Ở nước ta, hình ảnh chiếc nón lá của du lịch Quy Nhơn đã trở thành một phần trong bộ trang phục truyền thống của người Việt. Với hình ảnh chiếc nón quai thao của các cô gái xứ Bắc, nón lá bài thơ cô gái Huế… làm nên nét duyên dáng, mềm mại thướt tha của các cô gái. Chỉ riêng Bình Định, chiếc nón ngựa Phú Gia lại biểu tượng cho sự mạnh mẽ, uy nghiêm của con nhà võ, gắn liền với hình ảnh đội quân Tây Sơn thần tốc.
Bình Định thuở xưa nổi tiếng với chiếc nón ngựa, một loại nón chủ yếu sản xuất để cung cấp cho giới quan lại triều đình, các bậc văn nhân thượng lưu, quyền quý. Chiếc nón ngựa được làm ra bởi những người dân thôn Phú Gia (xã Cát Tường, huyện Phù Cát), rồi được chuyển về bán tại chợ nón Gò Găng, một địa điểm trao đổi mua bán nón ngựa có từ lâu đời, nên được gọi là nón Gò Găng. Ở Bình Định, nghề làm nón truyền thống trải khắp các làng Bình Đức, Tân Đức, Tân Nghi, Vĩnh Phú, Châu Thành, Phú Thành, Kiều An… (phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn).
Chiếc nón Gò Găng bây giờ là sự kết hợp hài hòa giữa nón bài thơ xứ Huế và nón ngựa ngày xưa. Nó tiết kiệm được nguyên vật liệu, giảm tính cầu kỳ thái quá, hợp với dân lao động một nắng hai sương. Song, không vì lẽ đó mà mất đi vẻ duyên dáng nên thơ. Ngược lại, với dáng thanh mảnh riêng biệt của mình, nó được nhắc đến nhiều trong thơ ca nhạc họa.
Nghề làm nón ở Bình Định tuy không làm giàu được nhưng cũng sẽ không chết, vì nó là nghề lúc nông nhàn, nghề truyền thống của nhiều làng quê. Và chiếc nón không đơn giản chỉ là một vật đội đầu che nắng che mưa nữa, nó còn là sản phẩm kết tinh của tính chăm chỉ, sáng tạo, sự khéo léo của người thợ và thể hiện trình độ văn hóa của vùng đất đã sản sinh ra nó. Nghề này rất hợp với chị em phụ nữ ở nông thôn. Sau mùa làm mạ gieo cấy, họ sử dụng thời gian nông nhàn để làm nón. Công việc nhanh có tiền lại không nhiều vốn như các nghề khác.