Đi Huế ăn bún bò hẻm, uống cà phê cóc

Đi Huế chẳng cần chi phải cầu kì, xa hoa mà hãy trải nghiệm những điều bình dị nhất, để có thể cảm nhận rõ nét được hơi thở của cố đô.

286

Khách đi Huế lúc nào cũng muốn thử cho bằng được món bún bò chuẩn vị. Nếu thế thì nhất định phải lặn lội vào những con hẻm, “lùng sục” hàng quán của dân địa phương. Ngoài ra, du lịch Huế còn có cái đặc sản cà phê cóc, hay ho chẳng kém gì cà phê bệt của Sài Gòn. Ghép cả hai lại với nhau chắc hẳn sẽ tạo nên “combo đường phố” độc đáo vô cùng.

đi huế

Đi Huế, muốn biết sự thú vị thật sự của ẩm thực dân dã, bạn không thể không cần một “thổ địa”. Và tôi đã may mắn có được “thổ địa” nhờ đó tôi được nếm vị cà phê “cóc” của cô Hương và “bún bò hẻm” cô “chè hẻm”.

Mới 6 giờ sáng quán cà phê cóc đã khá đông khách. Nhấp một ngụm đen, phải chép miệng một cái vì bất ngờ. Cà phê cóc nhưng vị đậm đà không kém cạnh bất cứ quán sang trọng nào mà còn có phần hơn. Chép miệng vì cà phê, nghe cô bạn Huế với chất giọng ngọt lịm giới thiệu về Huế rồi nhìn các nữ sinh Huế trên đường đến lớp, tôi nhớ ngay đến câu ca dao quen thuộc:

Học trò xứ Quảng đi thi

Thấy cô gái Huế chân đi không đành.

Bất chợt thèm làm thơ:

Tiếng ai nhè nhẹ thanh thanh,

Thấm cà phê Huế để dành vào mơ.

Chỉ để dành thôi, còn giờ phải tỉnh để ngắm cà phê cóc Huế. Điểm cà phê này có nhiều cái đặc biệt. Thứ nhất là cô chủ, cô Hương làm cho mọi người khách du lịch, nếu đã đến đây thì luôn có ấn tượng đẹp về Huế qua sự gần gũi, chân tình, cởi mở trong giao tiếp, dẫu cô đã U50. Cà phê của cô chỉ bán từ khoảng 6 giờ đến 9 giờ ngay trên thềm của nhà hàng Ấn Độ đường Nguyễn Tri Phương. Tổng lượng khách khá đông nhưng dường như có một sự mặc định nào đó, cứ lai rai đến nhâm nhi, lai rai đi, đều đều, luôn có trên dưới chục vị khách ghiền cà phê cóc (có cả khách Tây) thay phiên nhau.

Nếu vừa rồi đã phải chép miệng vì chất lượng cà phê thì khi thanh toán tiền, bạn phải… há miệng vì giá rẻ đến không tin nổi ở một đoạn đường tấp nập khách Tây như thế này. Có “ẩm” rồi phải “thực”. Hẹn gặp lại cô Hương vào hôm sau, còn bây giờ phải “gặp” bún bò Huế đã.

Cách đó chưa đến 50 mét là hẻm bún bò, bún bò cô “chè hẻm”. Cũng như cà phê cô Hương, quán bún có một lượng khách ghiền thật sự đủ mọi thành phần, công chức lẫn bình dân và cũng chưa đến 9 giờ là hết. Khách nào chậm chân xem như ngậm ngùi hẹn gặp lại – hôm sau, nhớ đến sớm! Với lượng khách và thời gian phục vụ như thế, khỏi nói bạn cũng đoán được chất lượng, sự hấp dấn của món ăn này như thế nào rồi. Còn giá cả ư, đừng lo, hẻm mà!

Bạn có muốn uống cà phê “để dành vào mơ” không, muốn ăn bún bò “ngọt vào trong mộng” không? Còn tôi, năm sau, năm sau nữa chắc phải “đôi lần đến với Huế mộng mơ” thôi.