Khách du lịch Phú Quốc chỉ nghe Suối Đá Bàn mà chưa đặt chân đến thì thật là tiếc. Bạn đã bỏ lỡ 1 cơ hội tận mắt chứng kiến cảnh hùng vĩ, trù phú của thiên nhiên ban tặng cho Phú Quốc.
Suối bắt nguồn từ núi Hàm Ninh – dãy núi dài nhất và cao nhất trong số 99 ngọn núi trải dài từ Bắc chí Nam của đảo Phú Quốc. Đây cũng là nguồn chính cung cấp nước ngọt cho hồ Dương Đông, với chu vi hơn 3,5 km, độ sâu có chỗ lên tới 20 m, trữ lượng nước vào khoảng 5,5 triệu m3, cung cấp nước sinh hoạt cho cư dân thị trấn Dương Đông.
Nếu như suối Tranh hiền hoà và thơ mộng thì suối Đá Bàn có phần mãnh liệt hơn. Nó có một chút ầm ầm, hùng vĩ của những con thác ở Tây Nguyên, có một chút lãng mạn, xinh xắn của các con suối vùng Tây Bắc. Con suối trong veo, cuộn trào, tung bọt trắng xoá. Ở giữa và hai bên bờ suối có rất nhiều tảng đá to và phẳng tựa như những chiếc bàn tròn ngộ nghĩnh, có lẽ vì vậy mà có tên gọi là Đá Bàn.
Tương truyền, những tảng đá này là nơi các tiên nữ thường ngồi tắm mát mỗi lần hạ giới. Đá tầng tầng lớp lớp đổ dài uốn quanh về phía thượng nguồn. Đến đây vào mùa mưa, khoảng từ tháng 6 đến tháng 9, là lúc dòng suối hùng vĩ nhất. Khách từ phương xa tìm đến cầm lòng không đặng trước vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của rừng, của suối. Đi qua mấy chỗ chỉ có cây rừng, thác nước, nhiều người đã không ngần ngại lần cởi xiêm y, mắc lên nhánh cây rừng cho khỏi ướt rồi nhảy ùm xuống dòng suối mát lạnh.
Trèo lên những tảng đá đi sâu vào thượng nguồn, du khách sẽ được thưởng thức những giai điệu trầm bổng của thiên nhiên. Dưới dòng suối, từng đàn cá bơi lội tung tăng. Đứng bên dòng suối róc rách, cây cối xanh tốt mát rượi, du khách chợt cảm thấy lòng mình thanh thản nhẹ nhàng. Rải rác, từng nhóm người ngồi trên những mỏm đá nghỉ ngơi hay tắm mát trong những cái ụ thiên nhiên trong vắt.
Ven suối là những loại sâm, lan rừng tuyệt đẹp. Đến đây, du khách có thể bơi lội, cắm trại, vui chơi, hội hè giữa thiên nhiên và cây cỏ. Lên đến tận thượng nguồn suối Đá Bàn, chúng ta sẽ gặp một con đường mòn thời kháng chiến mà người địa phương thường gọi là đường Chính Phủ. Trên những gốc cây rừng cổ thụ còn lưu lại những dòng chữ, họ, tên, quê quán của bộ đội khắc vào thân cây trên đường hành quân vào chiến trường.
Đường đến Suối Đá Bàn xa hơn và khó đi so với Suối Tranh. Do đó du khách đến Suối Đá Bàn ít hơn, chủ yếu chỉ là do dân địa phương hoặc những người bạn quen biết dẫn đi chơi. Khách du lịch theo đoàn thì đến đây không nhiều bằng Suối Tranh.
Đến với Suối Đá Bàn với những tảng đá lớn bằng phẳng rất thích hợp do du khách đi cắm trại, bày thức ăn, nước uống. Bạn có thể tắm dưới làng nước mát trong xanh dưới thác nước đổ ầm ầm thật là thú vị. Thường du khách dừng chân ở những tảng đá bằng phẳng để vui chơi nên ít ai chịu khó lội lên xem thác nước cao nhất tại đây, có phần mạo hiểm. Đến với Suối Đá Bàn vào mua mưa bạn phải rất cẩn thận không khéo trượt chân té rất nguy hiểm vì nước ở đây rất sâu và cuốn rất mạnh.
Ảnh:Internet