Từng là kỹ thuật chế tạo ra những sản phẩm rất được ưa chuộng thời Nguyễn nhưng pháp lam của du lịch Huế lại chịu cảnh thất truyền suốt một thời gian dài và hiện nay một lần nữa được hồi sinh.
Là tên để chỉ kỹ thuật tráng men trên kim loại, pháp lam được biết đến với những tác phẩm mỹ thuật hay các chi tiết trang trí trong kiến trúc Huế, cốt làm bằng đồng đỏ, bên ngoài phủ các lớp men nhiều màu tạo nên các họa tiết rực rỡ sắc màu.
Thế kỷ XVIII, thuyền buôn Trung Hoa khi cập cảng Thanh Hà – Bao Vinh đã mang đến những món pháp lang Quảng Đông. Thương nhân Huế thích mua để bày biện ở phòng khách. Đầu thời Nguyễn, quan lại sang nhà Thanh công cán cũng mua pháp lang về. Thấy giới quý tộc chuộng dùng sản phẩm pháp lam, nên ông Vũ Văn Mai sang Quảng Đông học nghề. Về nước, ông tâu lên vua và được giao cho lập xưởng chế tác pháp lang. Sách Đại Nam thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn cho hay: “Minh Mạng năm thứ 8 (1827) đặt tượng cục pháp lam. Vũ Văn Mai, thợ vẽ ở Nội tạo, học được nghề làm đồ pháp lam. Bèn sai đặt cục ấy, hạn cho 15 người, thiếu thì mộ mà sung vào”. Xưởng chế tác đặt ở khu Canh Nông trong Thành nội, Ái Tử (Quảng Trị) và Đồng Hới (Quảng Bình).
Pháp lam được trang trí ở cung điện, tôn miếu như điện Thái Hoà (Đại Nội), điện Sùng Ân (lăng Minh Mạng), điện Hoà Khiêm (lăng Tự Đức), điện Biểu Đức (lăng Thiệu Trị), điện Ngưng Hy (lăng Đồng Khánh),… Nó còn được sử dụng trong những bức hoành hoặc đối liễn, có chữ Hán chạm nổi, xung quanh trang trí cúc dây, dơi ngậm tua hoặc kim tiền. Người ta còn chế tác những chữ Hán rời, rồi ghép chúng trên những phiến gỗ hoặc phiến đá thanh để tạo thành những câu đối treo trong cung hoặc gắn trên phương môn trước các lăng vua. Hoặc làm đồ dùng trong cung đình như bát, đĩa, khay, chậu hoa, hộp trầu, hộp phấn,… hoặc làm đồ thờ như lư trầm, bát hương…
Pháp lam khởi nguyên từ triều Minh Mạng, phát triển rực rỡ dưới triều Thiệu Trị, đến triều Tự Đức thì phôi pha dần rồi mất hẳn. Dù nỗ lực phục hồi dưới triều Đồng Khánh song không phục hưng nổi mà rơi vào thoái trào rồi thất truyền. Nguyên nhân do tài chính eo hẹp không nhập được các màu men kim loại từ nước ngoài. Dù chỉ tồn tại 60 năm, nhưng di sản pháp lam của cố đô phong phú về số lượng, đa dạng về loại hình. Các kiểu thức vẫn còn lưu lại trên diềm trang trí, bình, đĩa, khay sinh hoạt, đồ thờ tự,… Nổi bật nhất là loại hình pháp lam ngoại thất với những chi tiết trang trí hình rồng, mây… gắn ở các bờ nóc, bờ quyết của cung điện, cửa tam quan trong lăng tẩm vua Nguyễn. Trình độ kỹ thuật chế tác pháp lam thời kỳ này không sắc nét, tinh xảo như pháp lam ở các nước khác. Nhưng pháp lam Huế khẳng định dấu ấn sáng tạo của người Việt, văn hoá Việt Nam, minh chứng cho thời kì độc lập, tự chủ của nhà Nguyễn.
Tồn tại trong môi trường khí hậu khắc nghiệt hai thế kỉ, lại bị chiến tranh tàn phá, nên nhiều mảng pháp lam trên các cung điện Huế đã biến mất hoặc bị hư hại nặng nề. Trong nỗ lực trùng tu, tôn tạo các công trình kiến trúc thời Nguyễn có dấu ấn của pháp lam Huế. Nhiều nhóm chuyên gia bảo tồn đã dày công nghiên cứu chất liệu pháp lam cổ, xây dựng phương pháp, kỹ thuật chế tác nhằm khôi phục pháp lam Huế trong điều kiện các thư tịch, bí quyết đều thất truyền.