Du lịch Huế mua phấn nụ hoàng cung dưỡng da giá rẻ

Phấn nụ vốn có nguồn gốc từ cung đình nhưng sau đã được sản xuất rộng rãi cho mọi người sử dụng. Đây chắc chắn là món quà thích hợp để mua khi du lịch Huế.

1352

Ngày nay có lẽ không còn nhiều người biết đến phấn nụ trừ khi du lịch Huế ghé thăm các ngôi chợ, đặc biệt là chợ Đông Ba. Bạn sẽ tìm được loại phấn “thần thánh” từng được các cung phi, hoàng hậu sử dụng. Nói đến đây chắc bạn cũng đoán được chất lượng tốt miễn bàn của phấn nụ rồi nhỉ. Bạn có thể mua thử vài hộp về làm quà sau chuyến đi Huế.

du lịch huế
Sưu tầm

Phấn nụ là loại mỹ phẩm đặc biệt ra đời không lâu sau khi nhà Nguyễn được thành lập năm 1802. Đầu thế kỷ 19, Huế được chọn là kinh đô, giữa bộn bề việc triều cương, quốc sự, chốn hậu cung vẫn có nhu cầu không thể thiếu là làm đẹp cho hoàng hậu, cung tần, mỹ nữ.

Khi đó, các ngự y cung đình Huế dày công nghiên cứu, bào chế ra một loại phấn mát lành làm từ cao lanh hảo hạng và các loại thảo dược thiên nhiên.

Công thức làm phấn nụ được giữ bí mật, mỗi thời chỉ giao cho một cung nữ được tin cẩn bào chế. Tương truyền, các mỹ nữ trong cung đình Huế xưa đều dùng Phấn nụ để trang điểm và dưỡng da, phấn lành tính, mát dịu, càng dùng lâu càng đẹp da.

Có một tôn chỉ bất thành văn trong việc chăm sóc sắc đẹp cho các bậc Mẫu Nghi, đó là tính “an toàn” và “hiệu quả”. Chính vậy mà Phấn nụ Hoàng Cung, khi trải qua các công đoạn bào chế công phu của người thị nữ cùng bài thuốc tâm huyết của ngự y đã nghiễm nhiên trở thành một báu vật được nâng niu, gìn giữ.

Sưu tầm
Sưu tầm

Từ Cung hoàng thái hậu, mẹ của vua Bảo Đại nhờ dùng Phấn nụ mà đến 104 tuổi da vẫn trắng mịn, hồng hào, không một đốm tàn nhang, đồi mồi.

Thời thế thay đổi, năm 1945, khi nhà Nguyễn sụp đổ, chấm dứt chế độ phong kiến tại Việt Nam, các cung nữ được xuất cung trở về đời sống thị dân. Người cung nữ giữ bí quyết làm Phấn nụ để có kế mưu sinh và giữ nghề không mai một, sau nhiều trăn trở, bà quyết định làm Phấn nụ bán rộng rãi cho dân chúng.

Từ một loại mỹ phẩm hoàng cung chỉ dành riêng cho những bậc “lá ngọc cành vàng”, Phấn nụ bước ra đời thường, tô điểm nhan sắc cho các người đẹp xứ Huế và được đón nhận nồng nhiệt, nổi danh khắp xứ kinh kỳ dạo ấy. Nhìn lại hành trình của Phấn nụ, đã có người cảm khái viết rằng:

“Cung son đã phủ rêu xanh

Còn viên phấn nụ mong manh giữa đời”

Người cung nữ giữ bí quyết làm phấn nụ sau đó truyền nghề lại cho con gái mình là bà Trần Thị Thiểu. Bà Thiểu sau khi lấy chồng, theo phong tục Huế, được gọi theo tên chồng là bà Hường. Thời ấy, đến Huế hỏi Phấn nụ bà Hường không ai là không biết.

Nghề làm Phấn nụ có nguyên tắc là chỉ truyền nghề cho con gái, không truyền cho con trai hay con dâu. Người con gái được truyền nghề phải có tính tình dịu dàng, đằm thắm, kiên trì, chịu thương chịu khó mới làm được Phấn nụ. Nghề làm phấn vất vả lại đòi hỏi công phu, tỉ mỉ, ai không có tâm sáng, thích chạy theo lợi nhuận sẽ làm ra sản phẩm không đạt chất lượng.

Ngày đó, dù triều Nguyễn không còn, nhưng vì lòng kính trọng và biết ơn, bà Hường vẫn thường làm Phấn nụ để dâng lên Từ Cung thái hậu. Từ nhỏ, người con gái Trần Thị Phương thường được cùng mẹ diện kiến Từ Cung hoàng thái hậu. Chính đức Từ Cung đã chọn bà Trần Thị Phương làm cháu dâu bởi nét đẹp đoan trang, hiền dịu, nết na.

Năm 1975, bà Trần Thị Phương theo chồng vào sinh sống tại Sài Gòn. Lúc bấy giờ cuộc sống chưa ổn định, nhiều khó khăn nên bà không làm Phấn nụ.

Sau này, những đồng hương người Huế đã quen dùng Phấn nụ lâu năm vào Sài Gòn sinh sống cứ hỏi mãi và nhờ bà làm Phấn nụ trở lại cho họ dùng.

Đến năm 1980, bà Phương chính thức làm Phấn nụ trở lại để bán cho cộng đồng người Huế ở Sài Gòn. Tiếng lành đồn xa, Phấn nụ dần được nhiều người biết đến, ngôi nhà nhỏ của bà Phương lúc nào cũng tấp nập người ra vào hỏi mua Phấn nụ.

Sưu tầm
Sưu tầm

Chỉ có khí hậu và nguyên liệu ở Huế mới cho ra loại Phấn nụ tốt nhất. Thế nên năm nào bà Phương cũng phải về Huế để làm Phấn nụ mấy tháng. Nguyên liệu chính để làm Phấn nụ gồm cao lanh trắng hảo hạng không lẫn tạp chất, hơn 10 vị thuốc Bắc và các loại hoa có tác dụng dưỡng, làm mát da.

Để kiểm soát chất lượng nguyên liệu đầu vào, bà Phương chỉ đặt mua thảo dược, hoa sạch ở các gia đình quen biết chuyên cung cấp nguyên liệu làm Phấn nụ cho cung đình ngày xưa. Một số nguyên liệu, vị thuốc được mua thêm để ngụy trang nhằm giữ bí mật công thức làm Phấn nụ.

Nguyên liệu đầu vào đảm bảo do người quen cung cấp, nhưng vẫn phải lựa chọn kỹ lưỡng lần nữa. Nhiều khi phải bỏ cả 1/3 nguyên liệu, chỉ giữ lấy phần tốt nhất để làm phấn. Nước làm Phấn nụ phải là nước trời, tức nước mưa Huế hứng từ những cơn mưa sạch giữa mùa, được lọc, lắng cẩn thận.

Để có được một mẻ phấn tốt, hạt phấn nhẹ tênh, mịn màng, quá trình làm rất nhọc nhằn, công phu phải qua hơn một tháng mới xong. Các công đoạn gạn đục, khơi trong, phơi sương, ủ nắng, nhào trộn, tạo hình, ướp hương hoa đều phải tuân theo nguyên tắc hết sức nghiêm ngặt.

Chỉ cần sơ suất ở một khâu là cả mẻ phấn phải bỏ đi nên người làm phải hết sức cẩn thận, phấn thường được làm ban đêm để người làm tĩnh tâm, ít bị người khác chú ý làm xao lãng.

Hiện nay, bà Trần Thị Phương đã lớn tuổi, bà có hai người con trai và một con gái út là Nguyễn Phương Khanh. Cô con gái là người được truyền nghề và trở thành truyền nhân đời thứ tư của nghề làm Phấn nụ Hoàng cung nên được mẹ chú ý dạy dỗ, uốn nắn từ nhỏ.