Đi Đà Nẵng đến với mảnh đất miền Trung luôn biết cách chiều lòng khách du lịch bởi những cảnh đẹp thơ mộng và những món “ăn một lần là nhớ mãi”. Ẩm thực du lịch Đà Nẵng luôn có công thức bí mật để níu chân bất cứ một du khách hay chuyên gia ẩm thực khó tính nào.
Không chỉ vậy, đi Đà Nẵng còn là một trong những địa điểm thu hút khách du lịch hàng đầu Việt Nam. Bãi biển đẹp, xanh ngắt cùng với cát trắng, những khu resort sang trọng, dịch vụ tốt và các công trình kiến trúc “hoành tráng” như cầu Sông Hàn xoay vào nửa đêm, cầu Rồng lộng lẫy hay cầu uyên ương thu hút các cặp đôi đi Đà Nẵng để thực hiện nghi thức “khóa tình yêu” trên cầu… thật sự là những điểm nhấn tuyệt vời làm nên và củng cố vị thế của Đà Nẵng không chỉ ở trong nước mà còn trên thế giới.
Du lịch mà thiếu những trải nghiệm ẩm thực thì chuyến đi không còn trọn vẹn ý nghĩa, đặc biệt là ở một vùng đất nổi danh với nhiều món ăn ngon, đặc sắc như Đà Nẵng. Một khi đã đi Đà Nẵng, bạn đừng quên những món ăn này nhé.
1. Mì Quảng
Vốn là xứ sở của mì Quảng nên dù du khách đi Đà Nẵng ghé bất cứ hàng quán nào cũng đều được thưởng thức những tô mì Quảng ngon và đúng điệu nhất. Sợi mì vàng ươm, cọng to, dai dai mềm mềm, những lát thịt mỏng cực kỳ hấp dẫn được chan một ít nước lèo đậm đà có màu đỏ ngon mắt. Nhìn tô mì bốc khói với những chú tôm tươi đỏ mọng, lòng đỏ trứng vàng ươm kết hợp với màu xanh tươi mát của rau sống và hành thật sự khiến thực khách không thể kiềm nổi cơn đói đang trào dâng. Mì Quảng Đà Nẵng phải ăn kèm với nhiều loại rau sống mới cảm nhận được hết vị ngon đặc biệt của món ăn này.
2. Bánh tráng thịt heo – đường Lê Duẩn, Trưng Nữ Vương
Đây là một món ăn hết sức đơn giản và dân dã nhưng lại có “sức công phá” rất lớn. Thịt heo luộc được xắt thành những lát mỏng còn nguyên ba phần thịt – mỡ – da nóng hổi, đặt vào một miếng bánh tráng mỏng, thêm một nhúm rau sống, cuộn lại và chấm vào chén mắm nêm pha cay xè những lát ớt đỏ siêu thơm. Vị thơm ngon của thịt heo hòa với mùi thơm đặc trưng của mắm nêm – thật là một món ăn khó chối từ.
3. Hải sản – đường Trường Sa, Nguyễn Tất Thành
Đến xứ biển mà chưa ăn hải sản quả thật là một thiếu sót lớn. Hải sản được nuôi trong các bể, hồ ngay tại quán nên thường rất ngon và tươi lâu. Những quán bình dân này nằm ở dọc đường hay dọc bờ biển, thường có không khí thoáng đãng và mát mẻ. Đặc biệt, những món hải sản ở đây luôn gợi cho du khách cảm thấy muốn “chảy nước miếng” với công thức hấp dẫn như: chip chip hấp xả, cua rang me, cháo hàu, mực nướng sa tế, sò điệp nướng hành mỡ…
4. Bún mắm nêm – đường Lê Duẩn, Trần Kế Xương
Bún mắm là món ăn quen thuộc, rẻ tiền của người dân cũng như du khách đi Đà Nẵng, Quảng Nam. Một tô bún mắm nêm đúng chuẩn gồm nhiều nguyên liệu: thịt heo luộc hoặc quay, chả bò, chả heo, nem chua, bún, mắm nêm, rau sống, mít non cắt mỏng, đậu phộng rang cùng nhiều loại rau sống… Nhưng thật ra công thức chế biến lại đơn giản vô cùng: chỉ cần cho tất cả những nguyên liệu ấy vào tô, dọn kèm một chén mắm nêm siêu cay là xong. Khi ấy vị ngọt của bún, thịt, vị thanh của dứa, vị thơm của rau sống, vị cay của ớt, vị nồng của tỏi, vị chua của chanh, vị giòn của bánh tráng, đu đủ bào… kết hợp với vị mắm nêm đặc trưng tạo nên một món ăn cuốn hút du khách đi Đà Nẵng.
5. Gỏi cá đục rau rừng – đường Trần Cao Vân
Dĩa gỏi cá đục với những miếng phi lê cá trong suốt, bóng lưỡng được sắp san sát nhau với một lớp đậu phộng mới rang thơm lừng rải lên trên sẽ là một lựa chọn tuyệt vời cho một ngày dài dạo chơi phố biển. Gỏi cá đục ăn ngon với sự hòa quyện của vị ngọt cá cùng vị chua nhẹ của chanh, đậm đà của muối… khiến cho bạn nhớ về Đà Nẵng mãi không thôi.
6. Bánh tráng đập
Tuy có nguồn gốc xuất xứ từ Hội An nhưng đi Đà Nẵng bạn sẽ thấy nơi đây cũng rất nổi tiếng với món bánh tráng đập. Bánh tráng đập không chỉ ngon ở chiếc bánh được tráng rất mỏng, thanh đều bằng gạo xiệc cùng lá mì trắng, mà món ăn này còn làm du khách phát thèm ở phần nước chấm. Bánh tráng đập phải ăn kèm với nước mắm nhĩ mới “đúng điệu”. Khi ăn bánh tráng đập, du khách đi Đà Nẵng sẽ cảm nhận được vị ngọt của bánh tráng, đậm đà của mắm nhĩ, cay nồng của ớt và một chút thơm hơi béo của tỏi, lại thêm một dĩa hến xào nóng hổi thì còn gì bằng.
7. Bánh bèo, bánh nậm – đường Hoàng Văn Thụ
Là một món đặc sản của “người hàng xóm” là thành phố Huế tuy nhiên bánh bèo, bánh nậm cũng là một món được “săn đón” rất nhiều tại Đà Nẵng. Những chiếc bánh bèo trắng nằm gọn trong chén nhỏ, những chiếc bánh nậm mỏng có màu đỏ ngon mắt tràn ngập vị mát thanh thanh của bột gạo, thơm ngọt của tôm, thịt. Những điều này làm nên sự hấp dẫn của món bánh trứ danh miền Trung này.
8. Cao lầu – đường Nguyễn Chí Thanh
Mới nhìn cao lầu trông giống như mì, nhưng không phải mì. Người ta thường ăn cao lầu với giá trụng nước sôi nhưng không được quá mềm. Thêm ít rau sống, giá trụng đổ ra tô, xếp mì lên trên, thêm vài lát thịt xíu rồi đổ tép mỡ (da heo chiên giòn) và một muỗng mỡ heo rán để sẵn bên lò nước. Với thịt xíu, chỉ dùng thịt heo cỏ, thịt săn chắc, thơm, vừa mỏng da vừa nhiều nạc và nước của nó mới có vị ngọt. Khi ăn, cao lầu cho cảm giác sựt sựt của sợi mì, đủ mùi vị chua, cay, đắng, chát, ngọt của rau sống, hương vị của mắm, bột thơm, nước tương… và tép mỡ vỡ tan trong miệng.
9. Cơm niêu – đường Nguyễn Tri Phương, Phan Bội Châu
Khắp Việt Nam, nhiều địa phương cũng có món cơm niêu chứ không riêng gì Đà Nẵng. Tuy nhiên, điều làm nên sự khác biệt của cơm niêu Đà Nẵng chính là ở những món ăn kèm. Vì là một thành phố biển nên những món ăn kèm với cơm niêu ở Đà Nẵng hầu hết là thủy hải sản được chế biến cả theo phong cách thuần Việt, dân dã đến những “phát kiến” mới. Canh chua cá mú, mực ống độn thịt, tôm sú xào hạt điều, bào ngư nướng mỡ hành… cộng hưởng với những hạt cơm dẻo, ngon, thơm đặc biệt được nấu từ niêu đất – đây chính là điều làm món cơm niêu nhất định phải thử khi đi Đà Nẵng trở nên nổi tiếng.
10. Bánh xèo – đường Hoàng Diệu
Bánh xèo của người miền Trung khá nhỏ, ít nhân, không có màu vàng đặc trưng như bánh xèo ở miền Nam nhưng lại hấp dẫn bởi hương vị thơm ngon. Thông thường bánh xèo phải chấm với nước mắm pha loãng, chua ngọt như miền Nam, thế nhưng, một số quán ở Đà Nẵng thì có cách làm đặc biệt hơn, nước chấm từ gan heo, gan gà xay nhuyễn, hầm nhừ, trộn với ít bột năng nên nước chấm dẻo dẻo. Chiếc bánh xèo nóng hổi, giòn rộm vô cùng hấp dẫn quện cùng nước chấm đủ các vị bùi bùi, béo béo của gan, vị giòn giòn của đậu phộng rang nhỏ, vị thơm của nấm mèo, thịt băm nhuyễn, ăn kèm rau sống tươi ngon thì thật tuyệt vời.