Món cơm âm phủ nghe tên thôi cũng đủ khiến team đi Huế nổi da gà rồi chứ đừng nói gì đến thử. Thực ra, cái tên nghe hơi rùng rợn nhưng đây lại là món cơm mang đầy sắc màu rực rỡ, rất đáng để thưởng thức khi du lịch Huế. Cùng tìm hiểu xuất xứ của cái tên độc lạ này nhé!
Món cơm này đã có từ lâu đời tại mảnh đất cố đô. Tương truyền xưa đức vua cải trang làm thường dân đi thăm thú cảnh đời, tối khuya tá túc tại nhà một bà góa già. Do hoàn cảnh cơ hàn, khó khăn nên bà góa chỉ có thể chọn ra một chén cơm trắng cùng một ít rau các loại xếp vào chiếc đĩa đặt bên chiếc đèn dầu cho vua dùng. Vua đói và mệt nên ăn ngon lành hết sạch chén cơm của bà, sau về cung cứ lưu luyến mãi mà sai đầu bếp thêm các nguyên liệu chế biến lại để dâng vua. Sau đó, ngài đặt cho món cơm đó cái tên Âm phủ.
Nhưng có nhiều giả thuyết lại cho biết cơm âm phủ ra đời vào giai đoạn (1914 – 1918), do một doanh nhân thuộc vào hàng vọng tộc là Tống Phước Kỷ sáng kiến mở ra. Quán dựng ở vùng đất vắng, lại thường mở tới khuya phục vụ khách chủ yếu là người đi xem tuồng, hội, ca, múa… Trong quán chỉ trang bị một chiếc đèn dầu cháy leo lắt, lại chỉ bán “độc” món cơm bình dân trộn lẫn với thịt nạc, rau củ quả, ăn kèm nước chấm đủ ngũ sắc (trắng, xanh, vàng, đỏ, đen) nên khách hàng vui miệng mà gọi tên món cơm quán ấy là cơm âm phủ.
Ngày nay, món cơm bình dân lạ tai này đã trở nên phổ biến, không chỉ với khách đi Huế mà còn ở nhiều vùng miền khác. Lần đầu tiên thấy tên cơm âm phủ trong thực đơn, ai ai cũng tò mò và muốn khám phá cho kì được. Và rồi ngạc nhiên, thích thú khi món ăn có cái tên huyền bí pha chút rờn rợn ấy lại đẹp mắt và ngon miệng vô cùng.
Ăn kèm với cơm âm phủ không thể thiếu một chén nước mắm có pha tỏi, đường, nước cốt chanh. Tất cả hòa quyện vào nhau tạo nên một món ăn đa sắc, đa vị và đẹp mắt. Thuở ban đầu, đây có thể coi một phát kiến về “đồ ăn nhanh“ đáp ứng nhu cầu tiện, rẻ, no của những khách ăn vội vã về khuya, thay vì làm nhiều món nóng sốt khác nhau. Nhưng không thể phủ nhận sự tổng hòa về màu sắc và nguyên liệu các món ăn đã mang tới một món ăn tinh tế, hội tụ đủ cả ngũ hành âm dương, gây háo hức cho người thưởng thức.
Trước kia, cơm âm phủ thường dành cho những người lao động đêm, họ thường phải ăn no, chắc bụng để đủ sức lực cho những giờ mưu sinh nhọc nhằn nhưng bây giờ, từ những người lao động phổ thông tới dân công chức đều tìm đến món cơm này. Món ăn rất Huế, vừa giản dị, vừa phảng phất phong cách cung đình, chắc chắn sẽ là một trải nghiệm ẩm thực thú vị cho bất kì ai.