Du lịch Cần Thơ | Bún quậy xứ Tây Đô vừa gây tò mò vừa gây nghiện

Có nguồn gốc từ Bình Định, bún quậy ở Tây Đô đặc biệt nhờ biến tấu theo công thức riêng, đem đến hương vị độc đáo.

435

Không chỉ có ở Phú Quốc, du lịch Cần Thơ bạn cũng sẽ được thưởng thức món ăn đậm đà hương vị này được chế biến theo cách riêng của người miền Tây.

Bún quậy được biết đến là một trong những món ngon đặc trưng của người Bình Định. Tên gọi là bún quậy xuất phát từ việc khi chan nước lèo nóng vào tô đã có sẵn các nguyên liệu như tôm, chả cá, bún, bạn phải đảo (quậy) đều lên để mọi thứ chín tới, ra chất ngọt thanh, đều vị. Những năm 1995 -1996, món ăn này theo chân người miền Trung vào tận xứ biển Phú Quốc. Dừng chân ở đất Tây Đô xinh đẹp, với những biến tấu khác biệt từ khâu chế biến, nguyên liệu cùng cách thưởng thức của thực khách, món ăn này có một phiên bản mới.

Kim Soan – chủ quán bún quậy trên đường Trần Văn Hoài, quận Ninh Kiều, Cần Thơ – cho biết một trong những điều chinh phục thực khách khi thưởng thức món bún quậy trên đất Tây Đô chính là nguyên liệu tươi ngon. Một tô bún quậy được xem là ngon và hấp dẫn sẽ không thể thiếu tôm biển, tôm tít (bề bề) lấy nguồn từ Kiên Giang, sau đó về hấp ngay để giữ độ ngọt thơm của biển. Còn chả cá thác lác được quết dẻo, nêm nếm gia vị cho vừa ăn, hành ngò xắt nhỏ… Đặc biệt, nước chấm làm nên nét độc đáo cho chính món ăn này.

du lịch cần thơ
Tôm tươi, chả cá thác lác, tôm tít là những nguyên liệu tươi ngon làm nên tô bún quậy mang nét đặc trưng Cần Thơ.

Món bún quậy ở Cần Thơ được biến tấu theo cách riêng giúp thực khách vừa tiết kiệm thời gian lại có món ăn hợp khẩu vị. Nếu ở Phú Quốc, bún quậy được làm từ những sợi bún tươi, ép trực tiếp từ bột gạo qua máy ngay trong bếp, thì ở Cần Thơ, các chủ quán lại chọn cách tìm nguồn bún tươi.

Các quán bún quậy ở Phú Quốc thường để một bàn có đủ muối, hạt nêm, đường, tiêu, ớt, tắc… hoặc một tô lớn đựng muối chấm trộn sẵn và khách chỉ việc thêm ớt, quất theo khẩu vị cá nhân… Còn nước chấm cho món bún quậy Cần Thơ được cô chủ 9x nghiên cứu và pha chế theo công thức riêng biệt, bình dị và gần gũi với khẩu vị người dân nơi đây. Thành phần trong nước chấm gồm ít muối, đường, bột ngọt, tắc trộn theo tỷ lệ vừa phải, tạo độ sền sệt và đậm đà, kích thích vị giác khi ăn. Kim Soan căn dặn, khi ăn bạn có thể cho chút ớt cay để nước chấm có vị thơm ngon hơn.

Chả cá thác lác được phết vào thành tô một lớp vừa phải, thêm ít hành ngò trước khi cho nước lèo vào.

Quy trình làm ra một tô bún quậy sẽ bắt đầu khi thực khách gọi món. Đầu tiên chả cá thác lác sẽ được phết vào thành tô một lớp vừa phải, thêm ít hành ngò xanh tươi, kế tiếp cho nước dùng đang sôi vào và đậy nắp trong ít phút cho cá chín tới. Sau đó, chần bún chín cho vào tô, phủ lên lớp cá thác lác mỏng, để thêm vài con bề bề và tôm biển, rắc lên chút xíu hành ngò và tiêu cho dậy mùi.

Với bún quận ở Cần Thơ, nước lèo do không sử dụng gia vị nhiều, hương vị chủ yếu từ vị ngọt của chả tôm, chả cá, chỉ có thêm ít muối ớt và hành tiêu. Thoạt nhìn, bên ngoài tô bún quậy có thể không bắt mắt, nhưng lại cho hương vị rất thanh đạm. Món ăn không thể thiếu rau sống và giá.

Ngoài nguyên liệu tươi ngon, nước chấm được xem là nét độc đáo giúp món ăn thêm thơm ngon, đậm đà.

Khi ăn, lấy một muỗng nước chấm cho vào tô bún, phần còn lại để dành chấm với tôm cá. Từng cọng bún mềm dẻo, vị ngọt tôm, cá hòa quyện vào nước lèo nóng hổi, thêm ít mùi thơm của tiêu, hành ngò khiến thực khách càng ăn càng thích.