Đi Sài Gòn có nhiều lăng miếu vừa đẹp vừa thiêng, nhưng thời gian gần đây có Lăng Ông Bà Chiểu giữ cho mình được vị trí đặc biệt trong lòng giới trẻ. Nếu có dịp du lịch Sài Gòn thì ghé đây vừa thăm lăng vừa tậu cho mình vài pô ảnh luôn nhé.
Đền chùa hay lăng miếu với kiến trúc đẹp ở Sài Gòn thì không thiếu, thế nhưng đã bao giờ bạn được dịp check-in ở Lăng Ông Bà Chiểu – nơi mệnh danh là một trong những ngôi lăng miếu cổ xưa bậc nhất tại Sài Gòn chưa?
Tọa lạc tại số 1 đường Vũ Tùng, phường 3, quận Bình Thạnh, thế nhưng Lăng Ông Bà Chiểu lại được bao quanh bởi tận 4 con đường đó là: Đinh Tiên Hoàng, Phan Đăng Lưu, Vũ Tùng và Trịnh Hoài Đức, ngay sát chợ Bà Chiểu.
Phải nói vì nằm ở một vị trí siêu đắc địa như vậy nên Lăng Ông Bà Chiểu là một địa điểm check-in khá dễ tìm mà các bạn hoàn toàn có thể dò Google Maps một cái là ra ngay đó!
Vì khu lăng mộ tọa lạc ở khu vực Bà Chiểu, ngay bên cạnh chợ Bà Chiểu nên người ta ai cũng gọi là Lăng Ông Bà Chiểu. Thế nhưng tên gọi chính xác của khu lăng mộ này là Thượng Công miếu, cũng là ba chữ Hán khắc trên cổng tam quan ở lăng.
Đây là khu đền và ngôi mộ đôi của Tả Quân Lê Văn Duyệt – Tổng trấn thành Gia Định lúc xưa và vợ là bà Đỗ Thị Phận. Ngoài lăng mộ của ông bà còn có 2 ngôi mộ của hai cô hầu nằm bên ngoài khuôn viên lăng. Một mộ ở đường Trịnh Hài Đức, mộ kia ở đường Đinh Tiên Hoàng (trong khuôn viên Trường Cán bộ TP.HCM).
Tuy nhiên, rất nhiều người nơi khác thường nhầm lẫn rằng đây là lăng thờ ông và bà tên Chiểu. Thật ra không phải như vậy đâu nha các bạn. Như có nói ở trên, lăng nằm cạnh chợ Bà Chiểu nên thường được gọi như vậy thôi. Do tục lệ kiêng cữ tên nên không biết từ lúc nào, người dân đã ghép hai từ “Lăng Ông” với hai từ “Bà Chiểu” để gọi địa điểm này đó!
Khu lăng mộ được xây dựng vào năm 1948 và được xem là một trong những chốn linh thiêng và cổ xưa bậc nhất tại Sài Gòn hiện tại luôn ấy. Lúc trước, đây được coi như biểu tượng của vùng Sài Gòn – Gia Định xưa vì hình ảnh cổng tam quan của Lăng Ông được in trên các tấm thiệp bưu chính trước năm 1975, đặc biệt là ở mặt sau tờ tiền 100đ.
Ngày 6/12/1989, toàn bộ khu lăng được Bộ Văn hóa công nhận là di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia.
Chung quanh khu lăng có bức tường bao bọc dài 500m, cao 1,2 m được trổ bốn cổng ra vào theo bốn hướng tương ứng với 4 con đường. Đây cũng được xem là góc sống ảo đẹp xuất sắc với bức tường màu vàng ươm vừa rực rỡ sống động lại mang nét cổ điển bao chất lừ!
Vào sâu bên trong Lăng Ông mới thấy được hết nét cổ kính của nơi đây. Khu lăng được xây dựng trên một trục đường chính, từ phía cổng Tam quan đi vào qua một khu vườn cảnh là sẽ gồm cụ thể thêm 3 phần nữa đó là nhà bia, lăng mộ và miếu thờ.
Nhà bia được xây dựng như một ngôi điện nhỏ, với tường gạch, mái lợp ngói âm dương. Bia bằng đá xanh đen thì được khắc chữ Hán, nội dung bia ca tụng công đức của ông Lê Văn Duyệt đối với triều đình và nhân dân. Phần cuối bia có nhắc đến phu nhân Đỗ Thị Phận và Phan công Lương Khê (Phan Thanh Giản) cũng được thờ trong miếu.
Toàn thể khu mộ đều được xây bằng một loại vữa hợp chất. Phần mộ gồm hai ngôi mộ của ông Lê Văn Duyệt và vợ, được đặt song song và có cấu tạo giống nhau, mang hình dạng như một con rùa đang nằm. Trước mộ có một khoảnh sân nhỏ để làm lễ. Từ nơi nhà bia nhìn vào, mộ Lê Văn Duyệt phía bên phải. Bao quanh mộ là một bức tường bằng đá ong dày hình chữ nhật, thông ra tận sân đốt nhang đèn.
Phần đặc biệt nhất ở Lăng Ông chính là khu miếu thờ. Đây cũng là nơi mọi người thường check-in nhiều nhất. Bố cục của miếu bao gồm tiền điện, trung điện và chính điện, được cách nhau bằng một khoảng sân lộ thiên gọi là sân thiên tỉnh (giếng trời).
Công trình mang đậm dấu ấn của lối kiến trúc miếu thờ nhà Nguyễn, nhờ kỹ thuật chạm khắc gỗ, chạm khắc đá, khảm sành sứ mà nơi thờ cúng này còn giữ được vẻ đẹp cổ kính cho đến tận ngày nay. Đây đảm bảo sẽ là nơi cho bạn cực kỳ nhiều góc sống ảo đẹp miễn chê luôn nè!
Màu sắc chủ đạo ở khu miếu thờ là vàng và đỏ, trông khá rực rỡ và cực kỳ bắt mắt. Các bạn chỉ cần diện đồ đẹp đẹp rồi đứng vào background pose vài dáng deep deep một xíu là có thể rinh về nhà cả rổ ảnh đẹp khoe bạn bè ngay!
Một số background vừa đẹp vừa cổ kính để các bạn có thể check-in tại Lăng Ông chính là những cánh cửa sơn phết màu đỏ ươm, những dãy tường được trang trí và chạm khắc cực kỳ tinh xảo với nhiều hoa văn ở đây. Tùy theo góc chụp và mức độ “có tâm” của người chụp, các bạn tha hồ bắn ảnh mà cứ tưởng tượng như đang được sống ở không gian một triều đình hồi xưa trong phim cổ trang vậy chứ không phải giữa lòng Sài Gòn.
Hàng năm, tại lăng đều có tổ chức lễ giỗ Lê Văn Duyệt long trọng vào các ngày 29 hoặc 30 tháng 7, mồng 1 và 2 tháng 8 âm lịch, thu hút cực kỳ nhiều người đến tham quan. Đặc biệt là dịp Lễ Tết, các bạn ngoài đến Lăng Ông chụp choẹt “sống ảo” ra còn có thể ghé vào miếu thờ để tham quan, cầu bình an và sức khỏe cho bản thân, gia đình cũng như xin xăm để xem vận mạng trong tương lai.Lại là một điều khá cũ nhưng phải nói, đây là một chốn linh thiêng, tâm linh nên các bạn nếu có đến chụp ảnh, check-in thì nhớ giữ gìn trật tự, vệ sinh chung, không xả rác bừa bãi hay mang giày dép vào bên trong khu miếu thờ.