Bánh nậm là một món được nhiều du khách đi Huế lựa chọn. Dù rằng món này ở đâu cũng bán, chẳng cần chi phải du lịch Huế xa xôi mới có thể thưởng thức. Vậy mà chẳng hiểu sao người ta vẫn cứ nhất quyết phải ăn cho bằng được bánh nậm đúng “chuẩn” tại Huế.
Ai đã từng một lần đến Huế và được thưởng thức các món đặc sản từ ẩm thực cung đình đến các món trong dân gian chắc hẳn sẽ không thể nào quên món bánh nậm giản dị cùng nụ cười hiền hậu của các o, các mạ trước những người khách đến từ phương xa.
Tại Huế, bánh nậm được bày bán khắp nơi. Chỉ cần lang thang trong các khu phố hay dạo quanh các ngã chợ, bạn sẽ không khó để tìm thấy những quán hàng rong có bánh nậm. Một trong những nơi được nhiều du khách biết đến là các lò làm bánh nậm tại TT.Phú Lộc (H.Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế). Trung bình mỗi ngày các hộ cho ra đời hàng ngàn chiếc bánh, không chỉ bán lẻ cho khách du lịch mà còn bỏ sỉ ở các chợ trong và ngoài tỉnh. Những chuyến xe đường dài xuôi vào nam, ra bắc thường dừng lại để vận chuyển những mẻ bánh nậm đi xa ngàn dặm.
Nhìn những chiếc bánh xinh xinh với sắc trắng quyến rũ bao lấy phần nhưn đỏ, hồng khéo léo nằm giữa trông như một tác phẩm nghệ thuật, đến khi được tận hưởng vị ngon đậm đà hẳn ai cũng cảm nhận được một phần lý do tại sao bánh nậm Huế được nhiều khách thập phương biết đến và chọn mua làm quà cho người thân.
Cũng được làm từ bột gạo, bột năng, tôm… nhưng cầu kỳ từ việc chọn nguyên liệu cho đến hấp bánh, nên bánh nậm ở Huế có hương vị và cách trình bày riêng, không giống các nơi khác. Tôm để làm nhưn bánh được các o, các mạ chọn loại còn tươi nguyên, sống ở cửa sông, vừa rẻ lại đậm đà vị phù sa của đồng ruộng. Tôm mang về cắt bỏ đầu, đuôi, làm cho sạch sẽ. Tỉ mỉ băm nhỏ từng con tôm rồi ướp cùng thịt băm, chút gia vị, tiêu chừng mươi phút cho thấm. Bắc chảo phi thơm dầu với hành tỏi rồi cho tôm, thịt vào xào thật nhanh tay để tôm, thịt tơi nhỏ không vón cục. Nêm nếm sao cho vừa miệng. Cho thêm bột màu điều vào để nhưn có màu đỏ đẹp. Khi nhưn chín, tơi ráo thì tắt bếp, thêm hành đã cắt thật nhỏ vào.
Khâu quyết định đến dáng hình và màu sắc của bánh là khuấy bột. Bột được khuấy thật kỹ với tỷ lệ nước phù hợp sao cho dẻo, mịn màng, không bị lợn cợn, rồi cho tất cả vào nồi bắc lên bếp hạ nhỏ lửa. Vừa nấu vừa khuấy nhanh tay cho tới khi bột hơi sánh lại thì tắt bếp.
Khâu tạo hình và gói bánh cũng khá quan trọng. Lá dong rửa sạch, để ráo. Hơ lá trên lửa trước khi quét xíu dầu phộng. Khéo léo múc từng phần khối nhỏ bột đặt vào giữa lá, dùng tay dàn mỏng bột. Cho tiếp nhưn vào giữa bột. Cẩn thận gấp hai bên lá lại thành hình chữ nhật cho kín và vuông vức. Ép nhẹ bánh tràn đều ra. Cuối cùng xếp những chiếc bánh nậm xinh xắn vào nồi hấp cách thủy, chừng mươi lăm phút là bánh chín.
Khách du lịch, sau khi đã rong ruổi từng con phố, vãn cảnh đình, chùa hay thả hồn bên dòng sông Hương… phải tìm bằng được bánh nậm xứ Huế thưởng thức để một lần nữa tận hưởng thêm sự tinh túy của con người nơi vùng đất kinh kỳ này.