Làng dân tộc Seongeup là một trong những địa điểm du lịch Hàn Quốc khó có thể bỏ qua khi tới Jeju, đây được xem là một bảo tàng sống tại Jeju.
Đảo Jeju (du lịch Hàn Quốc) được biết đến như thiên đường của biển và núi, vô cùng thơ mộng và lãng mạn nhưng hãy tạm dừng với không gian gió và biển, hãy cùng ghé thăm ngôi làng dân tộc Seongeup để hòa mình vào khung cảnh thanh bình, yên tĩnh nơi đây.
Lịch sử về làng dân tộc Seongeup
Làng dân tộc Seongeup là bảo tàng sống ngoài trời tái hiện lại một cách sinh động cuộc sống của người nông dân Hàn Quốc cách đây vài thế kỷ.
Đón khách tham quan từ ngày 3/10/1974, làng dân tộc Seongeup từng là thủ phủ của bộ tộc Cheongeui – Hyeon, không chỉ nổi tiếng với những ngôi nhà xuất hiện dưới triều đại Joesen, nơi lưu giữ nét văn hóa dân tộc truyền thống của người nông dân Hàn Quốc mà còn nổi tiếng bởi phần lớn bổi cảnh chính trong bộ phim “Nàng Dae Jang Geum” nổi tiếng của sứ sở kim chi.
Giới thiệu về làng dân tộc Seongeup
Tạm gác lại những mệt mỏi, lo toan trong cuộc sống, du khách du lịch Hàn Quốc có thể đến với làng dân tộc Seongeup để cảm nhận cuộc sống thanh bình của người nông dân Hàn Quốc thời xưa và ngắm nhìn những ngôi nhà truyền thống nhỏ bé, tận mắt thấy những hiện vật được lưu giữ hàng nghìn năm, lắng nghe những câu chuyện, những tập quán để hiểu hơn về cuộc sống, văn hóa của người dân thời xưa trên hòn đảo Jeju của du lịch Hàn Quốc xinh đẹp.
Những ngôi nhà bán đồ lưu niệm hay những trụ sở quản lý làng nơi đây đều được xây dựng theo mô hình nhà của người dân trên đảo thời xa xưa. Một chiếc thuyền đánh cá lớn được dựng ở sân gần cổng vào đã cho ta biết được nghề mưu sinh chủ yếu của người dân nơi đây.
Những con đường nhỏ uốn lượn trong làng khá tĩnh lặng, hai bên đường cây cối xanh tươi, những loại hoa đầy màu sắc cũng chen nhau đua nở. Những đồ dùng sinh hoạt, sản xuất hay vật nuôi được người dân bày rải rác trong khuôn viên làng khiến người ta cảm giác như cuộc sống vẫn đang diễn ra nơi đây.
Nằm dưới những tán cây lưu niên là hàng trăm ngôi nhà truyền thống từng là nơi ở của các tầng lớp thượng lưu, trung lưu và tầng lớp dưới đều được lợp bằng tranh dày trông như những cái nấm khổng lồ. Những ngôi nhà nhỏ, tường xây bằng đá đen có sẵn ở Jeju – là những lớp nham thạch do phun trào núi lửa. Xen lẫn là những ngôi nhà cổ, đền thờ tôn giáo, trường học có mái lợp ngói đen cao vút. Xung quanh còn có những công trình phụ trợ như: nhà bếp, vườn rau, chuồng gia súc hay những chum vại của những người dân nghèo.
Tường rào của những ngôi nhà ở đây cao khoảng 50cm và đều được xếp bằng đá, điều kì lạ là không ngôi nhà nào có cửa cổng, đây cũng là nét đặc biệt của Jeju thời trước. Trước cửa chính vào sân thường có hai tảng đá lớn khoét lỗ hai bên để đặt những thanh chắn ngang cửa. Vị trí đặt của những thanh chắn là thông điệp của chủ nhà về sự hiện diện của mình: 1 thanh – đang có trẻ con trong nhà, tôi sẽ về sớm; 2 thanh – tôi đi vắng từ sáng đến chiều; 3 thanh – tôi đi vắng vài ngày. Khi tới đây tham quan du khách còn được tìm hiểu thêm về việc học hành và những hình phạt được các triều đại xưa áp dụng.
Để phát triển nơi này thành địa điểm du lịch văn hóa, chính phủ Hàn Quốc đã ban hành chính sách ưu đãi giữ chân người dân ở lại làng như: miễn phí tiền học, tiền điện, nước theo định mức cho phép. Nên khi tới làng dân tộc Seongup vẫn có cư dân sinh sống là làm nghề truyền thống, bạn sẽ được gặp gỡ và trò chuyện với họ.