Các món bánh của du lịch Nhật Bản thường nổi tiếng toàn thế giới bởi hương vị tinh tế cùng cách chế biến đậm tính nghệ thuật.
Ẩm thực Nhật Bản bấy lâu nay vẫn luôn được biết đến với sự tỉ mỉ khéo léo của người đầu bếp để chế biến ra những món ăn có vẻ ngoài đơn giản, đẹp mắt cùng hương vị tinh tế. Ngoài những món như sushi, ramen, miso, món tráng miệng đầy tính nghệ thuật tên Wagashi cũng rất nổi tiếng trên toàn thế giới. Wagashi là từ dùng để chỉ những món bánh tráng miệng nghệ thuật, có vẻ ngoài là những loại hoa lá, được làm từ nguyên liệu đại diện cho bốn mùa và thể hiện triết lý hòa hợp với thiên nhiên của người Nhật. Mỗi địa phương tại Nhật Bản lại có những loại Wagashi khác nhau, và Yatsuhashi là món tráng miệng đặc sắc của cố đô cổ kính Kyoto.
Yatsuhashi là món bánh ngọt phổ biến bậc nhất tại Kyoto, có mặt trong mọi quán trà và là món quà lưu niệm thường được mua bởi những vị khách du lịch. Món bánh này đã có một lịch sử rất lâu đời, từ tận thế kỷ XV, và đã luôn gắn bó với người dân Kyoto kể từ đó.
Yatsuhashi được sáng tạo ra bởi Yatsuhashi Kengyo, một nhạc sĩ sống trong thời kỳ Edo. Ông sử dụng bột gạo, bột quế và nhân đậu đỏ, gói chúng lại thành chiếc bánh hình tam giác, giống như những khuông trên cây đàn Koto – một loại nhạc cụ truyền thống của Nhật Bản. Ban đầu, mọi người chỉ gọi chúng là “bánh nếp”, nhưng sau khi người nhạc sĩ tài hoa qua đời thì món bánh đã được mang tên ông – Yatsuhashi.
Yatsuhashi được làm từ những nguyên liệu có phong vị “rất Nhật Bản”, là bột nếp, quế, đậu đỏ, bột trà xanh, vừng đen, hoa anh đào. Bánh Yatsuhashi dẻo và mềm như bánh mochi, bên trong là nhân đậu đỏ hầm ngọt ngào. Lớp vỏ ngoài của Yatsuhashi truyền thống gồm bột gạo nếp và bột quế, nhưng ngày nay Yatsuhashi trà xanh và vừng đen cũng rất được ưa chuộng. Một số quán hàng xe đẩy còn nướng Yatsuhashi lên, khiến món bánh này phồng lên, giòn rôm rốp và trở thành một món ăn đường phố thú vị.
Yatsuhashi có cách làm rất đơn giản, với phần nhân đậu đỏ hầm và lớp vỏ bột nếp. Bột nếp được trộn cùng bột quế, bột trà xanh hoặc bột vừng đen, thêm nước và được hấp chín, sau đó tiếp tục nhào cho đến khi khối bột vừa dẻo vừa mềm. Bột sau đó sẽ được cán mỏng, cắt miếng hình vuông, gói vào trong đó nhân đậu đỏ và gấp đôi lại để tạo thành hình tam giác. Tưởng chừng như đơn giản, nhưng không phải ai làm Yatsuhashi cũng đều ngon cả. Để làm ra được những chiếc bánh xinh xắn và có hương vị hoàn hảo, một người thợ phải theo học nghề từ rất sớm và phải mất 3 – 5 năm rèn luyện mới có thể coi là “có nghề” được.
Dù ngày nay, Yatsuhashi được coi như là một loại Wagashi và có mặt ở khắp nơi trên đất nước Nhật Bản, nhưng tại chính cố đô Kyoto – quê hương của món bánh này, bạn mới có thể tìm thấy Yatsuhashi có hương vị tinh tế nguyên bản từ những cửa hàng có tuổi đời lên đến hàng thế kỷ. Những cửa hàng bán Yatsuhashi nổi tiếng nhất tại Kyoto có thể kể đến Izutsu Yatsuhashi, được mở cửa vào năm 1805, Honke Nishio đã duy trì cửa hàng từ năm 1678, hay mới nhất là Otabe cũng có tuổi đời lên đến 72 năm. Những cửa hàng này không chỉ có Yatsuhashi ngon mà còn bán nhiều loại bánh kẹo Nhật truyền thống khác.