Xì xụp bánh canh Nam Phổ cực ngon của xứ Huế

Không nổi tiếng như những món đặc sản khác, bánh canh Nam Phổ vẫn giữ cho mình một nét thu hút rất riêng, khiến bao du khách đi Huế phải tìm đến để thưởng thức.

426

Ai đã một lần đi Huế, chắc hẳn đều ấn tượng bởi tô bánh canh sền sệt, đặc quánh, màu đỏ au mà các o Huế nhanh tay thoăn thoắt múc ra từ gánh hàng rong đơn sơ. Đó chính là món bánh canh Nam Phổ “huyền thoại”.

đi huế

Không cầu kỳ trong thành phần món ăn với sợi bánh canh, tôm, cua, chả… nhưng lại rất tỉ mỉ trong quá trình chế biến nên món bánh canh cua ở đây mang những nét đặc trưng riêng biệt so với các món bánh canh khác của người miền Trung. Sự tỉ mỉ của người Huế thể hiện trong từng công đoạn chế biến món ăn. Đầu tiên là sợi bánh canh, cũng được làm từ bột gạo, nhưng để cho ra đời những sợi bánh vừa mềm vừa dai là một quá trình lắm công phu. Gạo sau khi xay thành bột được cho vào nồi chưng cách thủy với lửa nhỏ, khuấy đều đến khi sánh lại. Bột sau đó được cho vào một túi ni lông, có cắt một đầu nhọn để tạo hình thành từng sợi bánh vào trong nồi nước sôi. Khi sợi bánh có màu trắng đục thì vớt ra xả lại bằng nước sạch.

Nồi bánh canh ngon không thể thiếu nước dùng. Không như những món ăn khác khi nước dùng được nấu bằng xương lợn hoặc cá. Người dân ở đây sử dụng chính nước luộc tôm và cua để nấu. Tôm, cua luộc chín bóc vỏ, gỡ lấy phần thịt. Tùy từng quán ăn mà tôm được để nguyên con hoặc giã nát ra, hòa tan một ít bột lọc, cho vào nồi nước dùng rồi đun sôi để nước dùng hơi sánh. Thịt tôm, cua được cho vào nồi nước dùng, thêm một ít màu hạt điều rồi nêm gia vị vừa ăn.

Sau khi chuẩn bị xong hết các công đoạn, sợi bánh canh được cho vào nồi cuối cùng, nấu chín rồi múc ra bát cho thực khách. Bát bánh canh Nam Phổ có màu đỏ đặc trưng của hạt điều, nước dùng sánh ẩn hiện bên trong là thịt cua và tôm, thêm vài lát ớt xắt, vài cọng ngò cho dậy mùi thơm. Trong những buổi xế chiều, bát bánh canh cua Nam Phổ dù không cao sang nhưng đủ để thực khách phải tấm tắc khen ngon khi thưởng thức.