Du lịch Quy Nhơn, bạn đừng quên ăn thử một đĩa bánh hỏi lòng heo để cảm nhận nét ẩm thực dân dã của vùng đất này.
Người dân xứ nẫu có thói quen ăn bánh hỏi bất cứ lúc nào trong ngày, có thể ăn sáng, ăn trưa, ăn tối thậm chí là ăn trừ cơm, cũng vì lí do này mà món bánh hỏi ở đây có phần đặc sắc và được “chăm chút kỹ lưỡng” hơn những nơi khác.
Bánh hỏi là món ăn đơn sơ có mặt ở nhiều nơi dọc đất nước Việt Nam như Nha Trang, Vũng Tàu, Bình Thuận. Theo những người dân địa phương kể lại, bánh hỏi ra đời từ rất xưa. Lúc món ăn này xuất hiện, nhiều người thấy lạ, nên ai cũng hỏi là bánh gì. Vậy là cái tên “bánh hỏi” ra đời từ đó.
Bánh hỏi là biến thể của bún tươi. Nhận thấy sợi bún lớn, ăn không ngon nên người thợ chế biến làm cho sợi bún nhỏ lại. Bánh hỏi và bún có cách chế biến tương tự nhưng bánh hỏi được làm cẩn thận và công phu hơn.
Bánh hỏi làm bằng bột gạo, mà phải là gạo tám thơm loại cũ mới ngon. Gạo vo kỹ, ngâm nước một đêm rồi vớt ra xay nhuyễn thành bột. Bỏ gạo vào họng cối, quay cối, cứ dăm ba vòng lại thêm một ít nước để cối khỏi “nghẹn”. Bột nước là một hỗn hợp nước sền sệt. Bột nước cho vào bao vải khô, “đăng” cho ráo nước. Đem hấp bột vừa đủ chín, nhồi và chia bột thành từng khối chừng nửa ký gọi là “giảo” bột đưa vào khuôn ép thành bánh.
Bánh làm xong có thể ăn ngay nhưng không ngon lắm vì đó chỉ là tinh bột. Phải thoa đều dầu phụng lên miếng bánh để thêm chút vị béo, rắc thêm lá hẹ để tăng màu sắc. Ăn bánh hỏi mà không có lá hẹ thì coi như mất ngon. Lá hẹ chỉ ăn với bánh hỏi, không dùng cho các thứ bánh khác.
Vào bất kỳ một quán bánh hỏi nào khi đi Quy Nhơn, gọi món này bạn cũng sẽ được thưởng thức thêm hai món nữa, đó là cháo và lòng heo. Nên người dân địa phương thường hay nói đi ăn “bánh hỏi cháo lòng”. Ăn kèm với thịt heo quay, thịt heo luộc, hay với lòng heo giúp món ăn trở nên béo bùi, và hấp dẫn hơn.