Du lịch Huế có không ít các làng nghề truyền thống, một trong số đó là làng nghề sản xuất hương trầm (nhang). Đây là một nét đẹp gắn bó với văn hóa tâm linh của mỗi người con đất Việt. Chính vì thế, du khách đi Huế sẽ không khỏi thích thú khi được tận mắt xem quá trình ra đời của những cây nhang.
Không phải ngẫu nhiên khi du lịch Huế được biết đến là vùng đất tâm linh, thủ đô Phật Giáo của Việt Nam. Bởi xưa kia nơi đây là chốn thiêng liêng, là kinh đô của các vị vua triều Nguyễn với hàng trăm miếu vũ, đền đài. Và nét đẹp văn hóa truyền thống – tục thắp nén tâm nhang lên bàn thờ gia tiên đã ăn sâu vào nếp nghĩ của người dân xứ Kinh kỳ từ bao đời. Trải qua sự hình thành và phát triển, những bó hương thơm xứ Huế vẫn được sản xuất bằng phương pháp thủ công. Tất cả tạo nên một hương sắc riêng biệt mà hiếm nơi nào có được.
Để làm nên những nén nhang đòi hỏi rất nhiều nguyên liệu, trải qua các bước vô cùng công phu. Một số loại thảo mộc như: nụ tùng, quế chi, đinh hương, bạch đàn hay hoa hồi… là thành phần làm ra bột hương. Đem nghiền nhuyễn các nguyên liệu. Tiếp đến, trộn tất cả với mạt cưa (mùn cưa) và keo theo tỉ lệ chuẩn.
Để giúp cây hương cứng chắc và không bị mọt, chân nhang làm từ cây tre lồ ô và được ngâm lâu trong nước giúp loại bỏ bớt chất xơ. Đó là bí quyết để đậu cuốn tàn tự nhiên mà không cần dùng hóa chất. Gọi những người làm nhang là “nghệ nhân tài ba” bởi đây là nghề lắm công phu và đòi hỏi rất nhiều sự khéo léo. Đôi tay với động tác chẻ điêu luyện, có thể ước chừng đúng tỉ lệ dài, rộng của thanh tre. Hay để có cây hương tròn đều; tay người thợ phải thoăn thoắt, dứt khoát trên bàn se. Tiếp đó, phủ một lớp bột áo màu vàng, nâu hương quế (tùy theo yêu cầu của khách).
Khâu cuối cùng trong quy trình sản xuất là phơi khô. Những nén nhang sau khi se xong đem phơi dưới ánh nắng từ 2 đến 3 ngày, nhằm đảm bảo độ cháy đều. Quan sát tất cả quá trình làm nhang mới thấy sự tài nghệ của người làm nghề. Từ khâu chọn nguyên liệu, chẻ tăm tre, trộn bột, đến se nhang… tất cả phải làm thủ công. Sau khi thành phẩm, nén hương đạt tiêu chuẩn thắp lên sẽ nhanh bắt lửa, tỏa mùi thơm và cháy uốn cong như “bông hoa” đang cười, mang đến tài lộc cho gia chủ.
Ở Huế, có rất nhiều địa điểm làm trầm hương, nhưng tập trung nhiều nhất là nằm dọc tuyến đường Huyền Trân Công Chúa. Nơi đây cách trung tâm thành phố 7km về phía Tây Nam (thuộc phường Thủy Biều, Thủy Xuân), thường gọi với cái tên thân thuộc “làng hương Thủy Xuân”. Những bó chông nhang đang “trổ bông” rực rỡ sắc màu, được người thợ bày xòe ra trước sân nhà như mời gọi lữ khách dừng chân chốn này.
Bên cạnh làng hương Thủy Xuân nổi tiếng, du khách đến Huế vẫn có thể mua và chiêm ngưỡng những khóm hương khoe sắc trên đường Chi Lăng, Huỳnh Thúc Kháng, hay đường Tôn Đức Thắng… Là các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, nhưng với hi vọng giới thiệu loại hương trầm truyền thống xứ Huế, chất lượng từng búp hương nơi đây vẫn đảm bảo mùi thơm đặc trưng.