Du lịch Hàn Quốc và “ngủ quên ở Seoul” với review cực chất 4 ngày 4 đêm của bạn Thùy Trang với giá chỉ từ 7,7 triệu đồng.
Làn sóng Hallyu có lẽ đã ngấm sâu vào giới trẻ Việt suốt bao năm tuổi thanh xuân. Bởi vậy, không chỉ riêng mình, chắc cũng có không ít bạn trẻ mong muốn 1 lần đặt chân đến xứ sở kim chi để thỏa giấc mơ ngôn tình sau khi xem 1001 bộ phim Hàn xẻng.
Nhiều người đều sợ hãi vì từ khâu thủ tục visa khó khăn cho đến chi phí đi lại ở Hàn đắt đỏ. Sau chuyến đi 4N4Đ chỉ với 7,7 triệu đồng, Trang Chó xin chia sẻ lại tất tần tật những gì mình biết để giúp các chị em tự tin xách váy quẩy tung đất nước lạnh thụt ti này nha.
A.Thủ tục visa TỰ TÚC dành cho người đi làm và sinh viên
Bước 1: 6h sáng đến đại sứ quán Hàn Quốc tại tầng 7, tòa nhà Charmvit 117 Trần Duy Hưng, Hà Nội để xếp hàng. 9h họ sẽ phát số từ tầng hầm B2 để mình lên tầng 7 gặp bảo vệ lấy lịch hẹn. (đi theo nhóm thì xếp hàng cạnh nhau)
Bước 2: 6h sáng theo lịch hẹn đến ĐSQ cầm hồ sơ theo để nộp. Hồ sơ ok sẽ đi nộp tiền 20$ (được nộp tiền Việt là 457K), lấy giấy hẹn 1 ngày khác đến lấy visa. (thường là 7-10 ngày sau). Chỉ nhận làm visa thương mại tự túc buổi sáng, chiều làm dịch vụ.
Lưu ý: Tất cả photo trên giấy A4 nhé.
2.1: Hồ sơ dành cho người đi làm
1. Hộ chiếu còn hạn trên 6 tháng
2. Hợp đồng lao động có dấu cty
3. Đơn xin nghỉ phép có dấu cty
4. Photo 2 mặt sổ tiết kiệm + xác nhận số dư hoặc xin sao kê sổ tiết kiệm
Sổ tiết kiệm trị giá tối thiểu 100tr đã gửi được ít nhất 1 tháng (bản gốc hoặc bản photo rõ nét 2 mặt), kèm theo xác nhận số dư của ngân hàng ngày gần nhất (bản gốc). Nếu sổ tiết kiệm gửi chưa đủ 1 tháng thì phải bổ sung kèm theo các giấy tờ tài sản liên quan khác (nhà đất, xe hơi, bất động sản…).
5. Vé máy bay
6. Lịch trình du lịch
7. Đặt phòng khách sạn (Đặt rồi in ra, hủy phòng cũng được)
8. CMT photo không cần công chứng
9. 1 ảnh màu 3.5×4.5cm phông nền trắng, không chấp nhận ảnh đen trắng, ảnh scan, kích cỡ không theo quy định, ảnh mới chụp trong 6 tháng). Mẫu đơn đăng ký của Đại sứ quán tiếng Anh (trên ĐSQ tầng 7 có sẵn mẫu bằng tiếng Việt).
2.2. Hồ sơ dành cho sinh viên
1. Hộ chiếu còn hạn trên 6 tháng
2. CMT photo
3. Photo sổ hộ khẩu, công chứng
4. 1 ảnh màu 3.5×4.5cm nền trắng (ảnh mới chụp trong 6 tháng), Mẫu đơn đăng ký của Đại sứ quán
5. Thẻ sinh viên photo
6. Đơn xin nghỉ phép có xác nhận của nhà trường (Với các em học sinh, sinh viên thì cần viết đơn xin phép, xin chữ kí giáo viên và lên văn phòng nhà trường xin dấu và nộp kèm 1 bản dịch tiếng Anh không cần công chứng)
7. Photo 2 mặt sổ tiết kiệm + xác nhận số dư hoặc xin sao kê sổ tiết kiệm của bố mẹ
8. Vé máy bay in ra
9. Lịch trình du lịch tiếng Anh
10. Đặt phòng khách sạn in ra
11. Thư bảo lãnh Việt + Anh của bố mẹ (có xác nhận của địa phương, dịch và công chứng).
12. Giấy khai sinh công chứng, dịch tiếng anh
13. CMND của bố mẹ photo, dịch và công chứng
Bước 3: Chiều 13h đến ĐSQ lấy visa. Hoàn tất thủ tục visa lằng nhằng nhất Vịnh. An tâm lên lộ trình du lịch.
Tổng tiền: 457.000 (tiền 20$ visa) + 30.000 tiền photo + 15.000 gửi xe DSQ = 500K.
B. VÉ MÁY BAY
– Mình tự đặt vé máy bay khứ hồi Vietjet Hải Phòng – Incheon giá gần 3tr đồng. Cả hành lí 15kg chiều về nữa là 3,5tr đồng.
C.ĐỔI TIỀN
– Đổi tại Hà Trung, tỉ giá 1K won= 21.700 VNĐ. Mình đổi 4.5 triệu đồng = 210.000 won. (nên đổi trung bình 1 triệu đồng/ngày).
D. Ở
Vì mình có rất nhiều bạn ở Hàn nên không mất tiền thuê khách sạn. Tuy nhiên, mình vẫn đưa 50K won phí ăn uống, tiền phòng, phí làm phiền trong suốt 4N4Đ hihi, tính ra là hơn 1 triệu đồng.
Các bạn hoàn toàn có thể ở 0 đồng qua web Couchsurfing. Mình có up lịch trình du lịch của bản thân trong năm nay lên đó và được rất nhiều bạn trẻ tại Seoul và các nước khác đồng ý cho ở nhờ.
E. WIFI
Bạn nên mua sim 3g/4g hoặc những người bán sim Hàn tại Việt Nam hay thuê cục phát wifi có giá từ 250K đến 500K thay vì mua tại sân bay Hàn vì rất đắt.
Lưu ý: Ở Hàn có rất nhiều wifi free nhưng thật ra cũng rất khó bắt. Mình lên tàu điện ngầm cố đấm ăn xôi mãi mới bắt được 1 chút đã phải xuống rồi. Nên nếu muốn sống ảo thì các bạn cứ mua sim nha. Mình dùng sim Việt Nam chuyển vùng quốc tế, tự bật 3G mất 4.000 đồng/phút hết khoảng 80.000 cho cả chuyến đi vì ít bật và không nghe gọi gì.
F. ĐI LẠI
-Ở Hàn có các phương tiện di chuyển chính là: tàu điện ngầm (rẻ), xe bus (rẻ), taxi (đắt, giá mở cửa là 3.000 won).
-Di chuyển từ sân bay về Seoul (Khu Dongdaemun): Vì sân bay Incheon rất rộng nên bạn sẽ đi theo dòng người để xuống tàu điện ngầm ra cổng chính (không biết cứ nhìn họ mà đi là ok). Đến cổng rẽ phải 20m, nhìn thấy cửa hàng bán vé bus airport thì mua vé bus về nơi bạn đặt phòng. Mình về Dongdaemun nên mua bus 6002 giá 10.000 won.
Đứng xếp hàng chờ xe và nhớ giữ cuống vé hành lí để lúc xuống bến lấy hành lí dưới gầm xe. Câu tiếng Hàn để xuống bến: Dongdaemun kapko sippoyo. (Tôi muốn xuống Dongdaemun).
-Việc đầu tiên bạn nên làm khi đến Seoul là mua thẻ T-money tại các cửa hàng tiện lợi, giá 2.000 – 4,500 won. Đây là là một dạng debit card nó được sử dụng rất rộng rãi ở Hàn Quốc, dịch vụ tiện lợi nhất đó chính là vấn đề giao thông công cộng như xe buýt hay tàu điện ngầm. Sau khi mua thẻ bạn sẽ phải thêm tiền vào đó, tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng của bạn ngay tại cửa hàng. Mình mượn thẻ bạn và nạp 10.000 won vào đó, đi miết mải vẫn thừa hơn 2.000 won (được trả lại ở máy tự động).
-Tải sẵn phần mềm subway (tàu điện ngầm) và google dịch để tra đường và SOS những người Hàn tốt bụng trên đường. Vì hệ thống subway ở Hàn lằng nhằng gấp 5 lần Thái Lan nên mình đi theo chỉ dẫn của người bạn cho ở nhờ, thật sự không thể hiểu nổi. Chính người Hàn cũng phải tra cứu subway vì họ không thể biết hết được đường nước họ đâu. Hãy đi theo chỉ dẫn của bản đồ và tìm hiểu trước thông tin nơi bạn đến, ga cần dừng từ VN nhé.
-Bus: sạch sẽ, giống y như phim. Đừng ngồi ghế dành cho bà bầu màu hồng, sẽ bị nhìn đấy.
-Taxi: đắt, giá mở cửa 3.000 won. Chỉ nên đi khi đông người hoặc lạc đường…như mình.
G. CHECKIN SEOUL
Vì không chịu được lạnh nên mình toàn ngủ quên đến 4-6h chiều mới bắt đầu đi chơi, 2h sáng kết thúc hành trình. Tuy hơi muộn nhưng rất may là vẫn đi được 16-18 điểm nổi bật tại Seoul. Vì ở Hàn, người ta hoạt động từ 10-11h sáng, đêm muộn mà đường vẫn đông như hội, cũng khá muộn nên bọn mình vẫn kịp đi chơi và quẩy đêm. Sau đây là lịch trình 4N4Đ của Trang Chó:
Ngày 1:
Công viên Yeouido ngắm hoa anh đào: Dù không còn nhiều hoa đào nhưng khu này vẫn rất đẹp vì nhìn thẳng ra sông Hàn, có bãi cỏ rất rộng để sinh viên, gia đình đến trải thảm tâm sự, cho thuê cả đèn nhấp nháy quấn lên lều sống ảo. Đi dọc khu công viên có cầu khóa tình yêu, cách design rất đẹp mắt 1 mét vuông vạn tấm ảnh ảo, có cả khu ăn uống….Các ajuma đứng đầy đường phát tờ rơi để bạn gọi món, các oppa chưa có cơ hội làm idol chen lấn nhau đứng hát ở từng góc công viên, WC free.
Dong Daemun Plaza (DDP): trạm Dongdaemun Culture and History Park (Exit 1)
Thật sự khu quảng trường này được thiết kế như kiểu người ngoài hành tinh vậy, y hệt tàu vũ trụ với nhiều khu buôn bán, quán café cực chất. Giá chát nên chỉ ngắm thôi. Đây cũng là nơi Sơn Tùng MTP và các sao thế giới checkin nhé.
Vườn hồng đèn led: 20.000 bông hoa hồng bằng đèn Led với hệ thống cảm biến tại Dongdaemun Design. Năm 2020 sẽ đóng cửa nên các bạn có đến Seoul nhớ ghé qua nhé.
Vườn hồng điện tử đình đám một thời nhờ cảnh quay trong phim “Vì sao đưa anh tới” của cụ Do Min Joon, bật sáng cho đến khoảng 10-11 giờ đêm.
Suối Dongdaemun (gần chợ Dongdaemun): Nhiều người nhầm đây là suối nhân tạo Cheonggyecheon nhưng không phải đâu nha ahihi. Suối này nước rất trong, có nhiều cá cảnh nhưng cấm bắt sẽ ngồi tù đấy. Đi dạo tản bộ, chạy bộ giảm cân cũng rất tuyệt.
Naksan Park: đối diện cổng Dongdaemun (ở Seoul có 4 cổng thành thế này). Đây là địa điểm nổi tiếng từng lên sóng nhiều phim như: Hoàng tử gác mái, Secret Garden, Cô nàng đáng yêu, Cô nàng mạnh mẽ Dobongsoon… Mình đã may mắn được đến đây vào cả tầm tối muộn (11h) và sáng sớm (4h30) nên nhìn được hết cảnh thành phố ở trên cao và ngắm hoa anh đào cực đẹp.
Chợ Dongdaemun đêm: Dâu tây ở đây rẻ nhất Trái đất giá từ 3.000 – 6.000 won tùy loại 1 hộp to oành, ăn cả tối. Oteng (thanh chả cá huyền thoại) giá từ 1.000 won -2.000 won rẻ hơn khu Myeongdong nhiều. Bingsu thì khá đắt giá 10.000 won/bát, café thì tầm 6.000 won.
Ngày 2
N seoul tower: Mở từ 10h sáng – 23h đêm.
-Cách đi: di chuyển bằng tàu điện đến ga Chungmuro, trên đường tàu line số 3 và 4, cửa ra số 4, rẽ phải ngay gần đó sẽ thấy bến xe bus. Đi xe bus số 02 đến cuối bến để đến núi Namsan. Lưu ý: lúc xuống xe cũng phải quẹt thẻ không là sẽ bị trừ tiền 2 lần ở lần quẹt thẻ tiếp theo.
-Chúng mình đi bộ xuống Myeongdong theo chỉ dẫn của 3,4 người Hàn. Tuy nhiên vẫn lạc nên quyết định đi taxi với giá 4.000 won/4 người.
Myeongdong: Đây được xem là khu chợ nổi tiếng và đắt đỏ bậc nhất tại Seoul với đủ các loại mỹ phẩm, quần áo, đồ ăn đường phố. Bạn bè bên Hàn của mình gọi đây là nơi “khách du lịch đến và chỉ gặp nhau 1 lần” nên giá cả rất đắt đỏ.
Đồ ăn vặt dao động từ 3.000 – 5.000 won, không ngon, ăn cho biết là chính. Mỹ phẩm có giảm giá nhưng vẫn đắt và đắt hơn các khu khác nên không nên mua. Quần áo thì nên mua ở các cửa hàng sale 10.000 won/2 sản phẩm, đẹp, chất và rẻ.
Khu này có cửa hàng Line với chú gấu Brown to vật vã phải đứng xếp hàng lần lượt để chụp hình.
Con suối Cheonggyecheon (Đối diện quảng trường Gwanghwamun, có tượng hình xoắn ốc ngay đầu suối): đây là suối nhân tạo dài 5,8 km chảy qua khu trọng điểm thị trấn Seoul, được kiến tạo rất đẹp mắt, thường tổ chức lễ hội đèn lồng hoặc các hoạt động văn nghệ, được khách du lịch yêu thích để tản bộ, checkin.
Jimjilbang tại Sparex: (gần Dongdaemun, đi bộ được) Đến Hàn mà không đi phòng tắm xông hơi thì quá phí. 12h đêm chúng mình kéo nhau đến đây với giá ban đêm là 12.000 won/người, ban ngày rẻ hơn chỉ 6.000 – 8.000 won. Bạn được phát khăn, quần áo, chìa khóa gửi đồ và sẽ…lột sạch để tắm xông hơi jimjilbang tại các bồn sục, phòng xông. Bọn mình ú ớ không biết tiếng nên khi xuống phòng công cộng ngủ còn được chú quản lí cho nằm ở khu woman room có phòng riêng như kiểu phòng dorm khách sạn. Nhưng vì lạ nhà không ngủ được nên 3h sáng lại kéo nhau dậy tắm, sục tiếp rồi 4h khởi hành đi leo núi Naksan.
Lưu ý: Nước, đồ ăn khá đắt nên tự mua ở cửa hàng tiện lợi mang vào. Nhiều người ngủ, ngáy khá to nên nếu muốn ngủ hãy mang theo bông bịt tai, giữ đồ cẩn thận kẻo mất điện thoại.
Ngày 3:
Làng Iwha: 4h30 sáng mình và nhỏ em leo núi Naksan để ngắm cảnh sáng. Từ đây, bạn có thể thấy biển chỉ dẫn đi làng Iwha. Đây là ngôi làng nghệ thuật, mọi ngóc ngách đều được sơn màu, design cực đáng yêu.
Cách đi tàu điện: đi subway đến Hyehwa Station, ra Exit 2
Dongdaemun sáng: Đây là khu chợ sáng được xem là khu bán buôn lớn nhất của Hàn Quốc với các mặt hàng đồ siêu đẹp, siêu rẻ…Thật sự nếu là tín đồ ham hàng rẻ thì bạn sẽ “chết chìm” trong chợ này vì quá nhiều thứ hấp dẫn. Quần, áo, cặp sách cực chất chỉ bán với giá 2.000 – 5.000 won (hơn 100.000 VNĐ), bạn mua được cả quần bò, áo phông, váy… mà các shop Việt bán từ 250.000 – 500.000 đồng.
Quảng trường Gwanghwamun: là quảng trường cuốn hút nhất thủ đô Seoul, thẳng đường đi bộ vào Gyeongbokgung. Thật sự quá nhộn nhịp vì có các hoạt động lớn ở đây. Khu này có các tòa nhà chính trị nên 1m lại có 1 oppa cảnh sát. Nghe tiếng trống ở quảng trường rồi ngắm 1000 anh cảnh sát đẹp khó hiểu, cao khó hiểu, trắng khó hiểu mà ngỡ tim mình đập tính tịch tình tang.
Cung điện Gyeongbok: Muốn đến Gyeongbokgung, bạn có thể bắt xe điện ngầm cổng số 5 – trạm Gyeongbokgung chuyến số 3.
Phí vào cửa là 3.000 won (hơn 60 nghìn đồng) đối với người lớn, 1.500 won (hơn 30 nghìn đồng) đối với người dưới 18 tuổi. Free cho người mặc hanbok.
Cung điện rộng, đẹp nhưng thực chất không quá ấn tượng vì mình đã xem quá nhiều phim Hàn rồi và cũng không có gì đặc sắc.
Làng cổ bukchon Hanok: Bạn có thể đi bộ từ cung điện sang làng cổ, mất khoảng 15 phút di chuyển. Làng có những ngồi nhà cổ kính, thích hợp sống ảo và ngắm nghía văn hóa cổ của Hàn.
Phố đi bộ Sinchon: Đi từ trường Ehwa ra, rẽ tay phải là tới Sinchon. Đây cũng là 1 con đường café shopping ăn uống cho các bạn thư giãn. Bọn mình ăn buffet 12.000 won/người tại đây, toàn thịt là thịt. Khu này mỹ phẩm khá rẻ, khuyến mãi nhiều nên các bạn có thể thỏa sức ăn uống, mua sắm.
Ngày 4
Bắt bus 6002 giá 10.000 won đến sân bay về Việt Nam.
H. ĂN GÌ Ở SEOUL?
• Gà rán trong cup: 3000 won
• Bánh chả cá: 800 won – 3.000 won (nên ăn ở Dongdaemun).
• Kem xoắn quẩy: 2000 won
• Bánh nhân đậu: 3000 won túi nhỏ.
• Dâu tây: 3.000 – 6000 won/ hộp (nên mua ở Dongdaemun).
• Buffet thịt nướng kiểu Hàn: khu Sinchon giá 12.000 won/người ăn lặc lè.
• Kimbap: Cơm cuộn bán trong các cửa hàng tiện lợi cực ngon, chỉ 1.000-1.500 won.
• Nước hoa đào: 1.500 won
• Tokbokki: 3.000 won (chợ Myeongdong)
• Sữa chuối: 1.500 won (cửa hàng tiện lợi 7/11)
• Mì đen Jajangmyun: 4.000 won
• Gà hầm sâm: 4.000 won
• Rượu soju: ngọt ngọt và không quá cay, dễ uống. Ăn kèm với các món nướng rất tuyệt.
I.NHỮNG LƯU Ý HỮU ÍCH
Thuê Hanbok ở đâu và giá cả thế nào?
Thuê 2 tiếng : 15000 won – 20.000 won (loại hanbok bình dân thì 10.000 won/2tiếng)
Thuê 4 tiếng: 25.000 – 35.000 won.
Khu làng cổ và khu cung điện đều có nhiều chỗ cho thuê. Bạn nên đi tham khảo giá 1 vòng hoặc đặt trên mạng tại VN nhé.
Một số địa điểm thuê hanbok miễn phí
Insadong Information Center: 60.000 VNĐ cho 20 phút mặc thử, mở cửa từ 10h sáng tới 6h30p tối.
Deoksugung: ở đây cho thử mặc đồ binh lính, đồ hanbok cổ trang
K-Style Hub: tầng 15 nha, địa chỉ đây : KTO Seoul Office 2F-5F, 40, Cheonggyecheon-ro, Jung-gu. Nhưng chỉ được mặc trong khu vực này thôi.
Gwanghwamun : ở khu gallery ngầm dưới cái chỗ này có 1 chỗ cho thay trang phục vua chúa thời xưa + hanbok cổ.
Cửa hàng M plaza ở Myeongdong: Đây là trung tâm văn hóa và du lịch toàn cầu ở Seoul nằm ở tầng 5. Bạn chỉ cần đăng ký và đợi tới phiên mặc lên người chiếc Hanbok ( địa chỉ: Từ ga Myeongdong, ra cửa số 4 đi thẳng tầm 150m, M Plaza nằm ngay ở phía bên tay phải)
Tàu điện ngầm: mở đến khoảng 11h-12h đêm nên cần canh giờ vui chơi để không lỡ tàu. Trên tàu có ghế dành cho bà bầu, người già, người khuyết tật, nên tránh các ghế này. Nếu đi nhầm ga không muốn mất tiền quẹt thẻ hãy ấn chuông cửa HELP để cửa tự động mở giúp bạn ra ngoài, tìm tàu khác để di chuyển.
Nước miễn phí: Sân bay và các cửa hàng đồ ăn đều có nước lạnh miễn phí. Tuy nhiên, lúc xuất cảnh không được mang nước, rượu qua cửa hải quan.
Sang đường khi có tín hiệu đèn xanh: Không giống Việt Nam, ở Hàn rất tuân thủ luật giao thông. Đừng mang phong cách của ta sang đó, hãy tuân thủ đèn giao thông và đi theo dòng người vì nếu lao sang có thể bị các oppa shipper gà rán đâm sấp mặt để rồi họ lại phải bị phạt nặng hoặc ngồi tù vì bạn.
K. TỔNG CHI PHÍ
Visa: 500.000 đồng + Vé máy bay: 3.500.000 đồng + Phí làm phiền ở nhờ: 1.000.000 đồng + Tiền chi tiêu: 2.600.000 đồng + Tiền taxi khứ hồi ra sân bay: 110.000 đồng = 7.710.000 đồng.