Gặp khá nhiều rắc rối khi con trai bị ốm trong chuyến du lịch Nhật Bản nhưng chị Nhàn vẫn trân trọng và yêu thích đất nước mặt trời mọc.
Chị Lâm Thúy Nhàn (stylist ở TP HCM) vừa trở về sau chuyến đi Nhật cùng chồng và con trai. Chuyến đi của chị Nhàn kéo dài trong 10 ngày, đi qua các thành phố Kyoto – Kanazawa – Tokyo. Trong đoàn gồm 2 gia đình nữa và đều có con nhỏ; vì vậy, chị Nhàn rất quan tâm đến những điều cần lưu ý và chuẩn bị trước khi khởi hành.
Bé Hehe nhà chị Nhàn được 18 tháng tuổi nhưng đã được ba mẹ cho đi du lịch chung từ khi 3 tháng. Em bé đã được ra biển, lên núi, gặp gỡ nhiều người với mục đích tập cho bé những kỹ năng trong cuộc sống. Chị quan niệm, trẻ nhỏ tiếp xúc nhiều với thế giới bên ngoài mới phát triển. Và nếu chuẩn bị kỹ lưỡng thì du lịch với con nhỏ cũng sẽ không quá khó khăn. “Ở bên con, nhìn con chơi đùa và khám phá khi đi du lịch, mình rất thích cảm giác này. Dù lần này có nhiều chuyện xảy ra nhưng Hehe vẫn sẽ tiếp tục lên đường du lịch với ba mẹ thêm nhiều lần nữa”, chị Nhàn tâm sự.
Sau khi trở về, chị đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm hữu ích trên blog cá nhân cho các bà mẹ cũng đang nung nấu về một chuyến đi đến xứ sở hoa anh đào.
1. Về phần chuẩn bị trước khi đi:
Cho người lớn:
– Đầu tiên các bạn nên mua JR pass (mua JR pass tại đây: https://www.japan-rail-pass.com)
– Sau đó, các bạn nên đặt luôn cục pocket wifi. Ở Nhật ai cũng xài cái này, nhỏ gọn như cục pin dự phòng, một lần sạc đầy có thể xài gần một ngày, rất “đã”, các bạn sẽ online 24/24 đỡ vất vả. Thuê cục wifi tại đây: http://www.globaladvancedcomm.com/pocketwifi.html. Cục này có giá là 5.600 yen Nhật, lấy tại sân bay nhanh trả lại cũng tại sân bay, bất cứ sân bay nào, ví dụ như bọn mình lấy ở sân bay Osaka sau đó trả lại ở Narita không sao cả.
– Bảo hiểm du lịch
– Hộ chiếu và tiền. Khi đi với em bé thì nên chuẩn bị thật nhiều tiền.
– Thuốc: tất cả các loại thuốc như vitamin C, thuốc nhức đầu, thuốc sổ mũi, nên chuẩn bị đầy đủ vì khi đi với trẻ con, tụi mình sẽ mang sứ mệnh chăm sóc gấp mấy lần ở nhà nên mình phải khoẻ trước đã mới chăm tụi nhỏ được. Cái lợi ở Việt Nam là có thể mua thuốc không cần toa chứ qua Nhật thì không vì ở các hiệu thuốc toàn bán thảo dược và không ai nói tiếng Anh nên khó khăn hơn rất nhiều.
Cho em bé:
Mình tư vấn về trường hợp của con trai mình 18 tháng, vẫn còn đang ăn cháo và đồ mềm, có thể ăn thêm cơm mềm của Nhật, mì và một số đồ ăn khác. Đây là khi đi chơi dài ngày ở Nhât, còn khi các bạn đi chơi ở các nước như Thái Lan, Singapore thì dễ dàng hơn nhiều, không có gì lo lắng.
– Cháo: mình mua cháo ở loại 250 ml, đủ mùi cá, cua, gà, 95.000 đồng một bịch ăn đầy đủ dinh dưỡng, nhưng ăn cháo nhiều thì ngán nên qua đó mình cho ăn thêm cơm trứng, mì udon, gạo Nhật rất mềm ăn rất dễ.
– Ghế ăn: mình đem theo ghế ăn du lịch, gọn nhẹ, bỏ vào vali được. Nhà mình tập cho bé là đến giờ ăn tự động ngồi vào ghế là phải ăn, không nói nhiều. Có cái ghế đỡ mất thời gian hơn nhiều. Bé Hehe nhà mình ăn như tụi mình check in vậy, đi đến chỗ nào phải ăn trước đã, ăn xong mới yên tâm đi chơi.
– Ly to (mug), muỗng và bình giữ nhiệt: để dễ đem cháo đi khắp mọi nơi, ăn ở đâu cũng được, ra công viên thì cho bé ngồi trên xe đẩy, rồi đút ăn rất nhanh.
– Quần áo ấm: đừng tin bạn bè, đừng tin thời tiết hay bất kỳ gì, con mình thì mình đem nhé, giữ ấm cho tụi nhỏ không bao giờ thừa. Nếu các bạn đi mùa hè thì dễ dàng hơn rất nhiều trong việc này.
– Đồ xịt chống hăm, nước rửa mông (phải di chuyển nhiều mà nên mình không muốn dùng không khăn ướt mãi), nước rửa bình sữa, bình sữa (thân to rộng để rửa bằng tay được không cần mang lích kích), sữa tắm, lotion cả người và mặt cho bé Hehe, thuốc chống côn trùng cắn…
– Tã: mang theo nhiều nha, đừng nói rằng Nhật là đất nước của các loại tã, sai lầm lắm vì tuỳ drugstore mới bán, đem ít nhất đủ cho 4 ngày đầu vì nhỡ mà thay đổi khí hậu hay bụng không khoẻ mà bé bị rối loạn thì nhanh hết tã lắm.
– Sữa thanh (con mình uống glico), sữa tươi thì bên đó đâu cũng có bán, ngày cho uống hai hộp và uống juice nguyên chất bên đó luôn.
– Thuốc:
+ Nước muối sinh lý súc mũi, đồ hút mũi (lúc đầu quên đem nên mình phải hút bằng miệng), nước muối biển xịt mũi.
+ Men vi sinh, thuốc hạ sốt, thuốc kháng sinh (mình biết nhiều người không khuyến khích dùng thuốc kháng sinh nhưng trong trường hợp thế này đang ở xứ người thì đành phải dùng thôi nhé, tốt nhất trước khi đi chơi đi kiểm tra sức khỏe trước đi và xin lời khuyên của bác sĩ). Siro ho thì cũng không cần đem vì nếu ho nhẹ thì ra mua ở drugstore thì có Muhi tốt lắm, loại chai màu đỏ.
+ Khăn giấy ướt thì bán mọi nơi không lo lắng
+ Khẩu trang em bé cũng khắp mọi nơi
+ Thuốc chống dị ứng, rất quan trọng. Trong chuyến đi, bé Hehe bị dị ứng, phải đi khám bác sĩ 2 lần, một lần 15.000 yen (khoảng 3 triệu đồng) và lần sau 56.000 yen (khoảng 11,2 triệu đồng) chỉ với lý do bé bị dị ứng phấn hoa. Lúc này nếu mang một liều thuốc chống dị ứng thì đã giải quyết được tất cả. Triệu chứng khi bi dị ứng phấn hoa: hay chảy nước mắt, mắt sưng đỏ lên, sổ mũi, hắt hơi nhiều, ho cũng nhiều vì đau mũi đau họng, sốt không cao lắm. Thêm một điều nữa là ở đây, ngay cả bệnh viên cũng không ai nói được tiếng Anh trừ bệnh viện quốc tế, sẽ rất khó khăn khi khám chữa bệnh.
2. Các lưu ý nhỏ khác:
Chuyện 1:
Một bạn trong nhóm mình bị hết pin điện thoại, muốn xin nhờ một người phụ nữ để nhường chỗ cắm sạc một chút thì chị ấy thẳng thừng nói: No!
Ngày đầu tiên do chưa chuẩn bị bình giữ nhiệt mà lại đi chơi cả ngày, mình đi 3 nơi để xin chút nước nóng để hâm cháo, cũng bị thẳng thừng nói: No!
Một em bé trong đoàn của mình muốn ăn mì spaghetti nhưng chỉ muốn ăn mì không, đều gặp khó khăn khi order, thậm chí có nhà hàng nói: No! và không đáp ứng yêu cầu
Hay cả nhà bọn mình đi ăn mì, nhiều quá xin đem về, nhà hàng cũng nói: No!
Nói chung, mình thấy, người Nhật sẽ không giúp đỡ nếu chuyện đó liên quan đến trách nhiệm và hậu quả sau này hoặc đơn giản là phiền quá không muốn giúp. Vì thế, các bạn tự mình chuẩn bị tốt hết mọi thứ nha. Thật ra, mình nghĩ, đất nước người ta có quy củ như thế nên mới phát triển được đến nhường này. Mình không thể làm gì được ngoài trách cứ bản thân không chịu chuẩn bị đầy đủ, phải làm phiền đến người khác.
Chuyện 2:
Hai khách sạn mình ở ở Kanazawa và Tokyo đều không dọn phòng sạch sẽ tinh tươm như các nước khác, họ chỉ sẽ dọn giường và rác. Và rác nhất định phải để trong thùng, còn rác ngoài thùng thì không dọn. Khi mình ở khách sạn Nikko (khách sạn của Nhật) tại Đài Loan cũng vậy.
Sự riêng tư của khách là trên hết và cái gì cũng phải đúng nơi đúng chỗ.
Chuyện 3:
Hầu như người có hình xăm ở đây sẽ bị nhòm ngó khá nhiều. Chồng mình đã khiến cho một bà già sợ hãi, đi báo cảnh sát và bị 2 cảnh sát tiến đến hỏi giấy tờ ở Tokyo vì có hình xăm. Khách sạn tại Kanazawa còn không cho phép người có hình xăm đi tắm suối nước nóng làm mình mất phần trải nghiệm này. Buồn ghê.
Chuyện 4:
Có một vài chuyện thật sự là shock văn hóa với mình.
Tụi mình đi ăn ở Kyoto có quán để rõ ở ngoài là: “Foreigners visiting ban! you guys are not so welcome” (Không khuyến khích người nước ngoài).
Ngoài ra, không ai được gây ồn ào, có lần đi tàu từ Kanazawa lên Tokyo, mình bật Youtube cho Hehe nghe vì thấy con đang ốm bệnh, không vui, nghe ở mức 3, không gây ra tiếng ồn lớn nhưng vẫn bị nhắc nhở.
Ở một vài nơi, hố xí vẫn là xí xổm. Nhưng bù lại là rất tiện lợi, nhà vệ sinh công cộng lúc nào cũng có phòng thay tã thật ra là to cho em bé, trong đó đầy đủ bàn thay tã, bồn rửa, vệ sinh.
Ở các cửa hàng tiện lợi ở khắp mọi nơi, không sợ đói, không sợ khát. Ở đây họ xây dựng cả một hệ thống dễ dàng để tất cả mọi người đều có thể tự mình làm việc của mình chứ không cần nhờ vả ai.
Nếu đi du lịch bình thường, chỉ có hai vợ chồng rong chơi lãng mạn thì mình sẽ thích đất nước này lắm, mình nghĩ vậy. Nhưng khi có thêm một em bé và gặp rắc tối thì mọi thứ sẽ trở thành một câu chuyện khác, sẽ gặp được một nước Nhật khác, khó tính hơn, xa lạ hơn.
Cái gì cũng có cái tốt và chưa tốt. Ở đây, mình sẽ yên tâm không bị lừa gạt, không cần cảnh giác đề phòng, không cần phải lúc nào cũng nơm nớp. Mình vẫn trân trọng và thích nước Nhật và sẽ quay lại lần nữa để hưởng thụ những điều đã bỏ lỡ.