Đối với những trái tim du lịch Nhật Bản “lỡ yêu” góc văn hóa ẩm thực sushi của đất nước hoa anh đào, chắc chắn câu chuyện của một nắm sushi, với hành trình được bắt đầu từ những tảng thịt cá tươi ngon tại chợ cá Tsukiji đến đĩa của thực khách sẽ là một điều vô cùng thú vị để khám phá.
Đầu bếp Takashi Saito – người được cho là đầu bếp làm ra những nắm sushi ngon nhất thủ đô Tokyo đã chia sẻ câu chuyện “thâm cung bí sử” về quá trình làm ra được những món sushi. Việc chọn và mua cá của các chủ nhà hàng sushi tại Nhật Bản cũng là một nét đẹp văn hóa thú vị. Saito chia sẻ, mối quan hệ dựa trên sự tin tưởng của đầu bếp mua cá với những chủ buôn là vô cùng quan trọng. Bởi lẽ chỉ có người chủ buôn mua cá từ tận tay ngư dân mới nắm rõ được độ tươi ngon và chất lượng của cá.
Khi cá đã được đưa về nhà hàng, chúng sẽ không được chế biến ngay theo thị hiếu về độ “tươi” thông thường. Thực chất, cá ngừ làm sushi sẽ được trữ đông trong một khoảng thời gian nhất định, từ 8 – 14 ngày tùy vào đánh giá của chủ buôn và đầu bếp để đạt đến thời điểm thịt của cá tròn vị nhất mới được đưa lên phục vụ thực khách. Ngay cả khi đã được thái lát, sushi làm theo phương pháp dòng “chính tông” cũng không được đưa ra dùng ngay mà cần phải để “nguội” xuống nhiệt độ phòng mới thích hợp để thưởng thức.
Với cách làm sushi truyền thống, đầu bếp Takashi Saito cho biết điều anh muốn truyền tải không chỉ là về sự ngon miệng vị cảm của thực khách khi thưởng thức, mà “triết lí” của những nắm sushi là phải mang lại được cảm xúc cho họ. Đó là tâm trạng vui vẻ, nhẹ nhõm sau một ngày dài làm việc vất vả. Đó cũng có thể là vị ngon đến từ bao nhiêu công sức của những người góp phần làm ra món sushi mà thực khách được thưởng thức.