Nhắc tới du lịch Hội An, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng nghĩ ngay đến những ngôi nhà cổ phủ đầy màu thời gian. Bởi thế, đi Hội An mà không dừng chân ghé thăm nhà cổ Tấn Ký sẽ là một thiếu sót cực kì to lớn đấy nhé.
Vốn là nơi gia đình họ Lê sinh sống 7 đời, chủ hiệu buôn Tấn Ký xây dựng ngôi nhà từ cuối thế kỷ XVIII. Mặt trước ngôi nhà thông ra phố Nguyễn Thái Học để mở hiệu buôn, mặt sau thông ra phía bờ sông, trên phố Bạch Đằng để thuận tiện cho việc nhập hàng hóa.
Gỗ là nguyên liệu chính được chủ nhà sử dụng để xây ngôi nhà, bên cạnh gỗ còn có loại đá và gạch lát. Đá đem về từ Thanh Hóa, chính loại đá ấy mới giúp cho những cột gỗ không bị mục sau từng ấy thời gian. Gạch lát nền là loại gạch Bát Tràng, mùa hè mát, mùa đông ấm.
Chủ nhà đã đầu tư rất nhiều khi thiết kế nên ngôi nhà vốn bị thời gian bỏ quên này. Nhà cổ Tấn Ký được làm bởi những nghệ nhân có đôi bàn tay khéo léo nhất làng mộc Kim Bồng nổi tiếng của Quảng Nam. Các họa tiết, hoa văn, cấu trúc trên ngôi nhà đều mang những ý nghĩa, thông điệp đầy màu sắc, triết lý phương Đông. Chính nhờ những nét đẹp này mà ngôi nhà cổ trở thành điểm du lịch Hội An thu hút nhiều du khách.
Ngôi nhà là sự kết hợp giữ các phong cách kiến trúc Trung Hoa, Nhật Bản và Việt Nam. Xây theo kiểu kiến trúc “chồng rường giã thủ” gồm có 2 thanh ngang chồng lên nhau, tượng trưng cho thiên – nhân, 5 thanh dọc giống như 5 ngón tay, tượng trưng cho ngũ hành. Kiến trúc hài hòa của ngôi nhà nói lên mơ ước về sự hòa hợp giữa con người với thiên nhiên.
Ngôi nhà mang kiến trúc hình ống đặc trưng của đô thị cổ, khắp nơi đều không có cửa sổ, nơi đón ánh sáng duy nhất của ngôi nhà là một khoảng sân gọi là giếng trời. Tuy nhiên khi bước vào ngôi nhà cổ này du khách lại không hề có cảm giác ngột ngạt.
Hiện nhà cổ Tấn Ký còn lưu giữ được nhiều hoành phi, liễn đối, trong đó có nhiều bức tuyệt đẹp như: “Tích đức lưu tôn” (dạy bảo con cháu giữ đức tốt cho thế hệ sau); “Tâm thường thái” (giữ tâm luôn yên tĩnh), ngoài ra nơi đây còn lưu giữ một bộ liễn đối “Bách Điểu” được giới khảo cổ coi là độc nhất vô nhị. Liễn đối Bách Điểu được viết bằng 100 nét, mỗi nét là một con chim đang bay.
Nhưng quý giá hơn cả, có lẽ là chiếc “Chén Khổng Tử” – là một báu vật vô giá, gắn với tích xưa về Khổng Tử, khuyên con người phải biết kiềm chế hành vi, giữ mình ở trạng thái trung hòa, không thái quá. Nội dung thuyết này khá khó hiểu với người đời, nên các môn đệ của ông đã làm ra chiếc chén không đầy như trên để người đời dễ hiểu và làm theo.
Một điều đặc biệt nữa làm nên tên tuổi của nhà cổ Tấn Ký, đây là ngôi nhà cổ đầu tiên vinh dự trở thành Di sản quốc gia và cũng là ngôi nhà cổ duy nhất của du lịch Hội An hân hạnh đón tiếp các nguyên thủ quốc gia, chính khách trong và ngoài nước. Nhiều đoàn làm phim cũng từng đóng phim tại đây.
Nhà cổ Tấn Ký, cũng như các ngôi nhà khác ở phố cổ Hội An từng hứng chịu những trận lụt lịch sử, trong đấy đỉnh điểm là năm 1964, nước ngập cao tới trần tầng một. Thế nhưng những ngôi nhà cổ vẫn còn nguyên vẹn, như thách thức với thời gian.
Ngoài không gian trưng bày những cổ vật vô giá ở phòng khách, trong ngôi nhà có hai góc nhỏ dễ thương dành để chủ nhà trưng bày huy hiệu và những món quà nhỏ của khách du lịch Hội An tới thăm tặng gia đình làm kỷ niệm.