Du lịch Quy Nhơn có khá nhiều ngôi chùa đẹp và linh thiêng. Nếu có dịp đi Quy Nhơn, hãy dừng chân ghé lại những ngôi chùa dưới đây để chiêm bái cũng như cầu an cho bản thân và gia đình.
Tổ Đình Long Khánh
Tổ đình Long Khánh tọa lạc tại số 141 đường Trần Cao Vân, phường Lê Lợi. Là trung tâm Phật giáo của tỉnh Bình Định, tổ đình Long Khánh Quy Nhơn thực sự là “nơi con tìm về” của đông đảo phật tử, du khách gần xa và những người có tâm từ bi, hướng thiện.
Tổ khai sơn của tổ đình Long Khánh Quy Nhơn là thiền sư Hải Khiển, hiệu Đức Sơn, đời Pháp thứ 35 tông Lâm Tế. Về niên đại xây dựng chùa, có tài liệu cho là năm 1700, có tài liệu cho là năm 1709. Mặc dù đã qua bao lần trùng tu, tái tạo, tổ đình Long Khánh Quy Nhơn vẫn là một di tích lịch sử – văn hóa có giá trị.
Đến với tổ đình, bạn sẽ có những phút giây tĩnh tâm, sâu lắng như đi vào cửa thế giới hư vô cực lạc. Dịp Vu Lan, bạn sẽ được hòa mình vào không khí trang trọng của đạo tràng trong buổi làm lễ, được nghe pháp thoại về chữ “hiếu” và ý nghĩa của lễ Vu Lan.
Chùa Hiển Nam
Chùa Hiển Nam tọa lạc số tại 192, đường Diên Hồng, phường Ngô Mây, thành phố Quy Nhơn. Không rõ chùa được xây vào năm nào chỉ biết là vào khoảng giữa đời Thành Thái (1879 – 1901) do vị Tổ khai sơn là Lão sư Đặng Quang Diệu, Đạo hiệu Vận Hoằng, người huyện An Nhơn lập. Theo bia ghi công ở giữa vách bên phải chánh điện, được biết chùa ban đầu lợp tranh, sau lợp ngói. Năm Giáp Tí (1924) chùa được trùng tu, chánh điện được xây bằng đá.
Chánh điện là một ngôi nhà ngang tọa Tây Bắc hướng Đông Nam, dài 8m, rộng 6m, diện tích 48m2 . Hai bên chánh điện là hai nhà thấp hơn, nối theo liền vách, mỗi nhà có kích thước 4m x 6m. Nhà Đông làm chỗ tiếp khách và hội họp, nhà Tây phía trước thờ Tổ, phía sau là Phương trượng của sư trụ trì.
Chùa Minh Tịnh
Chùa Minh Tịnh tọa lạc tại số 35, đường Hàm Nghi, phường Ngô Mây, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Tương truyền, vào năm Giáp Thìn (1902), Đại lão Hoà thượng Chơn Phước, tự Đạo thông, hiệu Huệ Pháp, đời thứ 40 dòng Lâm Tế Chúc Thánh từ Quảng Ngãi vào Bình Định cùng với Quốc sư Phước Huệ và Pháp sư Phổ Huệ mở dạy các khoá kinh, luật, luận cho chư tăng các tỉnh về học.
Tại Quy Nhơn, hai Phật tử là Trừng Quế và Trừng Quy dâng cúng một thảo am thuộc khu 3 lúc bấy giờ, từ đó ngài xây dựng thành ngôi Tam Bảo Minh Tịnh. Năm 1962, do yêu cầu mở rộng sân bay, Hoà thượng Thích Trí Giác đã cho chùa được dời đến vị trí hiện nay. Tổ đường được tái thiết vào năm 1995. Một số tài liệu khác cho năm sáng lập chùa là năm 1907 hay 1917 gì đó.
Trước chùa Minh Tịnh có tam quan xây đá, nhìn khá đồ sộ và vững chãi với ba cửa cuốn vòm, mái đúc xi măng giả ngói. Là một trong những ngôi chùa lớn, nổi tiếng bậc nhất Quy Nhơn, chùa Minh Tịnh không chỉ sở hữu cảnh đẹp thanh tịnh, trầm lắng mà còn là nơi để cho những người con tâm kính học đạo.
Chùa Bạch Sa
Chùa Bạch Sa tọa lạc tại số 35, đường Biên Cương, phường Ngô Mây, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Chùa do Thiền sư Như Huệ – Hoằng Thông (1894 – 1972) khai sơn vào năm Mậu Ngọ (1918) tại thôn Cẩm Thượng. Chùa được triều đình Huế ban biển ngạch Sắc tứ vào năm Bảo Đại thứ 13 (1938). Năm 1963, do việc mở rộng sân bay, thiền sư Giác Nguyên đã dời chùa về vị trí hiện nay. Chùa được trùng tu năm 1996.
Bạch Sa là ngôi chùa cổ danh tiếng ở Bình Định. Đến chùa, bạn có thể cùng phật tử đã dâng lời tác bạch cúng dường pháp y, bày tỏ niềm tri ân của người con đối với Tam bảo, đấng sinh thành nhân mùa Vu lan báo hiếu.
Chùa Lộc Uyển
Chùa Lộc Uyển tọa lạc tại số 404, đường Nguyễn Thái Học, phường Quang Trung, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.
Chùa được xây dựng vào năm 1961 do các cư sĩ trong khuôn hội Lộc Uyển đảm trách. Năm 1970, Đại đức Thích Nguyên Lợi về trụ trì được vài năm rồi đi nơi khác. Chùa lập Ban Hộ tự để quản lý chùa. Đến năm 1986, Ni sư Thích Nữ Hạnh Nghiêm được Giáo hội cử về trụ trì chùa, đã tổ chức tái thiết ngôi tự viện khang trang như ngày nay.
Trước ngôi chánh điện, chùa đặt pho tượng Bồ tát Quan Thế Âm lộ thiên. Điện Phật được bài trí tôn nghiêm. Chính giữa tôn trí tượng đức Phật Thích Ca và các tượng Bồ tát Quan Âm Chuẩn Đề, Bồ tát Địa Tạng, Tôn giả Ca Diếp, Tôn giả A Nan, Hộ Pháp, Tiêu Diện… Nhà tổ tôn trí tượng Tổ sư Đạt Ma.
Thành lệ, mỗi dịp mùa Vu Lan về, cùng với 4 ngôi chùa nói trên, chùa Lộc Uyển cũng là nơi mà nhiều người ghé đến tỏ lòng hiếu với những bậc sinh thành.