt dẻ…) kẹp vào giữa hai lớp bánh gạo nếp nướng mỏng. Hình dạng bên ngoài của monaka khá phong phú, có thể là hình vuông, hình tròn, hình oval, bông hoa đào, hoa mai hay hoa cúc… Cắn một miếng bánh, bạn có thể cảm nhận được hương thơm của nhân, độ mềm mại của lớp bánh kẹp bên ngoài hòa vào nhau ngon lành khó cưỡng.
Tiếp đến là yokan, loại bánh thạch làm từ bột đậu đỏ giã nhuyễn với đường, sau đó cô đặc trong khối thạch “kanten”. Loại bánh này có độ rắn đặc biệt hơn so với dạng thạch thông thường. Tại Ozasa, yokan được tạo hình vô cùng đẹp mắt, đến nỗi bạn chỉ muốn ngắm nhìn chứ không nỡ mang ăn.
Đó có thể là hình ảnh những cánh hoa đào màu hồng phấn dịu dàng e ấp, có thể là những chú cá chép sinh động đến nỗi như đang bơi trong khối thạch trong suốt hay những chiếc lá đang trở mình chuyển màu lúc mùa sang… Vào những ngày hè nóng bức, được ngắm nhìn và nếm chiếc bánh thạch hương vị thơm mát này thì tuyệt không gì bằng.
Bánh ở Ozasa có gì đặc biệt
Đối với bánh yokan, phần đậu đỏ là nguyên liệu quan trọng nhất. Bà Atsuko Inagaki, chủ tiệm bánh nói một nồi nấu 3 kg đậu, chỉ có thể làm được 50 chiếc. Nếu quá 3 kg thì làm không ra được hương vị thơm ngon như vậy. Nấu 3 nồi cần 10 tiếng rưỡi đã là giới hạn. Cho nên một ngày chỉ có thể bán 150 chiếc.
Và vì đậu đỏ mỗi ngày mỗi khác, các yếu tố củi lửa cũng vậy nên bà Atsuko Inagaki đã phải mất tới 10 năm mới có thể nấu được đậu đỏ đều tay. Và cũng chính đậu đỏ đã làm nên hương vị khác biệt ở đây.
Hơn nữa, quá trình chế biến cũng được chú trọng để đảm bảo độ thơm ngon cũng như hợp vệ sinh. Để mồ hôi không nhỏ vào nồi nấu, người làm bánh sẽ dùng nước làm ướt mặt và uống một ly nước lạnh để cơ thể mát hơn, sau đó buộc một chiếc khăn hình tam giác lên trán. Có lẽ chính sự tỉ mỉ và chân thành đó của người làm bánh đã khiến cho thực khách càng say mê món bánh của tiệm Ozasa hơn.