Du lịch Châu Âu đến với gia đình mà hơn 20 năm qua, nhà Korol không có bất kỳ người hàng xóm nào trên đảo Yelena, nơi từng là căn cứ của một đơn vị tình báo Xô Viết.
Không TV, không máy tính, không Internet, không điện thoại thông minh – ít người có thể tưởng tượng về một cuộc sống thiếu vắng những điều căn bản như vậy trong thế giới hiện đại. Nhưng với gia đình nhà Korol (họ này có nghĩa là “Hoàng đế” trong tiếng Nga), những vật dụng thông thường trong nền văn minh hiện đại không thực sự quan trọng. Trong hơn 20 năm qua, kỹ sư điện máy Boris, nhà khoa học Nina và người con trai 40 tuổi – Nikolai, đã sống trên hòn đảo Yelena hẻo lánh, gần thành phố Vladivostok, Nga. Điều gì đã khiến họ xa rời xã hội và không hề có ý định trở lại? Ivan Chesnokov, nhà báo kiêm nhiếp ảnh gia từ St. Petersburg, chính là người hiểu điều này hơn ai hết, khi anh từng ghé thăm gia đình Korol hai lần vào năm 2016 và 2017.
Một thời giữ vị trí chiến lược trên bản đồ của quân đội Xô Viết, Yelena là vùng tuyệt mật cho tới cuối những năm 1980, khi lực lượng tình báo rời khỏi căn cứ kỹ thuật truyền thanh đặt trên hòn đảo này. Thời ấy, ông Boris đang lênh đênh trên một chuyến tàu nghiên cứu khảo cổ. Chồng vắng nhà, bà Nina đưa cậu con trai Nikolai mới lên sáu tới đảo Yelena chơi dịp nghỉ lễ và say mê nơi này ngay lập tức.
“Mới đầu, họ chẳng hề có ý định gì với chuyện sống như những ẩn sĩ hay an cư ở một nơi tách biệt thế này”, Ivan giải thích về câu chuyện của nhà Korol trên Russia Beyond. “Hòn đảo này khiến Nina ấn tượng với những tòa nhà bỏ hoang, những công trình và nhà kho cũ của quân đội. Thêm nữa, khung cảnh tuyệt đẹp, xung quanh mênh mang nước, chim ríu rít cả ngày, những con đường cổ kính phủ kín lá vàng khi thu đến hoặc ngập tuyết vào mùa đông”, ông nói. Vợ chồng ông Boris thường xuyên ra đảo mỗi mùa hè, nhưng phải đến năm 1996, họ mới quyết định “chuyển khẩu” tới Yelena. Nguyên nhân chính là vì sức khỏe của con trai họ. Nikolai bị tai nạn xe máy, hôn mê sâu triền miên. Vào cái ngày tỉnh dậy, anh không thể nói nổi một từ hay đứng dậy đi một bước. Ông bà Korol quả quyết rằng, chỉ có cuộc sống trên đảo mới giúp con trai bình phục, và thế là họ bỏ lại mọi thứ trên đất liền để đến Yelena.
Gia đình Korol không có gì phải phàn nàn về cuộc sống của mình. “Ở đó, họ có một nơi phù hợp với mọi hoạt động nghiên cứu từ sinh học, môi trường dưới nước, kỹ thuật hay lịch sử”, nhiếp ảnh gia Ivan trích lời ông Boris. Về phần Nina, bà theo đuổi mục tiêu của đời mình – bảo tồn tự nhiên và di sản lịch sử trên hòn đảo, cũng như chăm sóc mảnh đất riêng của gia đình.
Ivan cho rằng gia đình Korol tìm thấy một cuộc sống thư thái hơn trên đảo, có nhiều điều cho họ làm hơn khi sống ở thành phố Vladivostok. “Những người dành cả ngày trong nhà không khác gì nô lệ. Đó là một kiểu tự sát chậm và chắc”, nhà báo từ St. Petersburg nhận định. Dù không quan tâm nhiều đến xã hội bên ngoài, gia đình Korol lại luôn chào đón những vị khách tới thăm hòn đảo như các em học sinh hay nhà báo. “Khi tôi ở đó, một người bạn cũng đến chơi, anh ấy là lãnh đạo của hiệp hội bảo tồn di tích văn hóa vùng miền”, Ivan hồi tưởng.
Đường Vladivostok tới Yelena không phải một cung dễ đi. Bạn sẽ mất khoảng 30 phút để lái xe đến điểm tận cùng của lãnh thổ Nga trên đất liền, tiếp đó phải dùng thuyền băng qua một con kênh hẹp, hoặc đi bộ trên băng vào mùa đông.
Nhờ cuộc sống bình yên trên đảo, sức khỏe của Nikolai cũng dần cải thiện, anh có thể nói chuyện và đi lại được, dù còn khó khăn. Ivan tiết lộ Nikolai cũng thường xuyên vào đất liền, anh ấy muốn tiếp xúc với nhiều người hơn và có thể tìm được ý trung nhân.
Hiện nhà Korol sống nhờ lương hưu của vợ chồng ông Boris, cũng như tiền trợ cấp dành cho người khuyết tật mà Nikolai nhận được. Thi thoảng bà Nina vẫn lên đất liền để mua sắm trong cửa hàng tạp hóa, dù nhà cũng tự trồng rau quả.
Với cáo buộc chiếm dụng trái phép căn hầm trên đảo Yelena, chính quyền địa phương yêu cầu gia đình Korol phải về thăm căn hộ của họ ở Vladivostok thường xuyên hơn. Nhưng ông bà Boris không có ý định chuyển hẳn về nhà cũ. “Ai sẽ trông nom hòn đảo, nếu không phải là chúng tôi chứ?”, họ nói về những bất đồng với giới chức địa phương.
Từ đó, nhà Korol trở thành hộ dân duy nhất trên hòn đảo rộng 1,45 km2, chăm nom cho quang cảnh, bảo vệ đất đai và giữ gìn những di sản. Ban đầu, họ ngụ trong một căn nhà được để lại từ đời ông cố của Boris, người từng làm nhân viên điện lực trên đảo. Một vụ hỏa hoạn thiêu rụi căn nhà, họ chuyển sang một hầm chứa thuốc súng có từ thế kỷ 19 gần đó. Căn hầm tối tăm rộng 30x20m, nhưng dần dần nó có đủ mọi thứ cần thiết cho một gia đình: từ lò sưởi đến giường ông Boris tự đóng, nội thất lấy từ những tòa nhà bỏ hoang trên đảo. Những chồng sách, radio, những món đồ xưa mà ông Boris đem về từ những chuyến khảo cổ, vài cặp sừng hươu… trong căn hầm tạo nên ấn tượng về một không gian sống động mang vẻ đẹp vượt thời gian.