Du lịch Nhật Bản xin visa lúc nào cũng là một thử thách tương đối khó nhằn với team ưa dịch chuyển. Nhưng không sao, bài viết nhỏ này sẽ cung cấp cho bạn hiền từ A – Z kinh nghiệm xin visa Nhật Bản – một quốc gia phải nói là độc đáo nhất châu Á này.
1. Các giấy tờ cần thiết
Lưu ý: Hồ sơ xin visa du lịch Nhật Bản không cần dịch thuật công chứng sang tiếng Anh. Visa đi Nhật Bản có một điểm lợi là khi nào được cấp visa thì ĐSQ/LSQ mới thu phí và phí cấp visa (phí mất khoảng 620k).
1. Hộ chiếu: Còn hạn trên 6 tháng đối với trường hợp xin visa đi dưới 90 ngày. Photo các trang visa và dấu xuất nhập cảnh trên hộ chiếu và photo hộ chiếu.
2. Đơn xin cấp visa du lịch Nhật Bản. Về lá đơn này, bạn có thể xin trực tiếp ở Đại sứ quán hoặc download tại website của Đại sứ quán Nhật Bản.
3. 2 ảnh thẻ (5 x 5 cm), chụp trong vòng 3 đến 6 tháng gần nhất.
4. Chứng minh nghề nghiệp của du khách (Hợp đồng lao động, giấy xin nghỉ phép, giấy xác nhận làm việc…)
5. Đơn xin nghỉ phép có dấu và ký tên của chủ quản công ty. Nếu là giám đốc thì chỉ cần giấy phép đăng ký kinh doanh của công ty.
6. Hợp đồng lao động
7. Chứng minh tài chính (sổ tiết kiệm: 100 triệu, nhà cửa, xe cộ…)
8. Xác nhận booking vé máy bay hai chiều.
9. Xác nhận booking khách sạn
10. Lịch trình du lịch Nhật Bản: ghi rõ lịch tham quan, nơi ăn chốn ở, phương tiện đi lại.
Sau đây là hướng dẫn chi tiết cách điền tờ khai xin visa:
Những phần “Have you ever” bạn chọn “No” hết vì chỉ là hỏi quá trình phạm tội của bạn thôi, trừ khi đúng là bạn có tiền án tiền sự, còn không đương nhiên là No rồi.
2. Địa điểm nộp đơn xin visa du lịch Nhật Bản
– Tại Hà Nội: Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam
+ Địa chỉ: Số 27 đường Liễu Giai, Hà Nội, Việt Nam (dành cho các bạn có hộ khẩu từ Bình Định trở ra Bắc)
+ Điện thoại: 84-04 – 38463000
+ Fax: 84-04 – 38463043
+ Email: soumuhan@ha.mofa.go.jp
– Tại TP. HCM: Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM
+ Địa chỉ: 261, Điện Biên Phủ, Phương 7, quận 3, TP.HCM (dành cho các bạn có hộ khẩu từ Phú Yên vào Nam)
+ Điện thoại: 08-38225314
+ Fax: 08-38225316
+ Email: ryoujikan@vietnam-japan.net
Một điểm đau đầu của việc xin visa du lịch tự túc Nhật Bản là thư mời. Ngày xưa hầu như không có thư mời là không có visa, nhưng hiện tại việc xin visa du lịch Nhật cũng không còn quá khắt khe như mấy năm về trước. Một số hồ sơ vững (đã có dấu xuất nhập cảnh nhiều nước, giấy tờ chứng minh tài chính tốt, thu nhập cao) thì vẫn được cấp visa dù không có thư mời. Tuy vậy, dĩ nhiên có thư mời từ bên kia gửi về thì khả năng được cấp visa sẽ càng cao.
3. Lưu ý khi xin visa du lịch Nhật Bản
+ Tất cả các loại giấy tờ nộp xin visa phải là khổ giấy A4, không nhăn, mờ, rách.
+ Nhật không đòi phải đi dịch thuật ra tiếng Anh và công chứng tư pháp. Các hồ sơ cần bản gốc để đối chiếu, nộp kèm một bản copy không cần công chứng.
+ Với các bạn gửi sổ tiết kiệm chưa đủ 1 tháng trước ngày nộp thì các bạn nhớ chuẩn bị nộp thêm: giấy tờ nhà đất hoặc xe ô tô có đứng tên các bạn nhé. Ngoài ra, các bạn có thể sử dụng sổ của 1 người khác nhưng phải bảo người đó chuyển nhượng tên cho bạn.
+ Nên đi du lịch vài nước Đông Nam Á: đây là cách tạo lịch sử du lịch. Bằng không tài chính của bạn phải thật mạnh, lương chuyển khoản vài chục triệu.
+ Bạn nào hiện tại còn giữ hộ chiếu cũ thì đề nghị mang đến cùng với hộ chiếu còn hiệu lực để xin cấp visa.
4. Thủ tục nhập cảnh vào Nhật Bản
A. Sau khi bạn đến sân bay Nhật Bản, thủ tục Nhập cảnh Nhật Bản gồm 4 bước sau:
Bước 1: Xuống máy bay, đến khu vực hải quan, làm thủ tục nhập cảnh vào Nhật Bản (bạn nên chỉnh giờ đồng hồ theo giờ địa phương tại sân bay).
Bước 2: Điền vào tờ khai nhập cảnh của Nhật Bản (thông thường bạn sẽ được khuyến khích làm bước này trên máy bay trước khi xuống sân bay, tuy nhiên bạn cũng có thể điền vào tờ khai ở quầy làm thủ tục)
Bước 3: Xếp hàng theo đúng quy định, căn cứ theo loại hộ chiếu của mình để làm thủ tục. Nếu không rõ hỏi người hướng dẫn. Đưa hộ chiếu, vé máy bay và tờ khai hải quan của nước sở tại.
Bước 4: Sau khi làm thủ tục nhập cảnh vào Nhật Bản xong, đến khu vực lấy hành lý để nhận hành lý của mình.
B. Bạn sẽ phải làm những gì khi làm thủ tục nhập cảnh Nhật Bản tại Hải Quan
Tới sân bay, bạn xuất trình hộ chiếu cho cán bộ kiểm tra nhập cảnh và làm theo hướng dẫn. Đặt ngón trỏ lên máy ghi vân tay để để lại thông tin của mình. Sau khi lấy xong vân tay, sẽ có máy chụp ảnh không mặt của bạn cũng chính bằng camera máy ghi vân tay và cán bộ kiểm tra nhập cảnh sẽ tiến hành phòng vấn bạn, khi phỏng vấn xong bạn sẽ được nhận lại hộ chiếu và ra quầy làm thủ tục, đưa visa kèm hộ chiếu.
C. Cách lấy hành lý nhanh khi ở khu vực lấy hành lý
Bạn sẽ thấy bảng ký hiệu (Baggage Claim) ở khu vực lấy hành lý, bạn cần tìm số chuyến bay của mình tại màn hình và đứng cạnh băng chuyền lấy hành lý ký gửi. Mỗi chuyến bay có khu lấy hành lý riêng, nếu bạn quên số khu lấy hành lý (Baggage Claim Number) và số hiệu máy bay bạn xem trên Boarding Pass.
D. Bạn sẽ phải điền những tờ khai gì khi nhập cảnh vào Nhật Bản
Bạn sẽ phải điền 2 loại tờ khai là Tờ khai nhập cảnh và tờ khai hải quan.
Đối với tờ khai nhập cảnh.
Tờ khai gồm 2 phần: phần bên trái là tờ khai khi xuất cảnh và phần bên phải là tờ khai nhập cảnh Nhật Bản. Sau khi làm thủ tục nhập cảnh, nhân viên sân bay sẽ thu tờ khai nhập cảnh và kẹp tờ khai xuất cảnh vào hộ chiếu để du khách sử dụng khi rời khỏi Nhật.
– Cách điền phần tờ khai nhập cảnh: Khai thông tin đầy đủ theo mẫu như tên, quốc tịch, ngày tháng năm sinh,… Cần lưu ý:
+ Ghi chính xác số hộ chiếu, chuyến bay đến Nhật, thời hạn lưu trú tại Nhật, địa chỉ lưu trú,…
+ Chữ ký trên tờ khai phải giống chữ ký trên hộ chiếu.
– Cách điền mặt sau tờ khai nhập cảnh
+ Đây là phần có những câu hỏi, du khách hãy đánh dấu vào các ô có chữ いいえ.
+ Ghi số tiền mà bạn mang theo, khoanh tròn vào đơn vị tiền tệ sử dụng.
+ Ký và ghi rõ họ tên.
Đối với tờ khai hải quan
Tờ khai hải quan Nhật Bản
Cách điền tờ khai hải quan khi nhập cảnh Nhật Bản:
– Số (1): Tên số hiệu chuyến bay.
– Số (2): Địa điểm xuất phát.
– Số (3): Ngày nhập cảnh.
– Số (4): Họ và tên (ghi giống như trong hộ chiếu).
– Số (5): Địa chỉ tại Nhật Bản.
– Số (6): Số điện thoại bên Nhật.
– Số (7): Nghề nghiệp.
– Số (8): Ngày tháng năm sinh.
– Số (9): Số hộ chiếu.
– Số (10): Số người đi cùng (trên 20 tuổi, từ 6 tuổi đến 20 tuổi, dưới 6 tuổi).
– Số (11) (12) (13): Đánh theo mẫu trên hình.
– Số (14): Ký tên.
– Số (15): Sử dụng khi mang theo hàng hóa cần khai báo.