Phú Quốc – thiên đường của lữ khách

206

Kể cả khi du lịch Phú Quốc vẫn còn vô cùng hoang sơ hay khi đã lột xác là một điểm đến nổi tiếng, qua bao nhiêu thay đổi, trở thành một hiện tượng của du lịch Việt Nam, đảo ngọc này vẫn như một thiên đường trong ký ức của lữ khách đã từng đến đây.

Từ thiên đường du lịch hoang sơ

Tôi du lịch Phú Quốc lần đầu tiên cách đây 15 năm. Khi ấy, đảo ngọc này vẫn còn rất hoang sơ. Bao trùm lên đảo là màu xanh ngút mắt của rừng già. Trung tâm đảo là thị trấn Dương Đông vô cùng thưa thớt người dân lẫn du khách (chủ yếu là khách nước ngoài), những mái nhà nằm lấp ló dưới bạt ngàn dừa, mênh mông nắng và gió. Khách du lịch khi đó gần như toàn bộ lưu trú ở thị trấn Dương Đông, các khách sạn lớn nhất có Sài Gòn Phú Quốc, Sacco Blue Lagoon resort, Thiên Hải Sơn…, còn lại là các khách sạn nhỏ lẻ.

Ngày ấy, đường đi tới làng chài Hàm Ninh rất hoang vắng, chưa có cầu cảng như bây giờ, lèo tèo vài hàng hải sản bán trong thúng. Bãi Sao, bãi Khem cũng chỉ có một khu dịch vụ duy nhất, tắm tráng còn khó khăn, đến đấy không biết làm gì ngoài uống nước dừa và tắm biển rồi về. Muốn tới thị trấn An Thới, phía Nam đảo, phải đi qua một đoạn đường rừng đèo dốc ngoằn ngoèo. Tôi có cảm tưởng ở đó, trời và đất rất gần nhau. Cảng An Thới khi ấy cũng vắng vẻ, chợ bé tí, hàng hoá đơn giản, có vài hàng bán ngọc trai Phú Quốc là có chút khác biệt so với những điểm đến biển đảo khác.

du lịch Phú Quốc

Ấn tượng với tôi nhất là chuyến đi Bắc đảo. Đường lên Bắc đảo khi đó chưa làm, có những đoạn chỉ là một đường mòn nhỏ, nước ngập, cỏ mọc giữa đường, sau một trận mưa không đi xe được phải xuống dắt bộ. Bãi Cửa Cạn, bãi Vũng Bầu, bãi Dài, Gành Dầu, Rạch Vẹm, hòn Thơm đẹp nổi tiếng, nước trong vắt, xanh thăm thẳm, nắng tràn ngập, cát trắng mịn nhưng cả ngày vẫn không thấy một bóng khách du lịch nào. Người dân thấy người lạ đến còn chạy ra xem.

Nếu đi Bắc đảo, kiểu gì khách cũng dừng chân ở Biên Hải quán (bãi Gành Dầu) ăn hải sản và nghe ông chủ quán Nguyễn Thành Trang (tên thường gọi là Út Trà Đá) vừa ôm đàn ghi ta vừa ca vọng cổ. Ở cái nơi xa xôi ấy, không ăn quán của ông cũng không biết ăn ở đâu. Bắc đảo ngày ấy không có sự lựa chọn khác.

Ông Út Trà Đá quê ở huyện Hòn Đất (Kiên Giang). Nhà ông cũng chính là tiệm tạp hóa và quán trà đá cho ngư dân, vì thế ông có biệt danh Út Trà Đá. Buổi trưa nắng như đổ lửa, tôi lơ mơ trên cánh võng trong Biên Hải quán nghe giọng ông tha thiết hát Dạ cổ hoài lang, Đêm gành hào nhớ điệu hoài lang, Tình anh bán chiếu… mà mềm người vì xúc động. Tôi nghe nói, sau này quán ông Út Trà Đá mở rộng, có thể đón 300 khách. Ông và con cháu mình vẫn vừa bán hải sản, vừa hát vọng cổ phục vụ khách du lịch.

Hơn 20 mưu sinh trên đảo, từ ngày du lịch Phú Quốc còn vô cùng hoang sơ, hơn ai hết ông hiểu những gì có được ngày hôm nay phải trả giá thế nào và nó thực sự là một giấc mơ đối với mỗi người dân nơi đây. Những dự án hàng nghìn tỷ đồng đang thay thế cho những điểm tham quan vườn tiêu, nhà thùng nước mắm, câu mực đêm, lặn biển ngắm san hô… của chục năm về trước.

Giờ đây, du lịch Phú Quốc đã trở thành mảnh đất màu mỡ cho các nhà đầu tư. Đảo ngọc du lịch Phú Quốc thu hút hầu hết các nhà đầu tư hàng đầu trong lĩnh vực du lịch. Giới có tiền ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh đổ xô vào mua đất xây khách sạn, biệt thự riêng ở Phú Quốc.

Huyện đảo này hiện nay là nơi duy nhất ở Việt Nam miễn thị thực nhập cảnh cho tất cả khách du lịch quốc tế, thời hạn tạm trú không quá 30 ngày. Các đường bay thẳng quốc tế và nội địa đến Phú Quốc nhiều hơn nhưng dường như vẫn chưa đáp ứng được hết nhu cầu của khách. Mỗi ngày, sân bay Phú Quốc đón 30 chuyến bay nhưng thường xuyên tăng chuyến trong các dịp lễ tết, cuối tuần, mùa du lịch hè. Các chuyến tàu biển ra du lịch Phú Quốc luôn đầy ắp hành khách.

Ðầu năm 2018, tuyến cáp treo Hòn Thơm vượt biển dài nhất thế giới đã được đưa vào vận hành khai thác, cùng quần thể vui chơi, giải trí biển quy mô quốc tế tại Nam đảo, khu casino dành cho du khách cao cấp, tạo thêm sản phẩm mới, sức hút mới cho Phú Quốc.

Đến trung tâm du lịch nghỉ dưỡng đẳng cấp thế giới

Huyện đảo trở nên sôi động hơn bao giờ hết khi du lịch Phú Quốc cùng Vân Đồn, Bắc Vân Phong nằm trong đề án phát triển đặc khu kinh tế. Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và đầu tư, sẽ có khung cơ chế, chính sách riêng cho các đặc khu. Huyện đảo Phú Quốc với các ưu đãi vượt trội để đóng góp cụ thể vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao giá trị gia tăng các ngành dịch vụ du lịch, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Ước tính trong những năm tới sẽ thu về cho Nhà nước khoảng 3,3 tỉ USD từ thuế và phí và các nguồn thu từ đất; mức thu nhập bình quân đầu người của cư dân sinh sống tại huyện đảo tăng lên khoảng 5.300 USD vào năm 2020 và 13.000 USD vào năm 2030.

Theo đề án, đặc khu kinh tế Phú Quốc sẽ được xây dựng là thành phố thông minh, chia thành 3 khu đô thị lớn: Khu đô thị Cửa Cạn, khu đô thị trung tâm Dương Đông, khu đô thị cảng An Thới, khu phát triển du lịch, dịch vụ và dân cư Bãi Trường.

Các khu du lịch sinh thái Bãi Thơm, Gành Dầu, Rạch Tràm, Rạch Vẹm, Bãi Dài, Vũng Bầu, Cửa Cạn và một số khu nghỉ dưỡng sinh thái, dịch vụ du lịch hỗn hợp và một số điểm du lịch đặc trưng như điểm du lịch thăm quan di tích nhà tù Phú Quốc, suối Tranh, suối Tiên, suối Đá Bàn, núi Chúa, núi Ông Phụng. Công tác cấp phép đầu tư được quan tâm thực hiện một cách nhanh chóng tạo điều kiện thu hút đầu tư vào Phú Quốc.

Với những tiềm năng hiện có của thiên nhiên và những chính sách ưu đãi thuận lợi. Đặc khu kinh tế Phú Quốc trong tương lai được kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng quốc tế hấp dẫn chưa từng có.

Chỉ mấy năm trước thôi, đảo ngọc này chưa có một phòng khách sạn 5 sao nào nhưng hiện nay các khách sạn cao cấp mọc lên san sát dọc bờ biển. Đến nay, Phú Quốc đã có 7 khách sạn được công nhận hạng 5 sao với khoảng 4.800 phòng. Con số này bất kỳ một trung tâm du lịch lớn nào trên cả nước cũng mơ ước và có thể cạnh tranh được với các trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng khác như Hà Nội, TP.HCM, Nha Trang và Đà Nẵng.

Vẻ đẹp hoang sơ của thiên đường du lịch Phú Quốc đang dần bị thay thế bằng sự tráng lệ, phồn hoa của những khu nghỉ dưỡng du lịch hàng đầu thế giới. Tôi có thể không bao giờ được thấy lại những bãi biển cát trắng lấp lánh không một bóng người ở Phú Quốc, không bao giờ được đi trên con đường đất đỏ xuyên qua khu dân cư thưa thớt vào Vườn quốc gia Phú Quốc, thăm lại những vườn tiêu xanh ngút mắt, chỉ nhấm một hạt đã thơm nhức nhối ở đảo ngọc nhưng tôi lại có thể ngắm thị trấn An Thới từ cáp treo Hòn Thơm; được ngắm hoàng hôn tuyệt đẹp từ Premier Village Phu Quoc Resort ở mũi Ông Đội. Cái gì cũng có giá của nó nhưng tôi tin Phú Quốc biết hài hòa giữa phát triển và bảo tồn.