Du lịch Nhật Bản, lễ hội Obon là một sinh hoạt Phật giáo, đã có truyền thống hơn 500 năm.
Obon thường kéo dài trong khoảng 3 ngày và được tổ chức nhằm tưởng nhớ tổ tiên. Người ta thường trở về quê hương và thăm lại những ngôi mộ của người thân quá cố.
Nguồn gốc chính xác của Obon cho đến nay vẫn còn bí ẩn chưa thể giải đáp. Người ta tin tưởng nhiều vào khả năng nghi thức khởi nguồn từ Ấn Độ, sang Trung Quốc và cuối cùng du nhập đến Nhật Bản.
Truyền thuyết kể rằng, có một đệ tử Phật giáo đã dùng sức mạnh thần kỳ nhằm gặp lại linh hồn đấng sinh thành. Khi nhận ra, người mẹ đã xuống đến Âm phủ, nơi ma quỷ ngự trị, chàng đệ tử cảm thấy rất đau khổ và thỉnh cầu Đức Phật làm sao để giải thoát người mẹ khỏi chốn khổ đau kia.
Phật mới dạy cách phải làm thành tâm dâng lễ chay tới những vị cao tăng đắc đạo, chính họ sẽ cứu thoát mẹ người Phật tử kia khỏi địa ngục…
‘Obon’ là phiên âm tiếng Nhật của từ tiếng Phạn ‘Ullambana’, có nghĩa là ‘treo lộn ngược” và ngụ ý nhắc đến nỗi đau và dằn vặt con người phải chịu đựng.
Nhiều hoạt động tín ngưỡng được người dân Nhật Bản tổ chức để tưởng nhớ ngày lễ quan trọng này.
Tiêu biểu nhất phải kể đến sự kiện dâng lửa để soi đường cho linh hồn của những người đã khuất trở về Trời bằng 5 đám lửa lần lượt được đốt lên ở 5 ngọn núi xung quanh Kyoto trong khoảng 1 giờ đồng hồ.
Những đám lửa lớn được sắp xếp theo hình dạng của Hán tự. Bắt đầu là chữ Đại (Daimonji), rồi đến Diệu (Myo), Pháp (Ho) và Thuyền (Funagata), chữ Đại nhỏ ở đỉnh núi nhỏ hơn gọi là Hidari-Daimonji, gần với chùa Vàng.
Nếu như người Việt Nam có tục cúng lễ rất lớn và đốt vàng mã dâng lên người đã khuất thì người Nhật tập trung vào mâm cúng lễ.
Đồ cúng thờ của họ là những chiếc bánh như bánh khảo, làm từ bột gạo nhiều màu sắc như: xanh, đỏ, vàng… trông rất hấp dẫn và thường có hình hoa sen cùng với những giỏ hoa quả gồm nhiều loại được sắp xếp rất nghệ thuật trên bàn thờ, gọi là Obon-dana.