Bún qua cầu – Món ăn đậm tình nghĩa phu thê của Trung Quốc

Tỉnh Vân Nam ở tây nam của Trung Quốc từ lâu nổi danh với những bàn ăn thịnh soạn. Giữa những món cầu kỳ như trâu khô xào, gà hấp nồi hay thịt kho Tuyên Uy, bún qua cầu có một vị trí riêng.

675

Nếu có dịp du lịch Trung Quốc và ghé đến vùng đất Vân Nam xinh đẹp, du khách đừng quên thưởng thức món bún mang đậm tình nghĩa phu thê. Chắc chắn điều này sẽ khiến du khách như lạc vào khung cảnh thơ mộng, với hình ảnh người chồng chăm chỉ đọc sách, bên cạnh là người vợ hiền đưa đôi tay chan nước bún, ánh mắt âu yếm nhìn người chồng thương yêu của mình.

Bún qua cầu là một món ăn đặc sản mang đậm nét văn hóa của tỉnh Vân Nam. Đây là món ăn đặc trưng của người Hán ở vùng Điền Nam (Điền là tên gọi của Vân Nam) thuộc về khu vực ẩm thực Điền hệ (một trong các vùng ẩm thực nổi tiếng của Trung Quốc). Món bún qua cầu có lịch sử hơn 100 năm, bắt nguồn từ huyện Mông Tự thuộc tỉnh Vân Nam.

Bún qua cầu được làm bởi các nguyên liệu chính như thịt gà, thịt lợn, mực, đậu phụ, nấm, hành, hẹ, bún, trứng chim cút, hành tây, rau cải, đu đủ, cà rốt cùng các gia vị như nước tương, muối, gừng, tỏi…

du lịch trung quốc
Sưu tầm

Một suất bún gồm có bát canh nóng với những chiếc đĩa xinh xinh đựng rau, dưa, đĩa lớn bày thịt, trứng… mỗi thứ một chút xíu. Tùy theo từng nhà hàng, số lượng đồ ăn kèm có thể lên tới hàng chục món.

Sưu tầm

Để thưởng thức món ăn này một cách đúng điệu thì phải theo một quy trình chặt chẽ. Trước tiên phải thả trứng vào bát nước dùng, chờ đợi một vài phút rồi lần lượt cho thịt, rau, nấm vào. Nhìn bề ngoài, bát nước dùng có độ sôi vừa phải nhưng nhờ có lớp mỡ mỏng ở phía trên nên nước giữ được độ nóng khá lâu. Để có được nước dùng nhìn thì béo nhưng ăn không ngấy, các đầu bếp cũng phải rất kỳ công ninh nhừ gà già trong 5-6 tiếng đồng hồ. Bún là nguyên liệu sau cùng được cho vào bát. Sau khi trộn đều vài lần là du khách có thể tận hưởng vị nóng hổi, ngầy ngậy, ngọt mềm, dai dai tự nhiên của nấm, rau, thịt và trứng.

Sưu tầm

Ngoài sự công phu trong chế biến, cách ăn, bún qua cầu còn nổi tiếng bởi nó ẩn chứa câu chuyện về tình yêu, nghĩa vợ chồng sâu sắc. Tương truyền, vào đời nhà Thanh, ở huyện Mông Tự, tỉnh Vân Nam có một đôi vợ chồng trẻ sống hạnh phúc với nhau, nhưng người chồng chỉ ham chơi mà không tu chí học hành. Thấy vậy, người vợ nói với chồng: “Nếu chàng không dùi mài kinh sử, làm nên nghiệp lớn, sau này mẹ con thiếp sẽ tủi hổ vì thua kém chị em”. Từ đó, người chồng chuyển ra một hòn đảo nhỏ giữa hồ để học hành cho yên tĩnh.

Sưu tầm

Hàng ngày, người vợ đều nấu cơm mang đến cho chồng. Vì đường xa, khi đến hòn đảo, các món ăn nàng nấu đều bị nguội, người chồng ăn không ngon miệng nên ăn ít, người gầy đi.Thương chồng ăn ít sẽ không đủ sức học hành, người vợ nghĩ ra nhiều món ăn ngon nhưng đều không thành công.

Trong một lần luộc gà và làm món bún, đứa con nhỏ đùa nghịch cho thịt vào bát canh, nàng ăn thử thấy ngon nên đã đun nước ấm, cho bún và thịt vào giỏ mang đến cho chồng. Nàng cũng phát hiện nước sẽ nóng lâu hơn nếu trên mặt có một lớp mỡ. Đồ ăn mang đến nơi vẫn còn nóng nên người chồng ăn rất ngon. Thương vợ vất vả, chàng chăm chỉ học hành và đã đỗ đạt cao. Từ đó, món ăn này có tên là bún qua cầu và được lưu truyền cho đến ngày nay.