Đi Huế vào những năm trước đây, bạn sẽ bắt gặp những tiệm băng đĩa dọc theo chợ Đông Ba, chợ Bến Ngự và nhiều con đường trên địa bàn Thành phố Huế, mỗi đường có đến 4 – 5 cửa hàng bán băng đĩa nhạc.
Bây giờ, đi dọc các tuyến phố, để tìm được cũng không phải dễ dàng. Những địa điểm một thời “huy hoàng” đã dẹp tiệm từ mấy năm nay. Một số khác đã sang chủ hoặc chuyển về mặt bằng khác, thu hẹp quy mô buôn bán.
Khi nhắc đến công nghệ thì từ người ta nhắc đến nhiều nhất là “thay đổi”, vì nếu như không thay đổi, bạn sẽ chấp nhận việc bị tụt hậu lại phía sau. Chính vì vậy, nhiều thiết bị và sản phẩm, tuy đã từng làm mưa làm gió, nhưng đã dần phải nhường chỗ và bị thay thế hoàn toàn. Thời hưng thịnh nhất của băng đĩa (CD/VCD/DVD) là những năm giữa thập niên 90 đến khoảng 2008. Lúc cao điểm, thành phố Huế có đến hàng trăm cửa hàng băng đĩa, mỗi cửa hàng phải thuê 2 – 3 nhân viên để bán. Hàng lấy về chỉ vài tuần là bán sạch, nhiều người mê nhạc còn phải đặt hàng trước. Ra đời năm 2004, tiệm của ông Minh Thắng cũng đã có những năm tháng được hưởng cảnh vàng son của nghề kinh doanh băng đĩa. “Cách đây hơn 10 năm, tôi thường đặt hàng băng đĩa nhạc vừa được phát hành về để phục vụ nhu cầu khách hàng. Cửa hàng tôi bao giờ cũng đầy người vào ra. Nhiều phim truyền hình đang trình chiếu đã thấy khán giả ùn ùn đi mua đĩa phim để xem trước”, ông chia sẻ.
Trở lại những năm cuối của thập niên 1990, khi giai đoạn của băng cassette và băng video VHS bắt đầu qua đi, nhường chỗ cho chiếc đĩa CD, VCD. Thời điểm đó Internet vẫn còn là một cái gì đó xa vời, có khi người ta phải tới lui tiệm băng nhạc nhiều lần để tìm bài hát yêu thích, hoặc mua đĩa trắng đặt người ta “đánh đĩa” lại. Chương trình ca nhạc vang bóng như MTV Asia Hit List hay Làn Sóng Xanh thường trực phát các ca khúc nhạc trẻ được hát bởi những ca sĩ “đinh” như Phương Thanh, Lam Trường, Thu Phương, Mỹ Linh. Cũng vào thời gian này, Britney chính thức trở thành một hiện tượng với bài hit “Baby One More Time” năm 1999, không chỉ khiến người Mỹ phát sốt mà cả giới trẻ Việt Nam. Các quầy băng đĩa đã đáp ứng nhu cầu xem phim, nghe nhạc của từng đối tượng khách hàng: từ kiếm hiệp, tình cảm đến tâm lý xã hội, từ phim Hồng Kông, Hàn Quốc, Trung Quốc đến Thái Lan… Loại hàng hóa này len lỏi khắp các ngõ ngách, được bán dạo nhan nhản ở chợ, bến xe, kể cả ở các vùng sâu, vùng xa… Cái cảm giác sung sướng, hạnh phúc thế nào khi mua được một chiếc đĩa album mới của ban nhạc, ca sĩ mình yêu thích có lẽ những người trẻ sống trong thời đại mới sẽ chẳng bao giờ được trải nghiệm. “Ngày ấy, tôi thường đến tiệm gần nhà để mua VCD về nghe. Tôi thường mua những album của Ưng Hoàng Phúc, HAT, sau này còn có thêm nhạc phim Ngôi nhà hạnh phúc, nhạc game Audition…”, bạn Thu Hương nhớ lại.