Du khách du lịch Đà Nẵng chắc hẳn cũng biết đến sông Hàn rất nhiều cùng với những cây cầu bắc qua con sông này khá nổi tiếng như cầu quay sông Hàn, cầu Rồng,… So với những cây cầu nổi tiếng này, cầu treo Thuận Phước dường như mang trong mình vẻ đẹp trầm lắng hơn nhưng lại khiến du khách gần xa lưu luyến hơn bởi nét tinh tế của nó.
- Tham khảo danh sách khách sạn Đà Nẵng
- Tham khảo danh sách resort Đà Nẵng
Khi những cây cầu với những kiến trúc độc đáo được xây dựng như cầu Rồng hay cầu Trần Thị Lý thì du khách lại có thêm nhiều điểm thăm quan mới để khám phá nhưng không vì thế mà cầu Thuận Phước bị “thất sủng”. Khi mà cầu Rồng được xem là biểu tượng mới của địa điểm du lịch Đà Nẵng thì cầu Thuận Phước vẫn âm thầm đóng một vai trò quan trọng, là dải lụa nối liền đôi bờ sông Hàn, mang trong mình một nét đẹp lộng lẫy nhưng rất đỗi hiền dịu, làm xao xuyến bất kỳ du khách nào khi đến tham quan.
Cầu Thuận Phước được khởi công xây dựng từ năm 2003 và mất gần 6 năm xây dựng mới hoàn thành. Cầu có chiều dài gần 2km và có vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng. Đây là một trong những cây cầu treo dây võng dài nhất Việt Nam. Cầu có chiều rộng gần 20m, có 4 làn xe ô tô với hệ thống đèn chiếu sáng hiện đại, cầu Thuận Phước không chỉ giúp người dân trong việc giao thông thuận tiện mà còn kết nối giao thương, tạo đà phát triển cho nền kinh tế du lịch Đà Nẵng, đồng thời tạo nên nét riêng biệt cho thành phố, góp phần vào những kiến trúc mới lạ.
Không chỉ vậy, khi màn đêm buông xuống dòng sông Hàn thơ mộng, cầu Thuận Phước lại trở nên rực rỡ hơn bao giờ hết dưới những ánh đèn màu, càng làm tôn thêm vẻ đẹp lung linh và quyến rũ của một thành phố trẻ năng động. Nhiều người đã gọi cầu Thuận Phước là dải lụa vắt ngang sông Hàn, đặc biệt quyến rũ lòng người khi màn đêm buông xuống, khi hệ thống đèn được thắp sáng.
Dù nhìn dưới góc độ nào đi chăng nữa thì cầu Thuận Phước đều mang một vẻ đẹp vừa hiện đại, vừa lộng lẫy và đầy quyến rũ. Nằm ở vị trí đặc biệt, nơi con sông Hàn hòa mình vào biển Đông tại cửa vịnh Đà Nẵng, cầu Thuận Phước nối liền hai tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành và Hoàng Sa – Trường Sa tạo thành hệ thống giao thông liên hoàn ven biển từ hầm Hải Vân đến bán đảo Sơn Trà, qua cầu Mân Quang và nối liền với tuyến du lịch Sơn Trà – Hội An. Khi đó, một hệ thống giao thông, du lịch hoàn chỉnh được hoàn thiện, mở ra khả năng khai thác tiềm năng du lịch không chỉ riêng ở du lịch Đà Nẵng mà cho cả các địa phương lân cận như Hội An và Huế.
Bên cạnh đó, cầu Thuận Phước còn là một địa điểm giúp du khách ngắm nhìn thành phố Đà hoa lệ lúc đêm về. Mọi thứ được bày ra trước mắt khi những cây cầu khác nối hai bờ sông Hàn, những toàn nhà cao tầng hay những ngọn đèn lấp lánh,… Du khách sẽ được thả hồn mình vào giữa đất trời, ngẩng đầu lên trời ngắm những vì sao và tận hưởng một trải nghiệm hết sức thú vị. Nếu như cầu quay sông Hàn là cây cầu đầu tiên đánh dấu mốc son phát triển của thành phố, chứng kiến sự chuyển mình của khu vực phía Đông sông Hàn thì cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý với hình ảnh con rồng và cánh buồm vươn ra biển lớn thể hiện sự năng động và ý chí khát khao phát triển không ngừng của con người Đà Nẵng. Còn cầu Thuận Phước sừng sững nơi đầu biển cuối sông lại quyến rũ người dân bởi vẻ đẹp sang trọng, tinh tế và nổi bật với những ánh đèn lung linh giữa vùng sông nước bao la.