Du lịch Hà Nội có những ngôi chùa nổi tiếng tâm linh thu hút rất nhiều du khách đến hành hương, chiêm bái; đặc biệt là mùa lễ Vu Lan sắp tới.
1. Phủ Tây Hồ
Địa chỉ: Đường Xóm Chùa, Quảng An
Phủ Tây Hồ là một trong những chốn linh thiêng nổi tiếng bậc nhất Hà Nội, thường xuyên được du khách gần xa tìm đến quanh năm. Mùa lễ Vu Lan, Phủ Tây Hồ dường như được quan tâm hơn nữa. Nơi đây thờ cúng Bà chúa Liễu Hạnh, một bà mẹ chung của người dân đất Việt, là người tài sắc song toàn, đảm lược, lòng lành và đức độ, là một trong bốn bộ tứ bất tử của dân tộc ta (Sơn Tinh, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Liễu Hạnh).
Không những thế, Phủ Tây Hồ còn tọa lạc trên một vị trí cực kỳ đẹp, hiếm có. Nằm ngay vị trí trung tâm đô thành tưng bừng, rộn ràng nhưng đến với Phủ bạn như được lạc trong bầu không khí hoàn toàn khác. Đến Phủ Tây Hồ, không những là để tỏ lòng thành kính, thực hiện những nghi thức tâm linh mà đây còn là nơi để thư giãn tinh thần, thăm một thắng cảnh đẹp. Phủ Tây Hồ có nước mây thoát tục, đắm chìm trong không gian của chốn thanh tịnh vắng lặng, lòng quên hết phiền muộn ru hồn mình vào mong ước tốt đẹp hơn. Đây quả thực là chốn linh thiêng mà mọi người nên tìm đến mỗi dịp lễ Vu Lan về.
2. Chùa Quán Sứ
Địa chỉ: 73 Quán Sứ, Trần Hưng Đạo
Theo phong tục hằng năm, tại chùa Quán Sứ, lễ Vu Lan diễn ra từ ngày 11/7 đến 14/7 âm lịch. Vào những ngày này, đông đảo du khách thập phương và phật tử đến để dâng hương, tỏ lòng biết ơn đến Đức Phật và báo hiếu cha mẹ hay cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ, những người có công với đất nước.
Chùa Quán Sứ thờ Phật, khu hậu đường thờ quốc sư triều Lý là Thiền sư Khuông Lộ. Trong khuôn viên ngôi chùa cổ này, ngoài các cơ quan của Hội Phật giáo còn một thư viện rất lớn, nơi đây lưu giữ nhiều sách Phật giáo. Đến đây, ngoài việc hành hương cửa phật bạn có thể tìm hiểu thêm về đạo Phật và kinh thánh. Điều đặc biệt nhất tại ngôi chùa này đó là pho tượng của hòa thượng Thích Thanh Tứ được làm hoàn toàn bằng sáp với dáng vẻ tương đối giống như người thật. Chùa Quán Sứ là nơi diễn ra những sự kiện Phật giáo lớn của Việt Nam, đồng thời đây cũng là nơi thường xuyên lui tới của nhiều du khách nước ngoài.
3. Chùa Trấn Quốc
Địa chỉ: Đường Thanh Niên, Yên Phụ
Được mệnh danh là danh thắng bậc nhất kinh kỳ, tọa lạc trên một hòn đảo nhỏ phía Tây Nam của Tây Hồ, chùa Trấn Quốc không chỉ là điểm đến tâm linh, nơi này còn ẩn chứa nhiều thắng cảnh đẹp say lòng. Đến chùa Trấn Quốc, thành tâm cầu nguyện bình an, hạnh phúc cho gia đình và những người thân yêu chắc chắn sẽ khiến bạn nhẹ lòng hơn rất nhiều. Ngoài ra, cũng đừng bỏ lỡ ngắm cảnh sắc non nước tuyệt đẹp tại đây.
Trải qua khoảng 1.500 năm lịch sử, ngôi chùa cổ hiện còn lưu giữ được khá nhiều hiện vật có giá trị quý như bộ tượng thờ ở thượng điện. Đây là một trong những pho tượng được phác họa tỉ mỉ, trau chuốt và mang nét đẹp đặc trưng riêng biệt không nơi đâu có được. Đáng chú ý nhất là pho tượng Thích Ca nhập Niết bàn được nhiều người đánh giá là bức tượng Niết bàn đáng giá tại Việt Nam. Với những giá trị thiêng liêng quý giá đó, mà chùa Trấn Quốc luôn trở thành điểm đến lý tưởng của du khách những ngày mồng một, ngày rằm hay những ngày lễ lớn để hành hương và vãn cảnh.
4. Chùa Phúc Khánh
Địa chỉ: Ngã Tư Sở, Thịnh Quang, Đống Đa
Là một ngôi chùa có diện tích khá nhỏ bé nhưng cứ vào dịp rằm tháng bảy, hay các ngày mồng một, ngày rằm trong năm, chùa Phúc Khánh vẫn đón nhận cả ngàn người tới lễ bái. Chùa Phúc Khánh còn được biết đến với tên gọi là chùa Sở hay chùa Thịnh Quang, nơi đây được rất nhiều người lựa chọn là nơi lễ Phật cầu an, cúng sao giải hạn, cầu siêu cho những linh hồn đã khuất. Nhiều người tin tưởng rằng, Phúc Khánh là một ngôi chùa thiêng liêng, tâm linh và tới đây cúng khấn sẽ khiến tâm an, thuận lợi và bình yên.
Tuy nhiên, vào dịp rằm tháng bảy, chùa Phúc Khánh rất đông người đến cúng bái, hành hương cửa Phật, vì vậy, bạn nên đến sớm để tránh tình trạng chen chúc.
5. Chùa Láng (Chiêu Thiền Tự)
Địa chỉ: Làng Láng, Láng Thượng
Chùa Láng được lưu truyền nhiều năm, được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa, xây dựng từ thời vua Lý Thần Tông. Nơi đây được lưu truyền ngàn đời là một ngôi chùa có phương dấu anh linh mãi còn muôn thuở. Người dân đến cầu khấn thì người khỏe, của nhiều, trăm lộc, trăm phúc, đủ điều phúc, thọ, khang, ninh. Chính vì thế mà hằng năm, mỗi dịp rằm tháng bảy, người dân địa phương nô nức kéo nhau đến nơi đây để khấn bái và tìm sự bình an trong tâm hồn.