Ngất ngây trước 5 làng bản đẹp mãn nhãn ở Sa Pa

340

Du lịch Sapa thu hút du khách không chỉ bởi phong cảnh núi rừng hùng vĩ, những món ăn độc đáo mà còn bởi sự đa dạng của các tộc người sống tại đây. Và để khám phá được hết nét đẹp thiên nhiên, nét đẹp trong lối sống sinh hoạt của người dân tại Sapa thì bạn nhất định phải ghé thăm 5 làng bản dưới đây.

1. Bản Cát Cát

Bản Cát Cát nằm cách trung tâm thị trấn Sapa tầm 2km, đây là nơi sinh hoạt lâu đời nhất của tộc người Mông. Bởi vì ở Cát Cát có một thác nước vô cùng đẹp được người Pháp gọi là CatSCat chính vì vậy cái tên của bản đã ra đời từ đây.

Du lịch Sapa
Thác nước mà bạn sẽ bắt gặp trên đường vào bản Cát Cát

Khi đến với bản Cát Cát, bạn sẽ ngỡ như mình đang lạc trôi về với những ngày tháng xa xưa, những ngày tháng đã rất lâu rồi mà bạn chẳng thể tìm được ở bất kì đâu. Cuộc sống ở đây không hiểu sao lại giản dị và đẹp đẽ đến vậy? Bạn không chỉ sững sờ trước màu sắc trầm ấm của bản làng mang lại cho bạn mà còn trước phong cảnh tuyệt đẹp của Cát Cát – đấy là những ngọn núi xa xa, là ruộng bậc thang được xếp đặt tài tình, là những mái nhà đơn sơ có con trẻ đang vô tư nô đùa, có người mẹ đang mải mê dệt những tấm vải màu sắc bên khung cửi.

Một Cát Cát dịu dàng làm bản thân vì nó mà nhẹ lòng lạ lùng

Bạn nên đến bản Cát Cát vào khoảng thời gian đầu năm để có thể tham vào lễ hội Gầu Tào – một trong những lễ hội thể hiện được đời sống văn hóa tâm linh của tộc người Mông. Khi đến đây, bạn nhớ đừng quên thưởng thức đặc sản của nơi đây như: rượu ngô, tiết canh gà, nhái nấu măng, thắng cố, bánh ngô….

2. Bản Tả Phìn

Bản Tả Phìn nằm cách trung tâm thị trấn Sapa tầm 12km, đây là nơi ở chủ yếu của dân tộc Dao đỏ và H’mong.

Những nếp nhà được ruộng đồng ôm trọn vào lòng

Có lẽ thành đặc trưng của Sapa rồi, đi đến bản làng nào ta cũng thấy sự xuất hiện của ruộng bậc thang xuất hiện quanh những mái nhà giản dị của các tộc người ở đây nhưng chẳng hiểu sao ở mỗi một làng bản nó lại có những nét đẹp không lẫn đi đâu được. Nếu như ở bản Cát Cát là chút gì đó mộc mạc thì ở Tả Phìn lại có cái nét thân quen, có nét thoáng buồn, có nét gì đó khiến người ta nao lòng mỗi khi đến. Nhưng có khi chính vì cái nét buồn dịu nhẹ ấy lại thu hút rất nhiều du khách đến với bản, đến để trải nghiệm cảm giác được là người Dao đỏ một lần, để một lần thật sự tìm hiểu về phong tục tập quán, về lối sống của người dân.

Tả Phìn vẫn còn mộc mạc, dạn dĩ lắm

Đến với Tả Phìn bạn nhớ ghé qua tu viện cổ Tả Phìn – một tu viện mang đậm màu sắc kiến trúc phương Tây vào cuối thế kỉ 19 hay các hang động chứa đầy những bất ngờ bên trong nhé. Còn một điểm nữa mà bạn nhất định phải thử ngoài đặc sản nơi đây ra thì đó là tắm lá thuốc của người Dao đỏ – việc tắm lá thuốc trong thùng gỗ sẽ giúp bạn giảm bớt căng thằng và tâm trí của bạn cũng vì hương thuốc mà đỡ mệt mỏi đi đấy.

3. Bản Tả Van

Dọc theo quốc lộ 4D về phía Đông Nam, cách thị xã Sapa khoảng 8 km đó là bản Tả Van – nơi sinh sống của người Giáy. Con đường đến bản Tả Van khá nhỏ và hẹp nhưng bù lại cảnh sắc hai bên đường thì miễn chê, chụp chán tay thì bạn cũng không chụp hết được nét đẹp mà những ruộng bậc thang màu mỡ những nương ngô xanh mơn mởn mang lại đâu.

Cuộc sống yên bình của người dân Tả Van bên ruộng lúa của mình

Chịu khó để ý một xíu là bạn sẽ thấy những ngôi nhà của dân bản được dựng ngay cạnh bên ruộng bậc thang – cảm giác như chỉ cần đi theo những bậc thang đó là bạn sẽ chạm tay tới được bầu trời cao xanh trên kia. Nếu như bạn đến đây vào mùa gặt tầm cuối tháng 9 thì hương lúa chín sẽ thoang thoảng theo gió mà theo bước chân bạn cho đến hết hành trình khám phá bản làng. Ngủ lại một đêm lại Tả Van cũng là một điều hay ho không kém gì việc dùng đôi chân trần đi men theo con suối rồi mỉm cười nhẹ nhàng với dân cư ở đây đâu.

Cây cầu bắc qua con suối nhỏ ở Tả Van

Khi ngủ lại một đêm ở nhà dân bạn mới có cơ hội khám phá hết những phong tục, lối sống giản dị và đặc biệt là người dân cực kì thân thiện luôn, họ đối xử với bạn bằng cả tấm lòng chân chất của mình, mang cho bạn những gì ngon nhất mà họ có, để bạn phần nào cảm nhận hết được cái tình của mảnh đất trên vùng cao Tây Bắc này.

4. Bản Hồ

Bản Hồ cách trung tâm thị trấn Sapa 30km về phía tây nam – khi đến bản Hồ bạn có thể cảm thấy thời tiết ở nơi đây ấm hơn bản Tả Van và Tả Phìn rất nhiều, nhiệt độ trung bình vào khoảng 18 – 25 độ C.

Ở bản Hồ những mái nhà mọc lên gần nhau hơn so với các bản khác của Sapa – Nguồn ảnh: Glenn Phillips

Tại bản Hồ, bạn sẽ vì bầu không khí ấm cúng và thân thiện của các gia đình bản địa mà thấy cuộc sống nhẹ nhàng, bớt sân si hơn rất nhiều. Vào buổi sáng, bạn nên đi tham quan Vườn Quốc gia Hoàng Liên, nơi có nhiều loài thực vật và động vật phong phú. Bởi vì khí hậu ở bản Hồ nóng hơn các khu vực khác vào buổi chiều, sau khi trở về từ rừng, bạn hãy thử ngâm minh trong suối Lave xem – bao mệt nhọc của chuyến đi đều sẽ được dòng suối mát lạnh gột sạch.

5. Bản Sín Chải

Bản Sín Chải thuộc xã San Sả Hồ nằm cách xa trung tâm thị trấn Sapa khoảng 4km. Đây là một ngôi làng chưa bị “du lịch hóa” vì vậy nó vẫn còn giữ được nét hoang sơ vốn có. Dân cư chủ yếu ở đây là người Mông đen với dân số khoảng 1400 người. Bên cạnh việc trồng lúa và ngô thì người dân Sín Chải còn trồng thêm thảo quả trên những sườn núi để kiếm thêm thu nhập.

Bản Sín Chải nhìn từ xa

Sín Chải là một trong bảy bản làng của Tả Giàng Phình, nằm ở vùng cực Bắc của huyện Sapa. Trong 127 gia đình tộc người Mông với 624 cư dân, có rất nhiều người cao tuổi, trong số những người nhiều tuổi thì phải nói đến phụ nữ Sín Chải. Đến nơi, khách du lịch tò mò về bí mật của tuổi thọ của người dân, đặc biệt là lý do tại sao phụ nữ sống lâu hơn nam giới nhưng người dân bản chỉ biết giải thích rằng đó là do di truyền học, không khí trong lành, nước tinh khiết, trái cây không nhiễm bẩn và rau quả phát triển tự nhiên.