Du lịch Campuchia tham quan Quần thể đền Banteay Chhmar có niên đại từ thế kỷ 12, từng là một trong những ngôi đền vĩ đại nhất của đế quốc Khmer, sau đó nơi đây bị bỏ hoang, tạo ra khung cảnh kỳ bí, ma mị.
Có niên đại từ thế kỷ 12 dưới thời vua Jayavarman VII – một trong những quốc vương vĩ đại nhất của đế quốc Khmer, ngôi đền kỳ bí này đã bị bỏ hoang gần 800 năm. Do tác động của thời gian, nạn cướp bóc… khu vực này rơi vào tình trạng gần như sụp đổ. Quần thể đền được đưa vào danh sách thăm dò của UNESCO vào năm 1992. Từ năm 2008, Quỹ Di sản Thế giới và Chính phủ Campuchia bắt đầu nỗ lực bảo tồn và phát triển cộng đồng. Không lâu sau đó, khu vực quần thể đền Banteay Chhmar được mở cửa cho du khách.
Được xem là một trong những quần thể đền Khmer quan trọng nhất vào thời kỳ hoàng kim của đế chế này, Banteay Chhmar được xây dựng để tôn vinh con trai Suryakumara của vua Jayavarman VII và 4 vị tướng lĩnh quân đội.
Nằm giữa những tán cây rừng và tảng đá vỡ, quần thể gồm 8 ngôi đền, nổi bật với các tháp đá chạm khắc những khuôn mặt mang nụ cười bí ẩn. Chúng được cho là mô tả lại vua Jayavarman hoặc các vị Phật. Ngoài ra nơi đây còn có các bức chạm tinh xảo nhằm thuật lại câu chuyện về tôn giáo và chiến tranh.
Bức chạm hình Quan Âm Bồ Tát nghìn tay nổi tiếng tại Banteay Chhmar. Nhà bảo tồn đá Simon Warrack, người đã nghiên cứu về các ngôi đền ở Campuchia hơn 20 năm, ước tính hàng trăm mét tường chạm khắc đã sụp đổ qua thời gian, để lại một câu đố bí ẩn cho các nhà lịch sử và khảo cổ học. Ông so sánh bầu không khí tại Banteay Chhmar giống như quần thể Angkor Wat vào những năm 1990, khi ngành du lịch vẫn còn mới mẻ. Với hàng triệu người tới Siem Reap mỗi năm, Warrack cho rằng “cảm giác bí ẩn và mạo hiểm” từng gắn liền với Angkor Wat đã biến mất.
Tuy nhiên, Banteay Chhmar, địa điểm cách Angkor Wat vài giờ và chỉ có 1.500 du khách mỗi năm, vẫn mang lại trải nghiệm tuyệt vời về tâm linh. “Việc khám phá ngôi đền giống như quay ngược về thời đại khác và trải nghiệm sự tương tác độc đáo, tựa như cuộc chiến giữa văn hóa và thiên nhiên”, Warrack cho biết.
Dựa vào cảnh vật, dường như thiên nhiên đã chiến thắng. Bộ rễ của những cây cổ thụ bám chặt vào những bức tường vẫn đứng vững, giống như hòa vào thành một cấu trúc. Hệ thống dây leo lan tỏa khắp các ngóc ngách, bao phủ lên những tảng đá mang dấu ấn chạm khắc cổ. Nhưng điều đáng chú ý nhất của khu đền Banteay Chhmar là sự im lặng gần như hoàn toàn, chỉ bị phá vỡ bởi tiếng xe máy từ xa, tiếng vỗ cánh của côn trùng và tiếng chim hót.
Với người dân tại đây, khu đền không chỉ là một kỳ quan về khảo cổ và văn hóa, mà còn mang lại lợi ích kinh tế. Hiện nay, 23% dân cư tại tỉnh Banteay Meanchey, nơi khu đền tọa lạc, vẫn sống trong nghèo khổ. Tuy nhiên tình hình dần cải thiện nhờ có khách du lịch ghé thăm. Từ năm 2008 đến 2016, số lượng du khách tới Banteay Chhmar đã nhảy vọt 112%, từ 774 lên 1.575 người, theo số liệu của Quỹ Di sản Thế giới.
Với sự hỗ trợ của Quỹ Di sản Thế giới, Banteay Chhmar đang nỗ lực đạt được sự cân bằng giữa nhu cầu bảo tồn, tiếp cận và phát triển kinh tế bền vững với lợi ích của cộng đồng địa phương. Warrack không lo lắng về việc du lịch tràn lan sẽ ảnh hưởng tới Banteay Chhmar như trường hợp của Angkor Wat. “Những người tới Banteay Chhmar thường là những du khách đã tới các ngôi đền của Campuchia lần thứ 2 hoặc thứ 3. Họ sẽ trở nên say mê và muốn khám phá”, ông giải thích.