Có dịp đi Hội An, bạn nhất định phải thử món bánh mì ngon nổi tiếng thế giới. Nằm trên con đường nhỏ ở xa khu phố cổ nhưng tiệm bánh mỳ của cụ bà 81 tuổi là điểm đến quen thuộc của khách du lịch Hội An.
Quả thật, không phải tự nhiên mà tiệm bánh mỳ nhỏ xíu này lại được website du lịch nổi tiếng thế giới TripAdvisor gọi với tên “The Banh mi Queen” và được du khách nước ngoài hết lời ca ngợi đây là tiệm bánh mỳ ngon nhất thế giới. Với nguyên liệu tự chế biến theo công thức gia truyền hơn 30 năm, những ổ bánh mì ở đây có hương vị đặc trưng, hấp dẫn mà dám cá là bạn sẽ không thể chê vào đâu được.
Tìm đến tiệm bánh mì của cụ bà này, chúng tôi khá bất ngờ bởi không gian của tiệm khá nhỏ nhắn, bình dị nằm nép mình khiêm tốn ở một khu ít người qua lại. Tiệm rộng chưa tới chục mét vuông và chỉ đủ kê chiếc tủ kính đựng thực phẩm và bốn cái bàn.
Lúc chúng tôi đến, cụ Lộc đang cẩn thận đặt từng phần nhân vào ruột bánh mì, vừa niềm nở “trò chuyện” với một vị khách nước ngoài bằng một thứ ngôn ngữ… khó hiểu. Khi vị khách người Anh vừa đi khỏi, quay sang thấy tôi gãi đầu có vẻ thắc mắc, cụ liền cười hiền hậu giải thích: “Chắc lúc nãy bà nói các cháu không hiểu chứ chi. Thật ra bà chẳng biết tiếng anh mô, bà chỉ học lóm được vài tiếng để nói giá cả thôi. Lúc nãy bà hỏi khách là có good không, khách trả lời lại “good good”, rứa là bà hiểu là họ khen ngon, thấy vui và hạnh phúc lắm rồi”.
Theo lời kể của cụ Lộc, lúc trước cụ bán chè rồi sau đó mới chuyển sang bán bánh mì ngót nghét đã hơn 30 năm nay. Ngày mới khai trương, tiệm của cụ Lộc chưa có tên, sau đó một người khách Tây sau khi đến đây thưởng thức bánh mì, ông đã tặng cụ một cái bảng hiệu tiệm đặt theo tên của chồng cụ.
Cụ Lộc cho biết, trước khi mở tiệm bánh mì, cụ đã tìm đến nhiều tiệm bánh mì nổi tiếng ở Hội An để thưởng thức rồi sau đó về “nghiên cứu” và tự sáng tạo ra công thức làm nhân bánh mang mùi vị đặc trưng của riêng mình.
Hàng ngày, để chuẩn bị nguyên liệu cho một ngày bán, cụ phải nhờ con gái phụ giúp từ tối hôm trước và sáng tinh mơ hôm sau. Đặc biệt, phần nhân bánh được cụ chuẩn bị rất kỹ lưỡng, từ phần trứng, thịt nướng, thịt xíu, lạp xưởng, pate cho đến rau củ, tương ớt, hạt tiêu hay nước sốt pha… đều được tẩm ướp, chế biến theo công thức riêng và luôn phải đảm bảo chất lượng. Ngoài ra, bánh mì cũng được cụ đặt làm riêng ở một lò uy tín với lớp vỏ giòn, ruột dày và thơm ngon.
Được biết, trung bình mỗi ngày bà bán được khoảng 300 ổ bánh mỳ, doanh thu gần 5 triệu đồng nhưng theo chia sẻ của chủ quán, tiền lãi thu về khá khiêm tốn do cụ đầu tư nhiều cho chất lượng nhân của bánh.
Khi cô bạn đồng nghiệp đi cùng tôi hỏi, sao cụ không chuyển tiệm đến trung tâm phố cổ để có nhiều khách lui tới hơn, cụ Lộc cười phúc hậu: “Bà cũng già rồi, chẳng biết sống thêm được mấy năm nữa, con cháu bà chẳng có ai nối nghiệp cả. Bây giờ bà cũng không muốn bán nhiều, mỗi ngày bán vài trăm ổ cho khách để có niềm vui tuổi già thôi. Hơn nữa, bà muốn khách có nơi yên tĩnh để ngồi chậm rãi thưởng thức được hết cái ngon của bánh, không phải bận tâm đến sự ồn ào, náo nhiệt bên ngoài…”.
Có lẽ, góc đặc biệt nhất trong tiệm bánh mì là chiếc tủ kính, nơi dán hàng trăm mảnh giấy viết tay của khách du lịch khen ngợi về những ổ bánh mì ngon nhất mà họ được thưởng thức trong đời. Đặc biệt, đa số những lời nhận xét, cảm ơn và tình cảm yêu mến ấy lại đến từ những vị khách nước ngoài.
Cụ Lộc cho biết, chiếc tủ có tấm bảng kính này là của một vị khách người Anh tặng cho cụ vào đầu năm 2014. Kể từ đó, nhiều khách đến đây, sau khi thưởng thức ổ bánh mỳ của cụ, họ đã viết lại cảm nghĩ của mình và dán vào tấm bảng này. Trên tấm bảng có rất nhiều ngôn ngữ của khách du lịch đến từ nhiều quốc gia như: Anh, Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Lào, Camphuchia, Tây Ban Nha…
Vừa thưởng thức xong một ổ bánh mì, anh Brooklyn, một du khách đến từ Mỹ, cho biết: “Đây là lần thứ hai tôi trở lại Hội An và được thưởng thức món bánh mì đặc biệt này. Bánh mì ở đây rất thơm ngon, vỏ bánh giòn còn nhân thì không quá béo, rất khác biệt so với những ổ bánh mì mà tôi đã từng được ăn ở những nơi khác. Tôi hi vọng bà Khanh sống khỏe mạnh để lần sau có dịp trở lại đây, tôi lại có thể thưởng thức bánh mì của bà”.