Kẹo chỉ tơ hồng như góp thêm một nét duyên ngầm cho du lịch Huế. Khách đi Huế dạo quanh cố đô mà vô tình bắt gặp được những chiếc xe bán kẹo, chắc hẳn là điều may mắn bởi ngày nay hiếm ai còn giữ nghề bán món kẹo này.
Chẳng ai rõ kẹo tơ hồng có nguồn gốc từ đâu, chỉ nhớ rằng nó gắn liền với hình ảnh chiếc hộp gỗ phía sau yên xe đạp, cùng tiếng rao của những buổi trưa hè thuở ấy. Tất cả như một phần kí ức tuổi thơ đã đi qua biết bao thế hệ. Đây là thức quà giản dị mang hương thơm đặc trưng trong từng sợi dừa bào, vị béo ngậy của lạc rang quyện cùng bánh tráng… vừa ngọt ngào lại vừa dẻo mềm, làm nên hương vị rất riêng và rất độc đáo, luôn khiến người ta phải mê mẩn.
Vậy tại sao nói là kẹo chỉ, dù hình thức giống miếng bánh tráng dừa mạch nha? Chính vì thành phần nguyên liệu và các bước hoàn thiện đã tạo nên tên gọi mĩ miều này. Dưới bàn tay uyển chuyển của người thợ, từ một khối đường đem lăn với bột khô, cuộn và kéo giãn các thớ kẹo thành những sợi chỉ mỏng đan vào nhau trông thật thu hút.
Dù biết đến là món ăn vặt, thế nhưng kẹo vẫn được thực hiện theo quy trình chỉn chu, tỉ mỉ. Bởi làm mất công thì phải ngon, để bất cứ ai đã ăn rồi cũng phải gật gù khen. Mật mía (mạch nha), đường, bột năng, dừa bào, lạc rang, bánh tráng xốp… là nguyên liệu quen thuộc dùng chế biến kẹo. Để làm ra có vị ngon, đường là thành phần quan trọng nhất. Thoạt nhìn loại đường phủ lên bánh có vẻ đơn giản, nhưng lại đòi hỏi sự khéo léo của người chế biến. Khi nấu phải thắng dẻo với mạch nha, canh lửa tránh hỗn hợp không bị cứng cũng không bị non quá, vừa dẻo lại giữ hương thơm vốn có. Cuối cùng, đợi nguội hẳn để nguyên thanh, bọc ni lông. Chừng đấy thôi đã phảng phất hương thơm quyến rũ làm cho những tín đồ “hảo ngọt” phải xiêu lòng.
Bên cạnh nguyên liệu chất lượng, “bàn tay ảo thuật” là bí quyết độc đáo nhằm thu hút sự quan tâm của thực khách. Lấy một mẩu nhỏ từ tảng mạch nha lớn; sau mỗi động tác tay liên tục cuộn đôi vòng kẹo, giũ thật mạnh để lớp bột năng vừa được nhúng rơi xuống khay. Nguồn gốc tên “kẹo chỉ” hay còn gọi là “kẹo giũ” cũng bắt đầu từ đây. Qua bàn tay khéo léo của người thợ, khối đường trong tích tắc “biến hình” thành hàng ngàn sợi dây mảnh. Không cần bánh đa nướng, cũng chẳng phải bánh phồng nếp. Những khoanh kẹo vừa cuộn tròn được đặt vào bánh tráng xốp, phủ một ít dừa, lạc rang cùng vài giọt sữa đặc trên bề mặt.
Thưởng thức ngay lúc vừa làm xong sẽ cảm nhận được độ giòn tan của bánh xốp. Màu trắng tinh khôi, vị dẻo thơm của đường và dừa bào sần sật, biến tấu thêm một chút vừng đen cứ thế hòa quyện vào nhau. Ngoài ra, dì Nguyệt (người bán kẹo chỉ hơn 10 năm) chia sẻ: “Phải lựa chọn trái dừa có cơm dày, được bào ngay tại chỗ để đảm bảo sợi dừa vẫn tươi ngon, không bị khô.” Đơn sơ từ công cụ bào dừa là chiếc nắp lon bia, với những miếng bánh làm bằng bột lọc ép khô. Đơn thuần là vậy, mà kẹo chỉ tơ hồng ngọt ngào khi ấy cứ thế đi vào ký ức tuổi thơ của bao người.
Cho đến bây giờ, vẫn có thể bắt gặp bóng dáng những bác bán rong đi khắp nẻo đường, phía sau là thùng “đồ nghề” với bảng hiệu nhấp nháy ánh đèn: Kẹo chỉ tơ hồng. “Thị trường hiện nay du nhập đầy rẫy các loại kẹo xuất xứ từ nước ngoài, nên số lượng khách mua kẹo thủ công này giảm dần. 5.000 đồng/ một kẹo, trừ hết chi phí nguyên liệu chẳng lãi được nhiều. Nhưng vẫn cố gắng bám trụ với nghề này, bởi yêu những búi chỉ mỏng manh ngọt ngào và cũng muốn lưu giữ lại thứ kẹo truyền thống của một thời đã xa…” – dì Nguyệt tâm sự. Ở Huế, thực khách vẫn có thể thưởng thức món “kẹo thần kỳ” này vào mỗi buổi chiều tà: dưới chân cầu Tràng Tiền, trước Bia Quốc học Huế (đường Lê Lợi), Tượng đài Quan Âm (thị xã Hương Thuỷ), hay cổng trường THCS Đặng Văn Ngữ…